Bên bờ hạnh phúc

Các nhà khoa học thuộc Cơ quan hàng không không gian Mỹ NASA mới đây cho biết thiết bị thăm dò Curiosity đang tiến gần đến sao Hỏa, đồng thời bày tỏ lạc quan về tiến trình hạ cánh xuống hành tinh đỏ của robot thám hiểm địa chất ngoài không gian này. Theo NASA, Curiosity sẽ đáp xuống sao Hỏa lúc 5h31 phút giờ GMT, tức 12h31 giờ VN vào 6/8 tới.

Tàu thăm dò Curiosity của NASA

 

Được phóng ra không gian vào ngày 26/11/2011 tại Mũi Canaveral thuộc bang Florida của Mỹ, Curiosity được xem là thiết bị hoàn thiện nhất trong số các thiết bị thăm dò của NASA được phóng vào không gian trước đây. Nhà thám hiểm địa chất robốt này sẽ có 2 năm làm việc với sứ mệnh tìm kiếm những bằng chứng về sự sống trước đây trên bề mặt sao Hỏa.
 

Giám đốc chương trình những sứ mệnh khoa học của NASA, ông John Grunsfeld cho biết: "Từng dấu tích, từng mẫu đất đá sẽ được robốt Curiosity thu thập để phân tích nhằm giúp các nhà khoa học tìm ra lời giải đáp về sự sống trên hành tinh đỏ."
 

Với vận tốc 21 ngàn km/h, thiết bị Curiosity đã vượt qua quãng đường dài 570 triệu km trong hơn 8 tháng và sắp tiến gần đến quỹ đạo sao Hỏa. Theo các nhà khoa học NASA, để đáp được xuống bề mặt sao Hỏa, thiết bị nặng 900 kg này sẽ nhờ vào dù giảm tốc siêu thanh hãm tốc độ của nó xuống còn 300 km/h, sau đó thiết bị sẽ dùng phản lực để tiếp tục giảm tốc. Khi chỉ còn cách bề mặt sao Hỏa 20 mét, robốt Curiosity sẽ được thả xuống bằng cáp. Tuy nhiên, quá trình hạ cánh này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
 

Giám đốc chương trình sao Hỏa của NASA, ông Doug Mccuistion nói: "Sao Hỏa luôn chứa đựng nhiều hiểm họa như bão cát, sự thay đổi đột ngột của mật độ bầu khí quyển, những cơn gió cực mạnh. Tuy nhiên, các thông tin về kỹ thuật mà chúng tôi nhận được cho thấy Curiosity đang hoạt động rất tốt để chuẩn bị hạ cánh an toàn."
 

Theo NASA, quá trình hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa của Curiosity sẽ diễn ra chỉ trong 7 phút. Nếu trong khoảng thời gian quyết định này, có hiểm họa nào ập đến khiến nó hạ cánh thất bại, thì xem như sứ mệnh chinh phục sao Hỏa trị giá 2,5 tỉ đôla của NASA sẽ tan thành mây khói.
 

Quốc Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *