Bên bờ hạnh phúc

0/08, 9:10 am Di tích Moenjodaro Pakistan

Bắt nguồn từ dãy núi Himalayas, dòng sông Indus đổ ra biển Ả-rập. Cách nay khoảng 2.500 năm, trước Công nguyên, lưu vực sông Indus giữ vai trò là cái nôi sản sinh ra nền văn minh Indus nổi tiếng.


Di tích Moenjodaro

Tọa lạc ở khu vực phía Nam đất nước Pakistan, vùng Moenjodaro trở thành trung tâm hình thành và phát triển của nền văn minh này. Vào năm 1922, các nhà khảo cổ đã phát hiện được di tích của một ngôi chùa Phật giáo cổ xưa tại Moenjodaro. Ngoài ra, bên dưới khu di tích, người ta còn tìm thấy những dấu vết của một thành phố cổ với lối thiết kế đô thị rất ngăn nắp và hài hòa. Thành phố được ghi nhận có niên đại trước khi Phật giáo ra đời.

Công việc khai quật được tiếp tục thực hiện, các nhà khảo cổ dần phát hiện ra nhiều điều thú vị. Họ nhận ra rằng, đây là những gì còn sót lại của một thành phố cổ hoa lệ với cách bố trí hệ thống đường xá và khu dân cư rất khoa học. Những tuyến đường lớn ăn thông với nhau ở góc phải. Bên cạnh đó là khu người ở của người dân, chúng được xây dựng nằm dọc theo các con đường hẹp. Còn một điều rất mới lạ mà nhóm khảo cổ đã phát hiện là những viên gạch nung được sử dụng trong các công trình ở đây hầu như không tồn tại ở những nền văn minh khác.

Điểm tiêu biểu nhất của khu di tích Moenjodaro là hệ thống dẫn nước. Từ xa xưa, cư dân Moenjodaro đã biết giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt. Trên những bức tường nhà, người ta xây nhiều hốc trược, nước thải và các loại rác sinh hoạt sẽ được xử lý qua cái hốc này.

Ngay giữa khu di tích Moenjodaro, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những khối gạch có một lỗ tròn bên trên. Đây có thể là một phần của hệ thống nhà vệ sinh thời đó. Theo phán đoán của các nhà nghiên cứu, sau khi sử dụng, người ta đỗ nước vào bên trong chiếc lỗ để tạo nên dòng chảy dội sạch nước bẩn.


Những bức tường được xây dựng bằng gạch

Hệ thống xử lý chất thải của nhà dân và nhà vệ sinh được liên thông với rãnh nước có nấp đậy chạy dọc theo các lối đi giống như hệ thống cống rãnh của chúng ta hiện nay.

Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy rất nhiều con dấu ở khu di tích Moenjodaro. Nhiều biểu tượng trên các con dấu này cho đến nay vẫn chưa lý giải được. Con dấu đã trở thành đặc trưng của nền văn minh Indus và người ta gọi chúng là những con dấu Indus.

Các cư dân của nền văn minh này đã từng giao thương, trao đổi hàng hóa với vùng Mesopotamia xa xôi. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, các thương nhân và chính quyền ngày xưa đã dùng con dấu để đóng lên các kiện hàng giao dịch giữa các nơi.

Sự thịnh vượng của vùng Moenjodaro có được chủ yếu nhờ vào sự màu mỡ của đất đai do dòng sông Indus bồi đắp. Sau những trận lũ lụt, đất lại được vun bồi bởi một lớp phù sa giàu dưỡng chất. Thế nhưng, ngày nay, nước chính là nguyên nhân khiến cho khu di tích của nền văn minh Indus dễ bị hư hại.

Chất phấn trắng bám trên bề mặt của những viên gạch chính là muối. Mực nước ngầm trong lòng đất dâng cao đáp ứng như cầu rất lớn cho công tác thủy lợi phục vụ tưới tiêu và trồng lúa. Tuy nhiên, cùng với sự dâng lên của nước thì muối cũng theo đó mà thấm vào gạch. Muối kết tinh thành một lớp phấn trắng li ti dưới ánh nắng chói chang của mặt trời. chất mặn của muối chính là nguyên nhân khiến cho những viên gạch dễ dàng vỡ vụn thành từng mảnh.

Vào năm 1972, cùng với sự hỗ trợ của UNESCO, chính quyền Pakistan bắt đầu tiến hành việc tu sửa lại những viên gạch bị hư hại của khu di tích.

Bên cạnh đó, người ta cũng chú ý đến việc hạ thấp mực nước ngầm. Nước dưới lòng đất được bơm lên và đổ trực tiếp ra hệ thống rãnh nước nhân tạo. Thế nhưng, lượng nước mưa thấp trong khu vực không giúp rửa trôi lớp muối bám trên gạch. Vì vậy, các di tích quý giá của Moenjodaro đang dần biến mất trước sự bất lực của con người.
Moenjodaro đang kiên trì trong cuộc chiến lâu dài với nước ngầm để bảo vệ nền văn minh Indus. Cuộc chiến này vốn bắt đầu từ rất lâu và kéo dài đến tận ngày nay.


Vua Priest – Vị vua của Moenjodaro lúc bấy giờ

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *