Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố đề xuất cắt giảm chi tiêu khoảng 3.600 tỷ USD trong vòng một thập niên tới. Ảnh minh họa

Ngày 19/09, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố đề xuất giảm thâm hụt ngân sách mới với mục đích cắt giảm chi tiêu khoảng 3.600 tỷ USD của ngân sách liên bang trong vòng một thập niên tới. Giới quan sát cho rằng, đây là một trong những biện pháp được kỳ vọng giúp nền kinh tế đầu tàu thế giới tránh rơi vào suy thoái trong bối cảnh một số nền kinh tế lớn ở bên kia bờ Đại Tây Dương còn đang vất vả với vấn đề nợ công.

Đây là lần thứ tư kể từ đầu năm tới nay, Tổng thống Obama đề xuất gói cắt giảm thâm hụt ngân sách trong bối cảnh nợ quốc gia và thâm hụt ngân sách của Mỹ ngày càng gia tăng. Tính đến cuối tháng 6/2011, tổng nợ quốc gia của Mỹ đã lên tới 15.003 tỷ USD, chiếm 98% tổng sản phẩm quốc nội GDP. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách liên bang của nước này năm 2011 dự kiến là 1.300 tỷ USD. 

Theo bản kế hoạch trình lên Ủy ban hỗn hợp của Quốc hội, ông Obama đã đề xuất một cuộc cải tổ sâu rộng trong bộ luật thuế, theo đó thu về cho ngân sách liên bang 1.500 tỷ USD, bao gồm 800 tỷ USD từ việc hủy bỏ mức thuế ưu đãi mà chính quyền tiền nhiệm George Bush đã dành cho những người giàu có. 

Các nguồn thu ngân sách còn lại sẽ lấy từ việc chấm dứt các khoản trợ cấp cho các tập đoàn và công ty dầu khí, cắt bỏ một số dịch vụ của các tổ chức quản lý và cấp phát các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, đồng thời cắt bỏ các khoản trợ giá cho nông nghiệp. Ngoài ra, việc hạ tỉ lệ lãi suất đối với các khoản nợ quốc gia và việc cắt giảm chi tiêu trên lĩnh vực quốc phòng cũng góp phần cắt giảm thâm hụt ngân sách trong 10 năm tới.

Ngay sau khi kế hoạch trên được đưa ra, các quan chức Nhà Trắng đã bày tỏ lạc quan khi dự báo nhiều khoản mục trong kế hoạch mới sẽ nhận được sự đồng tình của Quốc hội, trong khi việc phê chuẩn cả gói lại được dự báo là khó khăn. Chính vì vậy, trong kế hoạch trình lên Quốc hội, Tổng thống Obama đã để ngỏ những vấn đề có thể thương thảo với các nghị sỹ Cộng hòa trong vòng hai tháng tới.

Mặc dù một số nhà kinh tế bảo thủ ở nước này cảnh báo, chủ trương tăng thuế của Nhà Trắng đối với những người giàu có, các tập đoàn hay công ty lớn có nguy cơ làm giảm các nguồn vốn đầu tư đang rất cần để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, theo các nhà phân tích, kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách lần này của Tổng thống Obama phần nào giúp ông thu hút được sự ủng hộ của cử tri giữa lúc kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm chạp, làm xói mòn lòng tin dân chúng đối với các chính sách kinh tế của quốc gia.

Quốc Trung

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *