Mộ Chúa Jesus trong nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem có nguy cơ sụp đổ, buộc các giáo đoàn phải thông qua đề xuất tôn tạo công trình và mở mộ để trùng tu.

Mộ Chúa Jesus cần sửa chữa sau nhiều thập kỷ chịu ảnh hưởng của khói nến, nước và độ ẩm, theo Antonia Moropoulou, điều phối viên khoa học của dự án tôn tạo. Công trình cũng cần gia cố để chống chọi với nguy cơ hư hại từ động đất, International Business Times ngày 28/10 đưa tin.

Nhà thờ thiêng liêng xây bên trên mộ đang "trên bờ vực sụp đổ". "Một trong những vấn đề nghiêm trọng tại nhà thờ là tình trạng của nó không tốt lắm", Athanasius Macora, thầy tu dòng Francis cho biết.

Mộ Chúa Jesus chứa nền đá đặt thi hài Chúa trước khi Người phục sinh.

"Chúng tôi quyết định công tác tôn tạo cần được thực hiện và đồng ý với đề xuất của các nhà khoa học", Samuel Aghoyan, lãnh đạo nhà thờ Armenia, một trong ba giáo đoàn quản lý nhà thờ Mộ Thánh, nói.

Công tác tôn tạo bắt đầu từ tháng 6, đánh dấu lần đầu tiên nhà thờ Mộ Thánh được trùng tu sau hai thế kỷ. Trọng tâm của dự án là Edicule, phòng thờ xây trùm lên mộ Chúa Jesus, nơi thi hài của Ngài được xức dầu thơm, bọc vải liệm và chôn cất theo Kinh Thánh.

Dự án bảo tồn từng bị trì hoãn do sự đối đầu giữa các tổ chức tôn giáo khác nhau điều hành nhà thờ. Dù đã được nhiều lần cảnh báo về sự xuống cấp của Edicule, các lãnh đạo tôn giáo phụ trách địa điểm linh thiêng này vẫn khăng khăng không chấp thuận dự án phục chế, phản đối bất cứ sự thay đổi nào dù là nhỏ nhất.

Năm ngoái, cảnh sát Israel đã đóng cửa nhà thờ Mộ Chúa trong một thời gian ngắn sau khi nhận được cảnh báo về sự nguy hiểm của công trình đối với người hành hương. Sự kiện này đã thôi thúc lãnh đạo giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã, giáo hội Armenia và giáo hội Chính thống Hy Lạp bỏ qua mâu thuẫn và hợp tác để bắt đầu công việc sửa chữa. Quá trình tôn tạo do Đại học Công nghệ Quốc gia Athens tiến hành sẽ kéo dài hơn một năm.

Sau khi lật phiến đá cẩm thạch bao phủ mộ Chúa Jesus, các nhà khoa học có 60 tiếng để nghiên cứu và ghi chép về ngôi mộ. Tiếp đó, họ sẽ niêm phong kín mộ trước khi trát vữa gia cố công trình Edicule, để các vật liệu không rơi vào bên trong mộ.

Nhà thờ Mộ Thánh được xây bên trên mộ Chúa Jesus là địa điểm linh thiêng có ý nghĩa quan trọng với những người theo Cơ Đốc giáo. Những cây nến đốt bằng ngọn lửa thiêng thắp sáng nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem vào tháng 4/2011, theo Live Science. Nhà thờ được xây bên trên mộ Chúa Jesus. Công trình ở chính giữa nhà thờ hình vòm là Edicule, có nghĩa là "căn phòng nhỏ" trong tiếng Latin, được xây trùm quanh mộ. Từ năm 1555, các phiến đá cẩm thạch được dựng lên bao quanh nền đá trong mộ, vị trí được cho là nơi đặt thi hài của Chúa Jesus sau khi Ngài qua đời. 

Nhóm bảo tồn do Đại học Công nghệ Quốc gia Athens, Hy Lạp, dẫn đầu kết hợp với kênh National Geographic tiến hành dự án tôn tạo công trình. Ba giáo hội quản lý nhà thờ chấp thuận yêu cầu tôn tạo năm 1958, nhưng mãi gần nửa thế kỷ sau, các giáo hội mới thống nhất về đề án trùng tu và thu thập đủ nguồn quỹ. 

Một người phụ nữ làm dấu Thánh Giá trước nhà thờ Mộ thánh vào tháng 11/2014. Ngôi mộ được phát hiện bởi Helena, mẹ của hoàng đế La Mã đầu tiên theo đạo Cơ Đốc giáo Constantine, vào năm 326. Công trình Edicule cho phép những người hành hương nhìn xuống phiến đá từng đặt thi hài Chúa Jesus. Edicule được xây lại vào khoảng năm 1808 – 1810 sau một trận hỏa hoạn.

Các công nhân lật mở phiến đá cẩm thạch che bên trên "giường chôn", nơi Chúa Jesus yên nghỉ sau khi bị hành hình. Phiến đá cẩm thạch bảo vệ chiếc giường đá khỏi bị hư hỏng trước những kẻ phá hoại và vẽ bậy, theo Robert Cargill, nhà khảo cổ học kiêm tác giả cuốn sách "Những thành phố xây nên Kinh Thánh".

Công tác bảo tồn bắt đầu từ cuối tháng 10/2016 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử tất cả phiến đá cẩm thạch được lật lên. Một lớp bụi dày đóng bên dưới ngôi mộ. Các nhà khoa học rất bất ngờ khi cấu trúc hang vẫn nguyên sơ như lúc ban đầu, nhà khảo cổ học Fredrik Hiebert của National Geographic, thành viên nhóm khai quật kiêm người đầu tiên mở mộ, cho biết. Khi cố định phiến đá cẩm thạch trong quá trình trùng tu, nhóm bảo tồn phát hiện chúng được tận dụng từ những phiến đá dùng vào năm 1400 và 1100. Các phiến đá sẽ được cố định bằng vữa để bảo vệ công trình vĩnh viễn. 

Bức ảnh chụp mái vòm nhà thờ Mộ Thánh ở thành phố cổ đại Jerusalem vào năm 1900. 

Ảnh chụp bệ thờ bên trong nhà thờ Mộ Thánh vào năm 1950, được cho là nơi Chúa Jesus phục sinh theo Phúc âm Thánh Luke. Cargill cho biết không có bằng chứng khảo cổ trực tiếp chỉ ra Chúa Jesus qua đời hoặc được chôn cất tại đây, nhưng khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng đối với người theo đạo Cơ Đốc giáo. 

Một người hành hương đặt tay lên Tảng đá xức dầu thánh trong nhà thờ Mộ Thánh năm 2014. Tảng đá này được cho là nơi đặt xác Chúa Jesus để chuẩn bị chôn cất. 

Các cha xứ Cơ Đốc giáo theo dõi công nhân làm sạch nền đất hôm 23/5/2014 để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Giáo hoàng Francis. 

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *