Khói bụi bốc lên từ núi lửa Eyjafjallajokull tại Iceland vào ngày 16/4. Ảnh: Internet

Kết quả một cuộc nghiên cứu khoa học vừa được công bố trên Tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ (PNAS) cho thấy việc hủy các chuyến bay khi núi lửa ở Iceland phun trào vào năm 2010 là quyết định đúng đắn của giới chức ngành hàng không châu Âu.

Núi lửa ở sông băng Eyjafjallajokull phun trào vào tháng 4/2010 đã khiến nhiều sân bay ở châu Âu phải ngưng hoạt động do lo ngại bụi núi lửa ảnh hưởng đến an toàn của các chuyến bay.

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Copenhagen, Đan Mạch và Đại học Iceland đã phối hợp tiến hành cuộc nghiên cứu tại thủ đô Reykjavik của Iceland.

Họ đã thu thập các phân tử bụi phun ra từ núi lửa sau đó phân tích kích thước và cấu trúc của chúng bằng nhiều kỹ thuật như quan sát dưới kính hiển vi lực nguyên tử, kính hiển vi điện tử quét, nhiễu xạ tia X.

Tiếp đó, họ so sánh bụi trong giai đoạn đầu núi lửa bắt đầu phun trào và bụi trong giai đoạn núi lửa phun trào dữ dội. Kết quả cho thấy bụi trong giai đoạn đầu nhẹ và ở dạng bột. Trong khi bụi lấy trong giai đoạn sau lại ở dạng hạt có độ chắc của cát khô và rất sắc bén. Các phân tử bụi này sẽ làm hư hại phần thân cũng như cửa sổ của máy bay.

Các động cơ máy bay hiện đại ngày nay vận hành ở nhiệt độ khoảng 2.000 °C. Trong khi đó, những phân tử thủy tinh trong đám mây bụi phun ra từ miệng núi lửa tan chảy ở 1.000 °C và bám vào động cơ máy bay.

Sau khi thực hiện nhiều thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng các phân tử bụi núi lửa có thể làm hư hại động cơ của máy bay khiến máy bay ngừng hoạt động khi đang bay.

Anh Dũng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *