Ai đã từng trải qua thời thơ ấu bên mảnh vườn, bờ tre, mái lá như tôi, chắc đều có những “mùa núm mối" của riêng mình.

Không giống nấm rơm, nấm mèo, … có thể trồng quanh năm bằng meo nhân tạo,mùa núm mối chỉ có mỗi một mùa ngắn ngủi trong năm và hoàn toàn tùy thuộc theo tiết trời (tôi thích gọi là núm mối như cách gọi dân dã ở quê). Vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch hàng năm khi những cơn mưa nồm dấm dẳng kéo về, má tôi nhắc: “Gió núm mối đó các con!”. Mùa núm mối kéo dài không hơn một tháng, mọc ở các gò cao có tổ mối cư ngụ. Ụ mối nằm sâu dưới đất tiết ra meo, được các cơn mưa đầu mùa tưới và gió trở mùa gọi núm mối trồi lên khỏi mặt đất – thứ gió dễ làm người già nhức mình, trẻ con “sụt sịt” nhưng lại là gió núm mối nên không ít người chờ.

(Ảnh sưu tầm)

Nhổ núm là một thứ vui, bởi vậy có thành ngữ “ham như gặp núm". Ai phát hiện ra ổ núm thì cứ vô tư nhổ, không kể đất vườn đó thuộc “sổ hồng”, “sổ đỏ” của ai. Tôi còn nhớ những đêm trời trở gió mưa rỉ rả, anh em chúng tôi nôn không ngủ được, trông đến hừng sáng để vén cỏ, vạch lá tre mục trong vườn nhà bác Mười tìm núm. Thật thú vị khi tìm được những tai nấm mối nâu đen vừa nhú lên khỏi mặt đất. Nó mọc lúp xúp như một đội binh nhỏ, búp thì “nón” nâu đen như đất, tai núm nở thì “nón” viền trắng. Có khi nhổ được cả rổ quảo.

Nhổ núm phải có kỹ thuật. Nếu núm mọc chỗ đất cứng thì phải lay nhẹ từ từ hoặc dùng cành cây cạy đất, nhổ được hết phần gốc nằm sâu trong lòng đất. Không được dùng dao, vì “hơi dao” sẽ làm mối bỏ đi, năm sau núm không mọc nữa. Có người đi qua đi lại, đạp lên ổ núm cũng không hay. Vì vậy, người dân quê tôi cho rằng, người “nhẹ vía” mới phát hiện được ổ núm.

Nói về hương vị của núm mối, một “nhà núm học” ở ĐBSCL tả: “ Không biết men mối với đất quê tiết ra chất gì mà núm mối ngon ngọt lạ lùng. Cái ngọt của núm mối như là sự tổng hợp giữa những cái phàm phu của cá thịt và cái ngọt thánh thiện của rau, củ. Ngọt thâm trầm và bền bỉ …”.

Núm mối thể chế biến nhiều món ăn: nấu canh, nấu cháo, làm bánh xèo … Có một nguyên tắc khi chế biến núm mối là tuyệt đối không dùng bột ngọt, bởi cái ngọt của núm mối là “đệ nhất tinh túy” rồi! Món nào cũng ngon, nhưng tuyệt nhất là núm xào. Bắc chảo lên, cho dầu sôi, lửa liu riu rồi đổ núm vào xào, nêm một chút muối ớt – đúng điệu phải là ớt hiểm còn xanh nồng đập hơi giập. Và núm xào phải chấm với muối ớt. Cái vị mặn mặn cay cay kia làm dậy thêm vị ngọt ngào của núm. Ngồi bên dĩa núm xào bốc khói cùng với những người chòm xóm, nhấp ly rượu đế trong cơn mưa rỉ rả, tận hưởng hương vị của đất trời ban tặng là cái thú của người miệt vườn…

Ngày nay, do nhà vườn sử dụng nhiều phân bón, thuốc hóa học nên núm mối không còn nhiều xưa. Nhưng mỗi khi gió núm về xào xạc, những người xa xứ không chỉ thèm chén bánh canh núm mối, cuốn bánh xèo núm mối, … mà còn thèm cả cái không khí quê nhà.

Theo Báo Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *