Các nhà khoa học Mỹ cho biết, họ đã thành công trong việc tạo ra tế bào gốc đa năng, hay còn gọi là tế bào iPS, từ tế bào da của tê giác trắng – một loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Tế bào iPS có khả năng phát triển thành bất cứ mô hoặc bộ phận nào của cơ thể.

Kết quả nghiên cứu trên vừa được nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Scripps ở California công bố trên tạp chí khoa học Nature Methods vào hôm qua (05/09). Nhóm này đã sử dụng tế bào da của một con tê giác cái trắng miền Bắc để tạo ra tế bào gốc đa năng. Loài tê giác này đang bên bờ tuyệt chủng, hiện chỉ còn 7 cá thể trên toàn thế giới.

Các nhà khoa học đã tiêm 4 nhóm gen vào tế bào da của tê giác và nuôi dưỡng. Khoảng 1 tháng sau, họ xác nhận, các tế bào da này đã biến đổi và có chức năng của tế bào iPS.

Nhóm khoa học cũng cho biết, họ đã tạo ra tế bào gốc đa năng từ tế bào của một con khỉ đầu chó mặt xanh đực đã chết. Số lượng loài khỉ này đang có chiều hướng giảm mạnh tại khu vực Tây Phi. 

Mục tiêu mà nhóm nghiên cứu nhắm đến là phát triển các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng bằng phương pháp sinh sản nhân tạo từ tế bào gốc.

Thanh Tâm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *