Ảnh minh họa

Kinh tế thế giới thời gian gần đây lại chìm trong u ám. Sắc đỏ tiếp tục bao trùm hầu hết các thị trường chứng khoán lớn do lo ngại về khả năng một cuộc suy thoái mới có thể sẽ lan từ châu Âu và Mỹ ra khắp toàn cầu. Thêm vào đó, giá vàng tiếp tục tăng mạnh và lập kỷ lục mới trong bối cảnh các nhà đầu tư chủ trương tăng cường nắm giữ mặt hàng này như một kênh đầu tư an toàn.

Các thị trường chứng khoán trong khu vực châu Á, từ lớn đến nhỏ, đều đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch cuối tuần vừa qua. Trong khi đó, ở châu Âu, cả ba chỉ số chính là FTSE 100 của Anh, CAC 40 của Pháp và DAX của Đức cũng đều giảm mạnh.

Còn trên thị trường vàng, chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giao tháng 12 năm nay đã tăng 30,2 đôla lên 1.852,2 đôla/ounce. Thậm chí, đã có thời điểm giá vàng leo lên mức kỷ lục là 1.881,4 đôla/ounce. Chỉ tính riêng trong tháng 8 đến nay, giá vàng đã lập 9 kỷ lục. Đây được xem là tháng vàng tăng giá cao nhất trong gần 12 năm qua. Giới phân tích cảnh báo, thị trường vàng hiện đang trong tình trạng mua vào quá nhiều, đồng thời lưu ý rằng, bất kỳ thông tin lạc quan nào liên quan tới đồng đô la Mỹ cũng có thể châm ngòi cho một đợt bán tháo chốt lãi trên thị trường vàng.

Các số liệu ảm đạm của nền kinh tế Mỹ đã khiến giới đầu tư lo sợ nền kinh tế đầu tàu thế giới lại rơi vào suy thoái. Thống kê chính thức mới nhất của Mỹ cho thấy, lạm phát ở nước này đã tăng trở lại trong tháng 7 vừa qua và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3 năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI – thước đo lạm phát) tại Mỹ đã tăng 0,5%, khiến người tiêu dùng thêm chật vật trong việc thanh toán những chi phí tối thiểu của cuộc sống. 

Trước thực tế này, giới chuyên gia đã cân nhắc hạ mức dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chính sự sụt giảm niềm tin đã ảnh hưởng đến sản xuất, đến đầu tư của doanh nghiệp, đến doanh số của ngành bán lẻ; khiến cho các nền kinh tế phát triển rơi vào tình trạng gần như đình trệ. Có một thực tế là ngay cả các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Brazil cũng có các dấu hiệu của sự phát triển chậm lại. 

Các nhà phân tích cho rằng, ngoài bất ổn kinh tế, cuộc khủng hoảng nợ công ở Mỹ và châu Âu còn được xem là tác nhân dẫn tới bất ổn xã hội ở nhiều nước châu Âu. Đợt bạo loạn vừa qua ở Anh, thảm sát ở Na Uy, các cuộc biểu tình ở Hy Lạp, đã minh chứng điều đó. Chính vì vậy, việc giải quyết triệt để những vấn đề kinh tế, xã hội vẫn là thách thức dài hạn đối với chính phủ các nước trên đây.

Tuy nhiên, dù sao thì người ta vẫn còn có thể hy vọng, do vẫn tồn tại những động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, đó là tình hình gián đoạn sản xuất do động đất, sóng thần vừa qua tại Nhật Bản đã chấm dứt, giá dầu thế giới giảm, tăng trưởng việc làm – dù chậm chạp – vẫn được duy trì tại Mỹ.

Thanh Sang (tổng hợp)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *