Bên bờ hạnh phúc

Nhằm giúp công việc nấu ăn của phụ nữ ở nông thôn trở nên nhẹ nhàng hơn, Hiệp hội Phụ nữ Tự chủ Ấn Độ đang phân phối một loại bếp dùng củi sạch rất có hiệu quả. Việc này cũng giúp người dân nghèo tránh được một số vấn đề về sức khỏe.

Bà Manjula Parmar tỏ ra hài lòng với cái bếp mới của mình. Nó tiêu tốn ít củi hơn, thải ra ít khói hơn và giúp bà nấu ăn chỉ với một nửa thời gian so với khi dùng loại lò củi thô sơ trước đây. Bà nói: "Hãy nhìn xem, giờ đây, tôi có thể làm bánh rán, luộc rau, làm thịt quay hay nấu món cà-ri mà không có khói phủ đầy bếp. Trước khi có được cái bếp này, để nấu bấy nhiêu thức ăn đó, tôi phải tốn ít nhất 10kg củi và làm nhà bếp đen kịt khói."

Loại bếp củi sạch mới của phụ nữ Ấn Độ

Tuy nhiên, vẫn còn hơn 800 triệu người Ấn nấu ăn với những chiếc lò củi. Khoảng 1/3 thu nhập của các hộ gia đình trung lưu ở Ấn Độ được chi cho việc mua củi và than phục vụ việc nấu ăn hằng ngày. Tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp rất cao trong phụ nữ và trẻ em tại nước này được cho là xuất phát chủ yếu từ việc phải hít khói độc hại từ nhà bếp sử dụng lò củi thô sơ. Tình trạng bị phỏng, thương tật, và các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến việc nấu ăn cũng phổ biến.

Vẫn còn hơn 800 triệu người Ấn nấu ăn với những chiếc lò củi như thế này

Giám đốc Hiệp hội Phụ nữ Tự chủ Ấn Độ (SEWA) Reema Nanavaty cho biết: "Phụ nữ thường buộc phải nấu ăn chỉ một bữa mỗi ngày bởi vì họ không có đủ thời gian thu gom củi, và việc nấu ăn sản sinh ra quá nhiều khói. Do đó, tình trạng thiếu ăn đã xảy ra."

Tổ chức này đã giúp hơn 6.000 phụ nữ trên khắp khu vực phía bắc Ấn Độ chuyển đổi sang phương cách nấu ăn sạch hơn. Họ cũng tạo thu nhập cho phụ nữ nghèo ở nông thôn từ việc bán bếp sạch. Bà Pushpa Kapadiya nói: "Từ khi tham gia chương trình này, tôi có lương và huê hồng trên mỗi bếp bán được. Thu nhập và cuộc sống của tôi trở nên tốt hơn."

Nhà chức trách Ấn Độ dự kiến sẽ tham gia chương trình phổ biến bếp sạch của SEWA với mục tiêu bán được 2 triệu chiếc bếp đến năm 2020. Nhưng với giá bán gần 20 USD cho mỗi cái loại rẻ nhất, nó cũng đã ngốn hết thu nhập trong 1 tháng của một người làm nông thông thường. Do đó, việc thuyết phục người dân Ấn Độ chuyển đổi sang cách thức nấu ăn sạch hơn được cho là không hề dễ dàng nếu không có sự trợ giá.

Phúc Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *