Ngày nay, diện mạo thành phố cổ xưa Bắc Kinh đã có sự thay đổi rất lớn, nhưng nơi đây vẫn bảo lưu bố cục cơ bản hơn 700 năm trước. Tử Cấm Thành cổ kính, nằm sừng sững ở trung tâm thành phố với gam màu chủ đạo đỏ và vàng, kết hợp với tứ hợp viện màu đen xám xung quanh, hình thành một trật tự hài hòa. Nét truyền thống và hiện đại cùng đan xen tồn tại ở Bắc Kinh.

Tử Cấm Thành cổ kính, nằm sừng sững ở trung tâm thành phố vơi gam màu chủ đạo đỏ và vàng

Người Mông Cổ đã hao tốn 18 năm để xây dựng kinh đô hào hoa nhất. Nhưng 80 năm sau, nơi đây đã thay đổi chủ nhân mới. Năm 1368, đội quân triều Minh từ phương Nam đã chiếm lĩnh Đại Đô. Hoàng đế đầu tiên của triều Minh là Chu Nguyên Chương ra lệnh phá hủy tất cả hoàng cung thành Đại Đô, đồng thời đổi tên Đại Đô thành Bắc Bình với ý nghĩa đã bình định xong phương Bắc. Chu Nguyên Chương chọn thành Nam Kinh ở phương Nam để xây dựng kinh đô và ban tặng vùng đất Bắc Bình cho con trai thứ 4 Chu Đệ.

Chu Nguyên Chương – Hoàng đế đầu tiên của triều Minh

Sau đó, Chu Đệ đã phát động một cuộc chính biến quân sự ở Bắc Kinh, đăng cơ lên ngôi Hoàng đế. Sau khi lên ngôi, Chu Đệ quyết định dời đô về Bắc Kinh. Ông quy động hơn 30 vạn người xây dựng cung điện hoàng gia có quy mô lớn nhất trên thế giới với tên gọi Tử Cấm Thành.

Tuyết phủ Tử Cấm Thành

Ngày nay, con đường Nhị Hoàn là con đường bao quanh thành, nằm gần trung tâm thành phố Bắc Kinh nhất. Đường Nhị Hoàn dài 32.7 km, xây dựng men theo tường thành thành Bắc Kinh đời Minh.

Vào giữa triều Minh, dân tộc du mục phương Bắc nhiều lần xâm chiếm Bắc Kinh, thế nên, triều đình quyết định xây dựng thành bảo vệ bên ngoài kinh đô Bắc Kinh với chu vi 80 dặm. Sau khi hoàn thành bức tường thành bên ngoài, thành Bắc Kinh đời Minh đã ra đời.

Tuy triều Minh dày công xây dựng Bắc Kinh thành một thành lũy kiên cố, nhưng cuối cũng vẫn không thoát khỏi vận mệnh bị xâm chiếm. Giữa thế kỷ XVII, dân tộc Mãn ở vùng Đông Bắc Trung Quốc đã trở thành chủ nhân mới của thành Bắc Kinh.

Các Hoàng đế nhà Thanh rất coi trọng văn hóa Trung Quốc. Ở ngoại ô phía Tây thành Bắc Kinh, họ đã xây dựng nhiều lâm viên hoàng gia tràn đầy ý thơ. So với Tử Cấm Thành vàng son lộng lẫy, những lâm viên hoàng gia núi xanh hồ biếc, cảnh đẹp và u tịch đã mang đến cho Bắc Kinh một hơi thở trang nhã khác.

Những lâm viên hoàng gia núi xanh hồ biếc, cảnh đẹp và u tịch đã mang đến cho Bắc Kinh một hơi thở trang nhã

Ngày nay, ở phía Nam quảng trường Thiên An Môn vẫn còn tồn tại một công trình kiến trúc phương Tây kết hợp nét đặc sắc Trung Quốc mang tên trạm xe lửa Chính Dương Môn. Năm 1906, khi trạm xe lửa hoạt động, người dân Bắc Kinh đã tranh nhau đến xem. Ngoài xe lửa, năm 1910, xưởng nước máy đầu tiên ở Bắc Kinh đã được xây dựng.

Nhà ga Bắc Kinh

Biến đổi lớn hơn xảy ra vào năm 1911, Hoàng đế Phổ Nghi tuyên bố thoái vị, chế độ phong kiến Trung Quốc hạ màn từ đây. Bắc Kinh cũng kết thúc lịch sử 600 năm trong vai trò kinh đô của các triều đại phong kiến Trung Quốc.

Hoàng đế Phổ Nghi

Ngày nay, quảng trường Thiên An Môn hùng vĩ trở thành biểu tượng của Bắc Kinh. 50 năm trước, quảng trường Thiên An Môn chỉ có diện tích 11.3 hecta, nhưng nay đã được mở rộng đến 50 hecta, có thể chứa 1 triệu người và trở thành quảng trường thành phố lớn nhất trên thế giới.

Thiên Đàn – biều tượng muôn thuở của Bắc Kinh

Bắc Kinh đã trở thành nơi trưng bày các công trình kiến trúc lớn và được mệnh danh là ‘Viện bảo tàng kiến trúc thế giới’. Phong cách kiến trúc Bắc Kinh thật sự khiến người ta cảm thấy hiếu kỳ. Trong vô số kiến trúc mới xây dựng ở Bắc Kinh, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc khiến nhiều người trầm trồ khen ngợi. Đó là toà nhà với 2 tháp nghiêng 6 độ theo 2 hướng khác nhau, gặp nhau ở trên đỉnh đầu mút của 2 toà. Đây được xem như là một trong những công trình kiến trúc hiện đại và kì lạ nhất thế giới.

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc

Từ những năm 1980, Bắc Kinh bắt đầu xây dựng các thành phố vệ tinh ở khu vực xung quanh. Toàn bộ thành phố bước vào thời kỳ xây dựng mở mang với tốc độ nhanh.

Vào 100 năm trước, Diệc Trang, nằm ở phía Đông Nam Bắc Kinh, là khu vực săn bắn của hoàng gia. Do nằm ở vị trí thuận lợi nên Diệc Trang tập trung hơn 1.300 xí nghiệp chế tạo lớn trong và ngoài nước. Ngoài việc hấp dẫn các nhà đầu tư, Diệc Trang giống như thỏi nam châm thu hút rất nhiều người dân thành phố Bắc Kinh đến đây nghỉ ngơi, thư giãn.

Diệc Trang chỉ là một bức tranh thu nhỏ trong toàn bộ thay đổi cực lớn ở Bắc Kinh. Trong 20 năm qua, mỗi năm, thành phố Bắc Kinh đã mở rộng 25 km, những tòa nhà cao tầng, những khu nhà ở mọc lên san sát nhau. Cuộc cách mạng diện mạo thành phố Bắc Kinh bắt đầu vào năm 1990. Có người nói rằng, Á Vận Hội năm 1990 đã thật sự khởi động bước tiến hiện đại hóa của Bắc Kinh.

Ngày nay, Á Vận Thôn, khu công năng được xây dựng phục vụ cho Á Vận Hội lần thứ 11, đã nhanh chóng phát triển thành khu thương mại mậu dịch hoạt động tiền tệ quốc tế.

Bắc Kinh đẹp mê hồn bởi những đường nét cổ kính và hiện đại đan xen vào nhau

Trong hơn 3.000 năm, dù hình dáng bên ngoài thay đổi thế nào thì mỗi người tiếp cận với Bắc Kinh đều bị nét đẹp cổ kính và hiện đại của thành phố năng động này cuốn hút.

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *