Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến đầu tư (XTĐT) nước ngoài (Bộ Kế hoạch và ĐT) Nguyễn Bá Cường, Vĩnh Long có thế mạnh là trung tâm khu vực ĐBSCL, hạ tầng giao thông ngày càng cải thiện, tiềm năng phát triển rau quả, thủy sản, chăn nuôi… rất lớn. Vì thế, để thu hút ĐT trực tiếp nước ngoài (FDI), cần quan tâm tính liên kết vùng, nghiên cứu tạo vùng nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu.

 

 

Định hướng thu hút ĐT: chọn lọc

 

 

Theo ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vĩnh Long là tăng tỷ trọng công nghiệp (CN)- dịch vụ. Tỉnh đã tiến hành quy hoạch các khu- tuyến- cụm CN và đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 5 khu CN, 1 tuyến CN và 13 cụm CN.

Phát triển CN- dịch vụ được kỳ vọng là nguồn lực góp phần vào tăng trưởng của tỉnh. Vì thế, Vĩnh Long tích cực cải thiện môi trường ĐT, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời ban hành chính sách khuyến khích và hỗ trợ ĐT, danh mục các lĩnh vực, địa bàn khuyến khích ĐT.

Đến nay, Vĩnh Long có 25 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn thực hiện/vốn đăng ký là: 116,40/144,57 triệu USD và giải quyết việc làm khoảng 13.200 lao động.

Theo đó, Đài Loan (6 dự án); Hàn Quốc (5 dự án), Trung Quốc (2 dự án), Philippines (2 dự án), Mỹ (2 dự án), Malaysia (2 dự án), Thái Lan (2 dự án), Hà Lan (1 dự án), Nhật Bản (1 dự án), Tây Ban Nha (1 dự án), Canada (1 dự án). Trong đó , Đài Loan có dự án tổng vốn đầu tư cao nhất, kế đến là Nhật, Hàn Quốc, Hà Lan.

Tập trung vào các ngành nghề như: sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm; sản xuất giày dép da, sản phẩm da, thức ăn chăn nuôi, gia công hàng dệt may, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ…

Các dự án đã ĐT và đưa vào hoạt động, hầu hết có lợi nhuận cao, giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo mức sống khá cho người lao động, nhiều doanh nghiệp tiếp tục ĐT mới hoặc mở rộng. Khu vực FDI đóng góp ngày càng lớn trong tổng giá trị sản xuất CN.

Nếu năm 2000, khu vực này đóng góp 26/921 tỷ đồng, chiếm 2,82%; thì đến năm 2012 đóng góp 2.781/7.410 tỷ đồng, đạt 37,53% tổng giá trị sản xuất CN và tăng 21,96% so với cùng kỳ năm 2011.

Thu hút FDI được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng.

Vì thế, Vĩnh Long tiếp tục mời gọi ĐT các dự án vào các khu CN đã xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật như:

khu CN Hòa Phú giai đoạn II, khu CN và các dự án mà tỉnh có quỹ đất sạch, trước mắt tập trung mời gọi 9 dự án trọng điểm như: Nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị điện- điện tử; Nhà máy sản xuất dược phẩm- mỹ phẩm; Nhà máy chế biến thực phẩm đóng hộp; Nhà xưởng, nhà kho phục vụ ngành CN phụ trợ; Khu thương mại- đô thị Bắc Mỹ Thuận; Khu đô thị Phước Thọ (Phường 3); Khu Thương mại dịch vụ và du lịch Mỹ Thuận; Bệnh viện đa khoa chất lượng cao; Nhà máy thu gom và xử lý nước thải TP Vĩnh Long.

Theo đó, thu hút ĐT theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh.

Vĩnh Long hiện có rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực tiềm năng phát triển và được ưu đãi ĐT như: hạ tầng CN, đô thị- nhà ở, thương mại- dịch vụ, thể thao- du lịch, y tế- môi trường, giáo dục- đào tạo.

Thế mạnh CN chế biến, xuất khẩu

Trong chuyến làm việc với UBND tỉnh tuần trước, ông Nguyễn Bá Cường làm trưởng đoàn, cùng các tham tán XTĐT nước ngoài tại một số nước, đã tìm hiểu, khảo sát môi trường ĐT, dự án, lĩnh vực ĐT tại Vĩnh Long và trao đổi nhiều thông tin thú vị về cơ hội XTĐT ngoài nước.
 
Đánh giá Vĩnh Long có thế mạnh là trung tâm khu vực ĐBSCL, hạ tầng giao thông ngày càng cải thiện, tiềm năng phát triển rau quả, thủy sản, chăn nuôi… rất lớn. Định hướng phát triển CN thân thiện môi trường, CN phụ trợ, công nghệ cao… phù hợp xu hướng phát triển.
 
Ông Nguyễn Bá Cường còn lưu ý Vĩnh Long cần tận dụng lợi thế vị trí địa lý để thu hút ĐT các lĩnh vực như dịch vụ logistics, những dự án hạ tầng tạo động lực đột phá. Đồng thời, chú ý tính liên kết vùng, nghiên cứu tạo vùng nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu.

Đại diện tham tán XTĐT nước ngoài ở Singapore cho biết, Singapore không có đất sản xuất nông nghiệp và rất quan tâm lương thực thực phẩm, hoa quả, thủy sản của Việt Nam và đã có nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu qua đó.

Vĩnh Long có nhiều sản phẩm tiềm năng, vì thế, cần chuẩn bị chi tiết thông tin sản phẩm, chi phí, phương tiện vận chuyển hàng hóa có lợi thế cạnh tranh gì. Họ đã vào Đà Lạt nghiên cứu nhập hoa quả, nhưng chi phí cao chưa xúc tiến được.

Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Nam- tham tán phụ trách XTĐT vùng Osaka (Nhật Bản) đặt vấn đề, Vĩnh Long có nhiều trường đại học, cao đẳng nhưng vì sao nguồn nhân lực hạn chế, cần xem lại yếu điểm nào?

Một số lĩnh vực phía Nhật có thế mạnh như: chế biến thực phẩm, sản xuất linh kiện điện tử, xử lý nước thải… và tỉnh cần nghiên cứu nội dung chiến lược, kế hoạch triển khai XTĐT để tìm cơ hội thu hút các DN FDI vào.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền- tham tán phụ trách XTĐT tại Hàn Quốc, bày tỏ rất ủng hộ Vĩnh Long trong việc mời các nhà ĐT Hàn Quốc đến tham dự MDEC- Vĩnh Long 2013. Bà cho rằng, thị trường Hàn Quốc rất cần thực phẩm nhưng quy định nhập khẩu vô cùng chặt chẽ.

Hiện chỉ có thanh long của ta mới được nhập vào theo tiểu chuẩn Hàn Quốc và đang xúc tiến nhập xoài. Do vậy, muốn xuất khẩu được cần phải thông qua các doanh nghiệp của Hàn Quốc.

Các tham tán XTĐT nước ngoài cũng cho rằng, Vĩnh Long cần cho thấy mình có những điều kiện, lợi thế gì khác biệt so với các tỉnh, thành ĐBSCL để gây chú ý. Chiến lược thu hút ĐT phải xuất phát từ nguồn lực Vĩnh Long có thể mạnh như CN chế biến nông sản- thực phẩm, góp phần phát triển nông nghiệp- nông thôn, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản. Hay những cam kết tạo môi trường ĐT của tỉnh ra sao, khi nhà ĐT đến rồi thì giữ chân họ thế nào?

Theo Trần Phước ( VLO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *