Kinh tế Mỹ khép lại những ngày cuối năm với những mảng màu tươi sáng hơn. Ảnh minh họa

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là năm 2011 sẽ kết thúc, và theo các chuyên gia, nền kinh tế Mỹ đang dần khép lại những ngày cuối cùng của năm với những mảng màu tươi sáng hơn, chẳng hạn như thị trường lao động từng bước được cải thiện, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn trong kỳ mua sắm cuối năm, sức ép trên thị trường bất động sản phần nào được giải tỏa. Các nhà phân tích cũng cho rằng, điều này mang đến nhiều hy vọng mới cho người dân nước này nói riêng và thế giới nói chung trước thềm lễ Giáng sinh và năm mới.

Còn nhớ, mùa Hè năm nay đã xuất hiện những dự đoán về khả năng Mỹ có thể rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế mới. Tuy nhiên, thực tế đến nay đã chứng minh nền kinh tế lớn nhất thế giới này tăng trưởng nhanh hơn mỗi quý, riêng ba tháng cuối năm 2011 ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất. 

Theo kết quả khảo sát mới đây do hãng tin AP của Mỹ tiến hành với các nhà kinh tế, hầu hết họ đều loại trừ khả năng Mỹ có thể rơi trở lại suy thoái, và dự đoán nền kinh tế nước này có thể tăng trưởng tới 3% trong quý IV năm nay, đây là mức cao nhất kể từ mức tăng 3,8% ghi nhận hồi đầu năm 2010. Còn đối với người dân Mỹ, nhìn chung, họ cảm thấy bức tranh kinh tế của đất nước đã tốt hơn nhiều so với cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 7 vừa qua. Cụ thể, chỉ số lòng tin tiêu dùng tăng 15 điểm, lên 56 điểm trong tháng 11, mức cao nhất kể từ tháng 4/2003. Trong giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất, chỉ số này từng giảm xuống mức 25 điểm. 

Tuy nhiên, cũng có không ít lo ngại rằng sự đột phá bất ngờ của nền kinh tế Mỹ giai đoạn cuối năm 2011 là không bền vững, một phần do mức lương trung bình của người lao động chưa tăng tương xứng với tỷ lệ lạm phát cả năm. Nếu tính toán dựa trên số liệu điều chỉnh lạm phát, mức lương hàng tuần của người lao động trong tháng 11/2011 lại giảm 1,8% so với tháng trước đó. Mặt khác, bản thân nước Mỹ cũng cần vượt qua những bất đồng chính trị trong nước khi Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa vẫn chưa thể nhất trí về việc cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Mỹ là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong các giao dịch tài chính quốc tế. Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, sự tăng trưởng hay tuột dốc của nền kinh tế nước này sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới. Nó ảnh hưởng đến trao đổi thương mại toàn cầu, đến giá hàng hóa, nguyên vật liệu thô, đến niềm tin vào thị trường tài chính, cùng nhiều yếu tố khác nữa.

Thanh Sang
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *