Hoa cúc là loài hoa đại diện cho mùa thu ở Nhật Bản. Xét về tính văn hóa, từ xa xưa, người Nhật đã xem hoa cúc là biểu tượng quan trọng mang những ý nghĩa đặc biệt.

Mỗi năm, từ tháng 10 đến tháng 11, Hội chợ Triển lãm Hoa cúc Kik-ka-ten được tổ chức ở nhiều nơi trên khắp nước Nhật. Hội chợ triển lãm là cơ hội để những người trồng hoa cúc tranh tài với nhau thông qua sự đánh giá, bình chọn của ban giám khảo. Những cuộc triển lãm hoa cúc được tổ chức thường xuyên để mọi người cùng bình phẩm, chọn ra các giống hoa đẹp nhất. Đó cũng là động lực thúc đẩy nghề trồng hoa cúc phát triển.

Giống hoa cúc gây sự chú ý nhiều nhất ở Nhật là Atsu-mono hay còn được biết đến với tên gọi Hậu vật cúc. Nó thuộc loại đại cúc, mỗi bông có khoảng 300 cánh hoa, các cánh hoa ở dạng hình cong hướng lên phía trên, chúng xếp tuần tự lên nhau tạo thành môt đóa hoa to tròn, đầy đặn thể hiện cho sự phúc hậu.

Hậu vật cúc tròn đầy, phúc hậu

 

Saga giku

 

Bên cạnh Hậu vật cúc, hội chợ triển lãm Kik-ka-ten còn có rất nhiều loài cúc khác. Giống cúc Kuda-mono hay còn gọi là Quản vật cúc. Điểm nổi bật của nó là cánh hoa dài và thanh mảnh trông như những chiếc ống nhỏ. Ichi-monji giku là giống cúc chỉ có từ 14 đến 16 cánh hoa nhưng mỗi cánh có kích thước khá to và rộng. Trong khi đó, cúc Edo giku có hình dáng và màu sắc của cánh hoa thay đổi liên tục theo từng giai đoạn trưởng thành của hoa. Cúc Saga giku có cánh hoa dài, thẳng và mảnh. Hình dáng độc đáo của cánh hoa giúp saga giku trở nên rất nổi tiếng. Đinh Tử cúc, tiếng Nhật gọi là Choji-giku, có dáng vẻ rất đáng yêu. Nó là sự kết hợp giữa những cánh hoa rộng làm nền cho tràng hoa ở giữa.

Kuda-mono có cánh hoa dài và thanh mảnh trông như những chiếc ống nhỏ
Ichi-monji giku

 

Hoa cúc còn là loài thực vật rất được ưa chuộng trong lĩnh vực tạo dáng cho bonsai và thiết kế những khu vườn thu nhỏ. Hoa của chúng khiến các khối đá và thân gỗ lâu năm trở nên sinh động, có hồn hơn. Cũng giống như các loại bonsai khác, bonsai hoa cúc được tạo hình từ những cội cúc già.

Hoa cúc Nhật Bản hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc. Tại Trung Hoa đại lục, loài hoa này gắn liền với một truyền thuyết cảm động. Chuyện kể về một cô bé hiếu thảo đi khắp nơi tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Cảm động trước tấm lòng của em, Đức Phật đã tặng cô bé một bông hoa thần dược giúp chữa khỏi bệnh cho người mẹ. Theo lời dặn của Đức Phật, mỗi năm hoa sẽ rụng đi một cánh, bông có bao nhiêu cánh thì người mẹ sẽ sống được bấy nhiêu năm. Tuy nhiên, hoa chỉ có 5 cánh. Thương mẹ, cô bé đã xé nhỏ từng cánh hoa cho đến khi không còn đếm được bông có bao nhiêu cánh. Bà mẹ nhờ đó mà sống đến trăm tuổi bên người con hiếu thảo. Bông hoa vô số cánh đó được người đời gọi là hoa cúc. Loài hoa biểu tượng của sự sống, ước mơ trường tồn này đã theo chân các sứ giả, học giả Nhật Bản du nhập từ Trung Quốc vào Nhật cách đây khoảng 1.000 năm.

                            Choji-giku

 

Vào thời Heian, thế kỉ thứ VIII, hoa cúc được xem là loài hoa cao quý, tượng trưng cho phẩm chất tốt đẹp và sự trường thọ. Chúng chỉ xuất hiện trong cung đình và các gia đình quý tộc.

Giới quý tộc thời kỳ này có thói quen trồng hoa cúc trong vườn nhà nhằm cầu mong sự thịnh vượng, bách niên và lòng hiếu thảo của con cái. Vào thế kỉ thứ IX, hoàng gia Nhật Bản khởi xướng lễ hội trưng bày hoa cúc Kiku no Sekku. Lễ hội diễn ra vào ngày 9 tháng 9 hàng năm và được duy trì cho đến tận ngày nay.

Hoa cúc cũng là đề tài trong sáng tác thi ca. Nữ sĩ nổi tiếng thời Heian Mura-saki Shikibu đã mang mùi hương hoa cúc vào trong tác phẩm xuất chúng “Truyện kể Genji” của bà.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *