Bên bờ hạnh phúc

Bên cạnh yếu tố tâm linh, từ xưa, người Nhật cũng nghĩ ra cách tự tích lũy nguồn nước quý báu đề phòng trường hợp hạn hán. Họ đào hồ và xây đập chứa nước. Ước tính trên khắp Nhật Bản có trên 200.000 hồ nước qui mô lớn. Trong đó, tỉnh Kagawa chiếm số lượng nhiều nhất, do địa hình vùng đất này cao nên người dân sử dụng hồ chứa nước để trữ nước ngọt dùng vào mùa khô.

Hồ Mannoike được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ VIII, hồ có chu vi 20 km, lượng nước chứa trong hồ khoảng 15.400.000 mét khối. Đây là một trong những hồ nước lớn nhất ở Nhật.

Hồ Mannoike là một trong những hồ nước lớn nhất Nhật Bản

Theo thông lệ, vào tháng 6 hàng năm, người ta bắt đầu xả đập tại hồ Mannoike. Sự kiện mang tính truyền thống này được tổ chức trọng thể với sự góp mặt của khoảng 20 quan chức trong chính quyền và chức sắc tôn giáo. Nguồn nước ngọt từ hồ chứa sẽ được dẫn đến các con sông trong vùng để cung cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân chúng. Mỗi giây có khoảng 4 mét khối nước tuôn ra từ cống xả, dòng nước trong lành này hòa vào hệ sống sông ngòi, chúng tưới mát cho 3 triệu hecta đất đồng lúa và hoa màu của địa phương. Nước xả đập giữ vai trò rất quan trọng, nó thay thế nguồn nước mưa lúc thời tiết khô hạn.

Hồ chứa nước cũng là giải pháp mà người Nhật dùng để xử lý lượng nước khổng lồ vào những lúc mưa lớn kéo dài gây ngập lụt. Tại thành phố Kasukabe thuộc tỉnh Saitama, giáp ranh thủ đô Tokyo có một hệ thống xử lý nước qui mô nhằm ngăn chặn lụt lội. Người ta gọi nó là Kênh ngầm Thoát nước Bên ngoài Đô thị. Thật ra, đó là hồ chứa nước nhân tạo trong lòng đất. Hồ chứa ngầm này được xây dựng cách đây 30 năm, nhiệm vụ của nó là giúp giảm tải lượng nước quá lớn tại các con sông vào mùa mưa.

Hồ chứa ngầm được xây dựng bên dưới tuyến đường quốc lộ, ở độ sâu 50 mét, chiều rộng của hồ chứa là 10 mét và chiều dài của nó là 6,3 km.

Hồ chứa nước có sức chứa 670.000 mét khối nằm trong lòng đất này tỏ ra rất hiệu quả trong việc kiểm soát tình trạng lụt lội ở khu vực nội ô. Thành phố Kasukabe khô ráo vào những ngày mưa một phần nhờ vào hệ thống xử lý nước này.

Kênh ngầm Thoát nước Bên ngoài Đô thị

Sân vận động Mái vòm Tokyo là nơi thường xuyên diễn ra các trận đấu bóng chày với lượng khán giả rất lớn. Để phục vụ nhu cầu cá nhân cho những người này phải cần đến một khối lượng nước không hề nhỏ. Trên phần mái của sân vận động được trang bị hệ thống trữ nước mưa, nguồn nước này chính là cách để giải quyết vấn đề trên. Người ta dùng nước mưa để làm vệ sinh và dội toilet trong sân vận động, bằng cách này, ban quản lý sân vận động có thể tiết kiệm tiền chi trả cho 68.000 mét khối nước mỗi năm.

Nước mưa cũng được dùng để chữa cháy. Ngoài sân vận động Tokyo, việc sử dụng nước mưa hiện đang được phổ biến trong dân chúng. Đó không phải là hành động tự phát mà là kết quả của chiến dịch vận động mọi người tận dụng nguồn nước mưa phong phú do ông Murase Makoto khởi xướng.

Người đàn ông với biệt danh “Tiến sĩ Nước mưa” này đã bắt đầu chiến dịch cách đây 30 năm. Khi đó, ông nhận thấy nước mưa là nguồn tài nguyên vô tận nhưng lại bị lãng phí vì không ai dùng đến.

Tiến sĩ nước mưa Musare

Trong vai trò là một công chức làm việc tại quận Sumida thuộc Tokyo, ông Murase vạch ra dự án rất nghiêm túc kêu gọi cư dân đô thị dùng nước mưa trong sinh hoạt.

Dự án mang tính thực tế và khả thi của ông Murase cũng đã được áp dụng tại đấu trường sumo Kokugikan ở thủ đô Tokyo. Tại nhiều tuyến đường trong khu dân cư của Tokyo và một số thành phố lớn khác, người ta bố trí các trụ nước mưa công cộng để người đi đường sử dụng.

Các trụ nước này là sáng kiến của ông Murase, chúng có tên gọi “Nước của Trời”. Không chỉ phục vụ nhu cầu rửa ráy cá nhân, các cột nước còn được dùng trong những trường hợp khẩn cấp như dùng để chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn.

Trụ “Nước của Trời” cũng được thiết lập trong những hộ gia đình có nhu cầu. Người dân sử dụng nguồn nước này để tưới cây cối trong vườn, rửa chén bát hoặc giặt giũ. Với các trụ nước của trời, ông Murase cho rằng nó sẽ giúp giảm ¼ lượng nước tiêu thụ của mỗi gia đình trong 1 năm.

Trụ nước mưa sáng kiến của ông Murase có tên gọi "Nước của trời"

Ngoài mục đích dùng trong sinh hoạt, nước mưa còn có thể sử dụng để uống một cách an toàn. Đó là nhận định của ông Murase và ông đã áp dụng điều này vào thực tiễn. Xử lý nước mưa để uống là dự án mà ông Murase đang thực hiện tại Bangladesh. Hiện nay, dự án được đánh giá rất thành công.

Bangladesh là quốc gia có lượng mưa rất lớn vào mùa mưa, điều này rất thích hợp để tích trữ. Vả lại, nước mưa tại các vùng nông thôn khá tinh khiết. Trong dự án của ông Murase, nhiều hồ chứa nước mưa đã được lắp đặt tại các vùng nông thôn ở Bangladesh. Nước được xử lý cẩn thận và người dân dùng nước đó để uống.

Sử dụng nước mưa sẽ là một giải pháp tích cực trong bối cảnh nguồn nước ngầm đang dần cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm nước sông ngòi gia tăng do hoạt động sản xuất công nghiệp của con người. Ông Murase luôn hy vọng dự án của mình sẽ được nhân rộng và nguồn nước mưa không còn bị lãng phí nữa.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *