Bên bờ hạnh phúc

Đất nước Nhật Bản được hình thành từ vô số đảo lớn nhỏ, địa hình có nhiều sông ngòi, đồi núi và thung lũng dốc. Từ xa xưa, người dân xứ sở này đã rất chú trọng đến việc phát triển hệ thống cầu bởi lẽ chúng là động lực thúc đẩy kinh tế, đồng thời là phương tiện kết nối cộng đồng.

Nhịp cầu Iwa-hashi là những phiến đá to đặt trực tiếp trên đáy sông Asuka

Làng Asuka thuộc tỉnh Nara, khu vực từng là trung tâm hành chính văn hóa của nước Nhật cách đây 1400 năm, hiện vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử cổ xưa, trong đó có cây cầu đá Iwa-hashi. Cầu đá Iwa-hashi được xem là khởi nguồn của lịch sử ngành xây dựng cầu ở Nhật Bản.

Tương truyền rằng, ngày xưa, có một chàng trai đã sử dụng đá làm nhịp cầu bắc qua dòng sông Asuka để qua bờ bên kia thăm người yêu. Khác với những cây cầu đá thông thường, nhịp cầu Iwa-hashi là những phiến đá to đặt trực tiếp trên đáy sông Asuka ở đoạn nước cạn và lòng sông hẹp nhất.

Sau những cây cầu được làm từ các phiến đá như Iwa-hashi, người Nhật bắt đầu xây dựng cầu gỗ. Bị hạn chế về độ bền của chất liệu, cầu gỗ thường xuyên được tu sửa, nhưng không vì thế mà chúng mất đi dáng vẻ vốn có.

Horai-bashi là một trong những cầu gỗ nổi tiếng của Nhật Bản, cầu bắc qua sông Oi ở tỉnh Shizu-oka. Cầu Horai-bashi có chiều dài gần 900 mét, được xem là cây cầu gỗ dài nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, một đoạn cầu đã bị gãy đổ do thời tiết, cây cầu giờ chỉ phục vụ cho mục đích du lịch hơn là thương mại.

Horai-bashi là một trong những cầu gỗ nổi tiếng của Nhật Bản

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của cư dân 2 bên bờ sông, đồng thời thúc đẩy giao thương giữa các vùng miền, người Nhật cho ra đời những cây cầu đá vững chắc.

Cầu đá Megane-bashi ở tỉnh Nagasaki được xây dựng vào đầu thời Edo, thế kỉ XVII. Cầu sử dụng kỹ thuật xây dựng cầu đá được du nhập từ Trung Quốc. Từ Nagasaki, những cây cầu đá lần lượt mọc lên khắp đảo Kyushu và phổ biến rộng rãi trên cả nước.

Cầu đá Megane-bashi

Cầu Tsu-junkyo ở tỉnh Kuma-moto trên đảo Kyushu là một trong những cầu đá dẫn nước lớn nhất Nhật Bản. Cầu được xây dựng vào năm 1854 dưới thời Edo với sự tham gia của hàng ngàn nhân công là nông dân địa phương. Kiến trúc cầu dạng vòm, có vẻ ngoài rất tao nhã. Cầu Tsu-junkyo có chiều dài 75 mét và cao 20 mét, là cây cầu dẫn nước cung cấp cho 3 kênh đào bên dưới.

Cầu Tsu-junkyo là tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản

Trước khi cầu Tsu-junkyo được xây dựng, người dân vùng cao nguyên Shiro-ito thường xuyên chịu cảnh đói kém do thiếu nguồn nước tưới và sinh hoạt hàng ngày. Cầu dẫn nước là công trình thủy lợi quan trọng, nó mang đến sức sống cho những cánh đồng lúa nước địa phương. Hiện nay, 100 hecta đất nông nghiệp của Shiro-ito được tưới mát nhờ nguồn nước quí báu từ cầu dẫn nước Tsu-junkyo.

Trong hơn 1 thế kỉ qua, người dân địa phương luôn đề cao công tác cải tạo hệ thống kênh đào, bảo quản nguồn nước, nhờ đó mà vùng cao nguyên khô cằn ngày nào giờ đã trở nên trù phú. Nhận thức về tầm quan trọng của cầu dẫn nước nên ngay khi cầu Tsu-junkyo hoàn tất, chính quyền địa phương đã cử người trông nom, giám sát.

Cầu dẫn nước Tsu-junkyo đã được chính phủ Nhật Bản công nhận là tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia vì tính lịch sử cũng như những đóng góp của nó cho sự phát triển kinh tế khu vực.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *