Ảnh minh họa (Internet)

Các nhà sinh vật học ở Bắc Mỹ đang nỗ lực phát triển số lượng của một loài chim cánh cụt Nam Phi trong môi trường nuôi nhốt nhằm bảo vệ chúng khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng. Họ hy vọng một ngày nào đó, hoạt động đánh bắt cá và tình trạng biến đổi khí hậu được kiểm soát đủ để loài chim này có thể tồn tại trong môi trường hoang dã.

Loài chim cánh cụt Nam Phi có thể sống rất tốt trong môi trường nuôi nhốt, nhưng chúng hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng ở bên ngoài môi trường hoang dã. Đây là loài chim cánh cụt duy nhất sống ở Châu Phi và số lượng của chúng đang ngày càng giảm xuống.

Năm 2010, loài chim cánh cụt này đã được đưa vào danh sách Các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ trong hơn một thế kỷ, số lượng chim cánh cụt Nam Phi đã giảm từ hơn 1.000.000 xuống còn không đến 80.000 con. Nếu tình trạng này vẫn còn tiếp tục, các chuyên gia dự báo chỉ trong vài thập niên nữa loài chim cánh cụt này sẽ không còn tồn tại.

Các nhà sinh vật học ở Học viện Khoa học California của Mỹ cùng với các vườn thú trên khắp Bắc Mỹ đang hợp tác với nhau nhằm đảm bảo rằng loài chim cánh cụt này còn có cơ hội tồn tại. Theo các nhà sinh vật học, tình trạng biến đổi khí hậu kết hợp với hoạt động đánh bắt cá đang đẩy chúng vào nguy cơ tuyệt chủng.

Nhà sinh vật học Brooke Weinstein cho biết cách duy nhất để bảo tồn loài chim này là phát triển số lượng của chúng trong môi trường nuôi nhốt để có thể đưa chúng trở lại môi trường tự nhiên nếu điều kiện được cải thiện. Cô nói rằng dù chưa phải là muộn nhưng mọi người cần thay đổi hành vi, tình trạng biến đổi khí hậu và hoạt động đánh bắt cá phải được giải quyết nhanh chóng nếu chúng ta muốn nhìn thấy loài chim cánh cụt này có cơ hội tồn tại.

Thu Thủy
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *