Bên bờ hạnh phúc
Thu hoạch hoa nghệ tây trên một cánh đồng ở Kashmir. Ảnh minh họa (Internet)

Một công ty chế biến hoa nghệ tây lớn nhất Afghanistan đang làm thay đổi cuộc sống của nhiều người ở tỉnh Herat, miền Tây nước này. Công ty đã nhân rộng canh tác những cánh đồng nghệ tây, 1 loại thực vật dùng để sản xuất gia vị đắt tiền, giúp người dân trong vùng có việc làm và nguồn thu nhập, đồng thời loại bỏ tập quán trồng cây anh túc ở địa phương.

Trên các cánh đồng nghệ tây ở Herat, mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nữ nhân công mặc đồng phục đỏ, đầu quấn khăn màu tím, 1 biểu tượng của hoa nghệ tây đang miệt mài làm việc. Công việc chính của họ là thu hoạch những bông nghệ tây dùng để chế biến 1 loại gia vị đắt nhất thế giới.

Các nữ nhân công làm việc cho công ty Nghệ tây Afghanistan, nhà đầu tư lớn nhất nước trong lĩnh vực này. Công ty đã cung cấp hàng trăm việc làm cho lao động nữ ở tỉnh Herat, nơi mà nhiều công ty khác không tiếp nhận đối tượng lao động là nữ giới. Công ty Nghệ tây Afghanistan hy vọng khuyến khích người dân đẩy mạnh canh tác loài cây này như 1 giải pháp chấm dứt tập quán trồng cây anh túc, vốn mang lại nguồn tài chính khổng lồ cho các tổ chức phiến quân ở Afghanistan.

Các nước phương Tây và chính quyền địa phương Afghanistan đang xúc tiến các chương trình trồng các loại hoa màu khác thay thế cây anh túc. Hiện có hơn 1 ngàn nông dân ở miền Tây nước này đang canh tác những giống cây dùng để làm gia vị và hương liệu. Nông dân tỉnh Herat đã bắt đầu áp dụng chương trình này cách đây 4 năm dưới sự bảo trợ của Công ty Nghệ tây Afghanistan. Công ty cung cấp cho người dân hạt giống và trang thiết bị cần thiết đồng thời chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm.

Hoa nghệ tây sau khi thu hoạch được bán cho nhà máy của công ty, tại đây, người ta sẽ lấy nhụy hoa sau đó nhụy được sấy khô và xử lí. Hiện nay, giá mỗi kg nhụy hoa nghệ tây là 3.400 USD, chúng được dùng để làm gia vị, làm thuốc hoặc dùng trong ngành nhuộm.

Đại diện Công ty Nghệ tây Afghanistan cho biết nhụy hoa nghệ tây trồng ở Afghanistan đáp ứng tốt các tiêu chuẩn của quốc tế, trong đó có tiêu chuẩn về độ bền màu sắc. Họ cho rằng nghệ tây Afghanistan có thể đứng đầu thế giới về chất lượng. Hiện công ty có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng lên khoảng 1 tấn trong năm nay khi mà ngày càng có nhiều nông dân chấp nhận trồng loại cây này.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *