Bên bờ hạnh phúc

Kể từ khi Văn Quyến bắt đầu cuộc "hồi sinh", người ta không ngừng so sánh anh với Công Vinh. Nhưng Văn Quyến đối mặt với Minh Đức, đó cũng là một câu chuyện không hề kém hấp dẫn về tính cách và số phận…

Khi họ là đồng đội…

Quyến và Đức đều là những sản phẩm điển hình của "lò" đào tạo trẻ Sông Lam. Nhưng cái cách mà họ tiếp cận đỉnh cao thì chẳng giống nhau, và dường như chính điều đó đã quyết định phần nào những cung đường sự nghiệp của 2 tài năng xứ Nghệ.

Văn Quyến thành danh ngay từ khi còn là một thằng bé chăn trâu. Những giải bóng đá cấp phường, xã đã trải thảm đưa Quyến lên tỉnh, vào các đội U, lên tivi, nhận các phần thưởng và từ đó thẳng tiến đến danh vị một ngôi sao.

Hải Phòng SLNA Minh Đức. Ảnh: Đức Anh
Nụ cười hiếm hoi của Minh Đức, người ưa góc khuất. Ảnh: Đ.A

Minh Đức thì ngược lại, khởi nghiệp đầy trắc trở. Đã có lần Đức và Quốc Vượng cùng bị gạt ra ngoài lớp năng khiếu vì lý do… thiếu chuyên môn. Nếu không có sự nhẫn nại của bố Sâm, hẳn là Đức đã chia tay sân cỏ để chuyển qua nghề khác.

Ngày Văn Quyến đốt lưới U-16 Trung Quốc để ôm về cả ký thư từ và những lời tán tụng, Minh Đức – dù đeo băng đội trưởng U-16 Việt Nam – vẫn chỉ là một mắt xích thầm lặng trong chiến quả chung. Tóc rợp xuống trán và chiếc răng khểnh nhưng lại ít cười, Đức ngồi lặng lẽ, chỉ hé môi khe khẽ khi có ai đó hỏi.

Ở đội trẻ Sông Lam, Minh Đức cũng như bao cầu thủ khác, đều "the le thét lét" trước cái uy của thầy Thịnh "đen". Nhưng Quyến thì đặc biệt, vì ông Thịnh ngoài việc dạy Quyến đá bóng còn phải để ý vỗ về, an ủi Quyến như một người cha.

Lớn thêm chút nữa, Quyến "béo" nghiễm nhiên có một suất không thể thay thế trong các đội tuyển quốc gia. Quyến nhiều phen là "cứu tinh" cho HLV Riedl, và vì thế, việc ông thầy người Áo cưng nựng và ưu tiên sử dụng Quyến cũng là điều bất biến, dù không phải lúc nào Quyến cũng nỗ lực cho vị trí của mình.

Minh Đức thì luôn tập luyện xả thân, nhưng anh hiếm khi được trao cơ hội bởi ông Riedl ấn tượng ngay từ đầu rằng Đức nhỏ con, kém trong tranh chấp. Đó là lý do vì sao ông Riedl "bỏ rơi" Đức bao nhiêu năm, cho đến tận lúc Huy Hoàng đã hết tuổi 23.

Hải Phòng SLNA Văn Quyến. Ảnh: Đức Anh
Văn Quyến, ngược lại, luôn bị bủa vây bởi những ánh hào quang. Ảnh: Đ.A

Mặc dù "lớn chậm" hơn Văn Quyến nhưng từng bước đi của Minh Đức lại chắc chắn và vững vàng hơn, đúng như tính cách của anh. Đức không bị những cám dỗ làm cho lóa mắt.

Anh cũng biết sử dụng đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình một cách chắt chiu. Đều đặn mỗi tháng Đức đưa về nhà "một cục" để bố mẹ chi dùng và lo cho cả tương lai xa, khi không còn đá bóng.

Vì thế, ở SLNA cũng như ở ĐTQG, nếu như Văn Quyến luôn bị bủa vây trong ánh hào quang thì Minh Đức lại chủ động tìm vào chỗ khuất. Đức thầm lặng nuôi dưỡng niềm đam mê và cũng là công cụ kiếm sống của chính mình. Đức có một triết lý: không chơi để đá bóng được dài dài!

… Và khi họ là đối thủ

Ngày Quyến "ngã", Đức buồn. Đức cùng đám bạn Sông Lam tìm mọi cách an ủi mẹ Quyến và cha Vượng. Khi Quyến được ra tù, Đức cũng là một trong những người khởi xướng làm đơn xin giảm án treo giò cho Quyến.

Rồi Quyến trở lại, nhưng Đức thì đã đi khỏi Sông Lam. Cũng như bao cầu thủ chuyên nghiệp khác, Đức cũng phải bay nhảy, phải tìm những môi trường mới, những thách thức mới khi đã "đủ lông đủ cánh".

Hải Phòng SLNA Văn Quyến Minh Đức. Ảnh: Đức Anh
Bây giờ, Đức đã thành danh, còn Quyến vẫn đang đi tìm lại mình. Ảnh: Đ.A

Đức về Hải Phòng, để lại đằng sau bao nhiêu dư âm của "cuộc tình tay ba" với Thể Công. Ngày ấy, Đức cũng chẳng vui gì, bởi thực lòng, anh không "khoái" lắm khi cầm đội Hải Phòng lại là thầy cũ Riedl.

Quyến cũng không thực sự thoải mái khi ở lại SLNA. Phải viện đến cả ân tình và lý lẽ, SLNA mới giữ chân được Quyến.

Quyến "khởi động" ì ạch suốt giai đoạn lượt đi với chỉ 1 bàn thắng cùng vài km di chuyển ít ỏi trong mỗi trận. Quyến nhận về những ánh mắt nghi ngờ…

Đức cũng bắt đầu cuộc sống xa quê đầy vất vả. Ông Riedl đẩy Đức lên đá trụ, dạt sang cánh rồi lại quay về trung vệ, nhưng không có vị trí nào Đức cảm thấy thỏa nguyện.

Nhưng Quyến đột ngột đá "bốc" hẳn lên kể từ lượt về, cũng như Đức được "thoát xác" khi HLV Vương Tiến Dũng quay trở lại. Và họ đối đầu nhau…

Suốt cả trận đấu giữa Hải Phòng và SLNA, Quyến vật vờ. Nhiều người bảo Quyến vẫn như xưa, lười chạy, lười tranh bóng, nhưng có ai hiểu Quyến bằng "bố Thịnh" đâu: "Ban đầu tôi xếp Quyến đá cặp tiền đạo, nhưng Quyến bị Đức kèm sát quá nên buộc phải kéo về".

Đó lại là một trận đấu thành công của Đức. Hải Phòng thắng, Đức "ghi thêm điểm" trong mắt HLV Calisto. Nhưng với Quyến, cũng không phải là một thất bại.

Cả trận, Quyến chỉ có 3 cơ hội. 2 trong số đó là các cú đá phạt ở góc sút được "định giá" khoảng… 10% cơ hội ăn bàn. Còn lại 1 quả sút từ rìa vòng cấm, và bàn thắng đến. Nếu SLNA không thua, Quyến đã là người hùng.

Bóng đá có những bất ngờ (và cả bất công) riêng của nó. Nhưng với Đức và Quyến chiều Chủ nhật vừa rồi thì hình như không thế. Đức thắng bởi Đức lao động cật lực hơn. Quyến chưa thắng, bởi Quyến vẫn chưa hoàn toàn là chính Quyến.

Thật ra, với Quyến, để ghi bàn hoặc hoàn tất công việc của một tiền đạo bình thường, Quyến chỉ cần khoảng 70% sức (bản thân Quyến vẫn thừa nhận nó còn phải phấn đấu nhiều để nâng cao thể lực).

Nhưng 30% còn lại, để đưa Quyến trở lại đỉnh cao, thì Quyến phải nỗ lực gấp nhiều lần những gì nó đã và đang làm.

Ông Calisto không hỏi han, không trò chuyện và càng không hứa hẹn gì với Quyến sau trận hẳn cũng là vì như thế. Lúc này, sự vồ vập của những người xung quanh có khi lại làm hại Quyến.

Nó khác hẳn với cái vỗ vai của Đức. Trong trận, nhiều lần Đức xô Quyến ngã, nhưng ra ngoài sân, Đức lại cầm tay Quyến thật lâu.

Đức vẫn ít cười, nhưng qua cái răng khểnh của Đức, có lẽ Quyến nhìn thấy những niềm tin mới. Quyến vẫn chưa đủ mạnh để trở lại là Quyến của cả ĐNÁ, nhưng Quyến đang tích tụ dần sự chín chắn để đi trên con đường "chậm – chắc" mà Đức đã đi…

Theo Anh Đức (VietNamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *