Bên bờ hạnh phúc

Márai Sándor

Một nhà văn Pháp – Duvernois – vừa qua đời. Tên riêng của ông không quan trọng. Một trong những dấu hiệu về tầm cỡ nhà văn là khi chúng ta không nhớ tên Thánh của ông. Ông là Toni hay Emil không quan trọng. Điều quan trọng, đó là France (**) hay Zola (***).

Duvernois, trong 60 năm ròng, đã viết những câu chuyện nhỏ rất nhẹ nhàng. Có cảm giác ông viết những mẩu chuyện đó trên giấy cuốn thuốc lá. Chúng nhẹ nhàng, tươi tắn, mộc mạc như thế. Tôi không nhớ bất kỳ mẩu chuyện nào của ông, nhưng nếu bắt gặp tên ông trên một tạp chí Pháp, trong một chuyến đi hay trong một tiệm cà-phê, tôi vội đọc ngay những gì ông viết. Trong văn ông có một chút gì đó rất Mozart (****). Ông không muốn nói nhiều. Nhưng – và đây là bí quyết của một nhà văn đích thực – mỗi dòng của ông được bảo đảm bằng cả con người.

Khi được tin ông mất, tôi chợt nghĩ, với sự ra đi của ông, chỉ một nền văn học lớn, phong phú mới có sự xa xỉ như thế : một nhà văn “nhẹ ký”! Nhẹ ký không phải vì ông không có tư tưởng, mà do cái cách ông diễn đạt : đơn giản và lịch lãm. Văn học có một vùng giới hạn, mà thông thạo chỉ có các chuyên gia, những độc giả am hiểu, mà chính họ cũng ít nhiều là nhà văn. Có nền văn học “lớn”, thường xuyên vận động trong sắt thép và máu, theo đuổi những ý tưởng lớn, tàn ác và kiêu ngạo. Và có thứ văn học bình dân, quảng bá một cách ngọt ngào rằng dù sao thế giới cũng đẹp, con người về cơ bản là tốt. Ông chủ nhà băng lấy cô đánh máy, và cuối cùng, ở Hollywood, tất cả đều trở nên tốt đẹp. Văn chương của Duvernois lơ lửng giữa hai dòng văn học đó. Nó không có những ý tưởng lớn, nhưng cũng không hạ thấp văn học xuống mức văn chương bình dân. Ông nói về cuộc đời với cảm nhận thực tế và có nhịp điệu, như thể ông trình diễn trên nhạc cụ. Thể loại này ngày càng hiếm.

Ông viết những gì nữa? Còn rất nhiều đầu sách tuyệt vời mà tôi không nhớ nổi tựa đề của chúng.

Giáp Văn Chung dịch      

———————-

(*) Duvernois : Henri Duvernois (1875 – 1937), nhà văn, nhà viết kịch Pháp. Ông còn là tác giả nhiều kịch bản phim và opera.

(**) France: Anatole France, tên thật là Franois-Anatole Thibault (1844 – 1924), nhà văn Pháp, đoạt giải Nobel Văn học năm 1921.

(***) Zola : Emile Francois Zola (1840 – 1902), nhà văn, nhà phê bình văn học theo trường phái tự nhiên của Pháp.

(****) Mozart : Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791), một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng, quan trọng và có nhiều ảnh hưởng nhất trong thể loại nhạc cổ điển châu Âu. Các tác phẩm của ông được xem là đỉnh cao trong các lĩnh vực nhạc piano, nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, nhạc tôn giáo và opera.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *