Bên bờ hạnh phúc

Bắt đầu thời Đông Hán, thư pháp phát triển mạnh, lý luận thư pháp cũng theo đó xuất hiện. Vào đời Đông Hán, thư pháp trở thành phong tục thời thượng của xã hội.

Người cổ đại đã suy tôn cách cầm viết bằng cả 5 ngón tay

Theo sử ký, để có được quyển sách quý hiếm ghi chép cách dùng bút viết chữ của người xưa sau 16 năm chờ đợi, vào một đêm không trăng, gió mạnh, Chung Do đã quật mồ lấy cắp quyển sách quý, theo đó khổ luyện ngày đêm. Từ đó, nghệ thuật viết chữ của ông ngày càng tiến bộ và cuối cùng trở thành nhất đại tông sư.

Trong những lý luận từ thời Đông Hán đến đời Thanh, lý luận gia của mỗi thời kỳ đều nhắc đến sự huyền diệu của bút pháp. Trong ghi chép của người xưa, phép tắc dùng bút là thành tựu kỹ nghệ trung tâm của thư pháp, có được bút pháp mới lĩnh hội được chân ý của thư pháp. Không thông hiểu bút pháp thì sáng tác cả đời cũng vô dụng.

Trong lý luận thư pháp cổ đại, người xưa đã tổng kết một bộ động tác bút pháp độc đáo, trung tâm của nó mô tả cách chuyển động cây bút lông. Cây bút lông trong khi viết chuyển động liên tục, ngón tay cái sẽ căn cứ theo biến đổi đường nét chữ viết để nâng cán bút lên xuống.

Người cổ đại đã suy tôn cách cầm viết bằng cả 5 ngón tay. Khi cầm bút bằng cách này, cây bút lông chuyển động tự do và linh hoạt hơn. Với cách viết này, đôi tay không có bất cứ điểm tựa nào. Cách chuyển động bút lông có thể phân tán đầu bút, và rất dễ điều khiển áp lực nét chữ lên thẻ gỗ và tờ giấy. Đồng thời, sự chuyển động của cán bút có thể làm ngọn bút quyện chặt vào nhau, đảm bảo tốc độ hành bút nhanh và thanh thoát.

Các chuyên gia suy đoán, ban đầu, tác dụng quan trọng nhất của việc viết chữ ghi chép mang tính thực dụng. Nhanh, gọn và tiện lợi là yêu cầu hàng đầu với thư pháp gia. Về sau, kỹ xảo chuyển bút phát triển hoàn thiện, nhiều thư pháp gia không ngừng dung hòa nhiều ý nghĩa thẩm mỹ riêng độc đáo. Khuynh hướng viết chữ mang tính thực dụng đã chuyển sang mang tính nghệ thuật.

Tư thế viết chữ không điểm tựa của người xưa đã trở thành tư thế viết chữ vuông góc bàn viết như ngày nay

Đến cuối thời kỳ Vãn Đường, diện mạo thư pháp chào đón một sự thay đổi mới. Đó là sự xuất hiện bàn viết và thay đổi cách viết chữ. Trước đời Đường, người xưa ngồi bệt xuống đất, đồ dụng trong nhà đều là vật có hình dáng thấp bé. Đến cuối đời Đường, đầu đời Tống, chiếc bàn chân cao người Hồ sử dụng đã xuất hiện trong ngôi nhà bình thường ở khu vực Trung Nguyên. Từ đời Tống, do sự xuất hiện của chiến bàn cao, tư thế viết chữ không điểm tựa của người xưa đã trở thành tư thế viết chữ vuông góc bàn viết. Tư thế này phản ánh rất nhiều trong tranh ảnh sau đời Tống.

Sau khi xuất hiện bàn viết, công cụ thư pháp như bút lông và giấy dần thay đổi. Công nghệ bút lông cũng đã thay đổi. Một loại bút lông mềm, làm bằng lông cừu trở nên phổ biến. Đến thời Minh – Thanh, lông cừu Trường Phong nhận được sự yêu thích của nhiều thư pháp gia. Khi viết chữ, đường nét của cây bút lông cừu biến hóa khôn lường.

Bất luận thời đại thay đổi, trong thổ nhưỡng văn hóa Trung Quốc, nghệ thuật thư pháp vẫn ngoan cường sinh trưởng và phát triển. Trên nền tảng bút pháp người xưa truyền lại, thư pháp gia sau đời Tống tiến hành thay đổi thư pháp truyền thống. Họ truyền vào nghệ thuật thư pháp cảm thụ thẩm mĩ thị giác riêng.

Tiên dân quen viết chữ nhỏ vuông từ 1cm đến 2cm. Sau đó, chữ viết thư pháp vào đời Tống to gấp 10 lần. Trước kia, tác phẩm chiêm ngưỡng được đặt trên bàn. Đến thời Minh Thanh, những tác phẩm lớn được treo trên tường để thưởng thức.

Cách thưởng thức tác phẩm thư pháp thay đổi từ để trên bàn trở thành cách đứng nhìn từ xa

Để sáng tác tác phẩm lớn treo trên tường, thư pháp gia không chỉ nắm bắt tỉ mỉ, chu đáo mà còn phải chú ý thần khái khí thế của chỉnh thể tác phẩm và sự cảm nhận đầu tiên của người xem. Cách thưởng thức tác phẩm thư pháp thay đổi từ để trên bàn trở thành cách đứng nhìn từ xa. Sự thay đổi này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quan điểm sáng tác thư pháp hiện đại.

Ngày nay thư pháp truyền thống cổ đại Trung Quốc đã hình thành một ngành độc lập trong nhiều ngành nghệ thuật. Người đời sau dùng ánh mắt nghệ thuật hiện đại để xem xét ngành nghệ thuật cổ xưa này. Sự truyền thụ và kế thừa văn hóa vượt qua ngàn năm, khởi đầu từ từng đường nét thần bí và biến đổi khôn lường.

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *