Pha làm bàn duy nhất và quyết định của Tây Ban Nha được thực hiện từ cú đánh đầu của David Villa, ít phút sau khi hiệp hai bắt đầu. Qua đó, đội tuyển xứ đấu bò trở thành đội đầu tiên giành quyền vào bán kết Confederations Cup 2009. Ở trận ra quân họ đè bẹp New Zealand tới năm bàn không gỡ.

Trận thắng lần này, không những vậy, còn giúp Tây Ban Nha duy trì động lực san lấp các kỷ lục. Họ đã đạt tới chuỗi 34 trận bất bại trên mọi đấu trường (kỷ lục hiện thuộc về con số 35 của Brazil), và thắng trận thứ 14 liên tiếp (ngang bằng thành tích của Australia lập trong giai đoạn 1996-1997, Brazil năm 1997 và Pháp 2003-2004).

Khác với trận ra quân tưng bừng, Tây Ban Nha lần này gặp không ít khó khăn khi đi tìm đường vào khung thành đối diện. Một phần vì lối chơi cứng rắn và phòng ngự chủ động của đại diện đến từ châu Á, một phần vì chính các chân sút của họ tỏ ra kém duyên. Không chỉ Fernando Torres hay Santi Cazorla mà ngay chính Villa, trước khi kiếm được bàn thắng quyết định, cũng bỏ lỡ khá nhiều cơ hội ngon ăn.

Về phần mình, Iraq biết lượng sức nên ngay từ đầu tung ra sân với đội hình giầu tính phòng ngự. Cả hai mũi giáp công quan trọng là Younis Mahmoud và Emad Mohammed đều ngồi dự bị, trong khi trên sân chỉ duy nhất Alaa Zahra cắm phía trên cao. Phía trước hàng phòng ngự năm người của họ còn có hai chốt chặn Nashat Akram và Khalid.

Sự khó khăn dành cho Tây Ban Nha bởi vậy sớm có thể cảm nhận, nhưng khó đến mức phải mất hơn 20 phút đầu đội vô địch châu Âu mới có được cơ hội rõ ràng nhất thì quả là điều không nhiều người nghĩ đến. Khi đó, nhờ lối chơi phòng ngự có tổ chức, khả năng chống bóng bổng hoàn hảo và tính đối kháng cao, các học trò của "thầy phù thủy" Bora Milutinovic gần như kiềm tỏa hoàn toàn hệ thống tấn công của Tây Ban Nha.

Phải đến khi sự kiên trì tập thể và yếu tố đột biến cá nhân phát huy hiệu quả, đội bóng của HLV Vicente del Bosque mới kiếm được nhiều hơn những cơ hội ngon ăn. Đầu tiên là cú vô-lê cận thành của Villa phút 25 trong tư thế khá trống trải, nhưng bóng ăn ra mặt bên của lưới. Chừng năm phút sau, Cazorla thử vận may bằng cú sút xa uy lực đưa bóng đi chệch cột. Phút 37, cơ hội lại đến với Villa nhưng anh tiếp tục hỏng ăn khi ở vào tư thế thuận lợi. Khoảng bốn phút trước khi hiệp một kết thúc, Joan Capdevila phí hoài đường chuyền như đặt từ Xavi, đánh đầu thiếu lực.

Sau giờ nghỉ, Tây Ban Nha tiếp tục gia tăng sức ép. Tưởng như sự vô duyên vẫn chưa buông tha họ khi Villa một lần nữa hỏng ăn với cú đánh đầu ở cự ly gần, đưa bóng đi đúng vào vị trí của thủ thành Kassid Kadhim phút 52.

Tuy nhiên, ba phút sau, đội vô địch châu Âu rốt cuộc cũng phá vỡ được thế bế tắc khi tận dụng triệt để sơ suất chết người hiếm hoi của hàng thủ Iraq. Từ đường chuyền vào của Capdevila, Villa trong tư thế không bị ai kèm bật lên lắc đầu hiểm hóc đưa bóng vào góc xa, không cho thủ thành Kassid Kadhim cơ hội cản phá. Đây là bàn thắng thứ 30 của Villa trong 44 trận, đưa anh lên vị trí thứ hai, sau Raul Gonzalez (44 bàn), trong danh sách ghi bàn ở đội tuyển Tây Ban Nha.

Không có được sự tưng bừng, nhưng chiến thắng với Tây Ban Nha là xứng đáng.

Dính bàn thua, Iraq không còn cách nào khác là phải cởi bỏ tấm áo giáp phòng hộ để lao lên tấn công. Younis Mahmoud sau đó cũng xuất hiện trên sân. Tuy nhiên, trước một Tây Ban Nha có tâm lý thoải mái và thừa biết phải làm thế nào để bảo vệ thành quả, đại diện đến từ châu Á hầu như không có cơ hội gây đột biến. Tình huống đáng kể duy nhất họ là được là cú dứt điểm hiểm hóc từ ngoài cấm địa của Nashat Akram phút 81, nhưng chệch đích.

Ở chiều ngược lại, Tây Ban Nha chơi chặt chẽ nhưng vẫn có không ít cơ hội để tìm đến một chiến thắng đậm đà hơn, nhưng Torres rồi Alonso, Ramos… đều hoặc dứt điểm vọt xà hoặc đưa bóng trúng người thủ thành đối phương.

Đội hình thi đấu:

Tây Ban Nha: Casillas, Sergio Ramos, Pique, Marchena, Capdevila, Santi Cazorla (Silva 67), Alonso, Xavi (Busquets 82), Mata, Villa (Guiza 74), Torres. Dự bị không được sử dụng: Diego Lopez, Reina, Albiol, Puyol, Pablo, Fabregas, Llorente, Riera, Arbeloa.

Bàn thắng: Villa 55.

Iraq: Mohamed Kassid; Basem Abbas, Salam Shaker, Ali Hussein Rehema, Fareed Majeed, Mohamed Ali Kareem, Muayad Khalid; Hawar Mulaa Mohammed (Karrar Jassim 69), Nashat Akram, Samer Saeed (Mahdi Kareem), Alaa Abdul Zahra (Younis Mahmoud 81). Dự bị không được sử dụng: Sabri, Talib, Sadir, Emad Mohammed, Salah Hassan, Abu Al Hail, Dara Mohammed, Yaseen, Halgurd Mulla Mohammed.

Theo Hà Uyên (VnExpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *