Chị trở về quê hương, mang theo tiếng hát và tấm lòng sâu sắc với những người dân còn khó khăn.

Chiều mùng 9 Tết, danh ca Phương Dung hẹn gặp phóng viên tại một khách sạn nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, Q.3, TP. HCM. Suốt ba tháng qua, danh ca này trú ngụ và xem ở đây như là nhà mình trong những ngày về Việt Nam. Người chủ khách sạn là bạn cũ nên xem Phương Dung như người thân.

Tuy ở khách sạn nhưng Phương Dung cảm nhận đầy đủ không khí ngày Tết với mai vàng, thịt kho, bánh chưng, dưa hấu. Phương Dung nhận lời hát hai đêm tại phòng trà Văn Nghệ. Thời gian còn lại, Phương Dung dành để về quê ăn Tết, gặp gỡ bạn bè và đi phát quà cho người nghèo ở Long An, Bến Tre.

 

Ca sĩ Phương Dung được mệnh danh là "nhạn trắng Gò Công"

Yêu ca hát từ thuở nhỏ

Chị tâm sự: "Chưa bao giờ tôi ăn Tết vui đến vậy. Do ở khá lâu nên không khí rộn ràng của những ngày xuân làm tôi nhớ Tết ngày xưa quá". Ngày xưa trong ký ức của Phương Dung, chị là một cô bé sống ở miệt đồng xã Tân Thành, Gò Công, Tiền Giang, Phương Dung sinh ra trong một gia đình trung lưu có ruộng vườn nên cuộc sống khá sung túc.

Chị kể: "Ngay từ lúc mới sinh ra, tôi bị bệnh tật liên miên. Có những thời điểm tôi bệnh tưởng như suýt chết, thậm chí gia đình chuẩn bị sẵn quan tài để lo hậu sự cho con gái". Có người mách với cha Phương Dung: "Mấy đứa trẻ như nó cao số lắm, sau này gia đình sẽ nhờ nó đó. Muốn nó khỏi bệnh, ông bà nên giả vờ quăng ra góc đường rồi kêu ai đó trong nhà nhặt về nuôi". Kỳ lạ thay, sau năm đó, chị khỏe mạnh hẳn lên.

Càng trưởng thành Phương Dung càng bộc lộ niềm đam mê ca hát. Chị nhớ lại: "Tôi yêu thích ca hát từ khi chưa bước vào lớp tiểu học. Chỉ mới hơn năm tuổi, tôi thường rủ rê bạn bè đồng trang lứa trong làng tụ tập vào mỗi buổi chiều tối. Dù chưa hiểu lời bài hát nhưng đám trẻ cứ nghêu ngao những bài Em bé quê, Bên xuân, Con thuyền không bến…"

Thời ấy, mỗi khi qua nhà hàng xóm, thấy trên tường có một hình cô gái mang đôi giày cao gót đứng bên chiếc vespa, chị thường ước mình được mang đôi giày như thế đứng trên sân khấu cất lên tiếng hát. Chính ước mơ đơn giản này đã đưa Phương Dung đến với nghiệp cầm ca.

Quyết tâm với sân khấu

Năm 1957, chị rời Gò Công lên Sài Gòn với người chị gái. Vài năm sau, gia đình chị cũng dọn hẳn lên Sài Gòn sống. Dù còn đang học đệ thất, nhưng Phương Dung quyết chọn nghề ca hát chứ không phải bất cứ công việc nào khác.

"May mắn thay trời cho tôi một giọng hát thiên phú. Tôi nổi tiếng có giọng hát lạ từ bé. Cuối giờ học còn dư thời gian, cô giáo thường gọi tôi lên bục giảng, hát cho cả lớp nghe. Chính những cơ hội này tập cho tôi tính dạn dĩ và tiếp thêm niềm đam mê để theo đuổi đến cùng con đường mình đã chọn", chị chia sẻ.

Trong lúc đi học, chị vẫn tìm kiếm cơ hội để được cống hiến cho âm nhạc. "Một người bạn gái học chung lớp mách cho tôi biết có ông cậu tên Vân Quang hát rất hay nên tôi đến nhờ dạy ca. Ông từ chối không chịu dạy vì muốn tôi học hành, nhưng tôi không nản lòng", chị nhớ lại.

Dù gia đình xem trọng truyền thống, nhưng cha mẹ Phương Dung ủng hộ con gái theo nghề hát. Câu nói của cha luôn được xem là đạo lý để chị bước đi trên con đường nghệ thuật. Ông bảo: "Tu nhiều kiếp mới giàu sang. Nếu con đi hát không vì làm giàu, phải sống và hát làm sao để khán giả thương mình".

 

Thời ấy, chị rất ái mộ ca sĩ Thanh Thúy. Phương Dung rất thích các bài hát của nhạc sĩ Trúc Phương, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương do Thanh Thúy hát. Chị thường mua các bài ca mà ca sĩ Thanh Thúy trình bày, nghêu ngao hát đến khi thuộc lòng.

"Năm 1960, đang học trường Gia Long, biết tin tuyển ca sĩ, tôi đạp xe đến Đài phát thanh Sài Gòn để xin thi tuyển. Vừa đến cổng, thấy bóng dáng các ca sĩ Thái Thanh, Thái Hằng, Thanh Thúy, Tâm Vấn đi lên lầu khiến tôi ngẩn ngơ. Tôi liền bước theo nhưng bị bảo vệ chặn lại. Sau khi nói lý do, bác bảo vệ nhìn tôi rồi chỉ vào phòng gặp nhạc sĩ Võ Đức Tuyết. Trước khi đưa đơn, ông bảo tôi hát thử. Tôi cất giọng hát bài Em bé quê của nhạc sĩ Phạm Duy được mọi người khen ngợi. Tuy nhiên, đến phần xướng âm tôi bị trượt do nhạc lý không vững. Thi tuyển chung kết lần ấy có nhạc sĩ Thanh Sơn, ông đậu còn tôi rớt", chị nói.

Không buồn bã hay nản chí, chị kiên trì năn nỉ ông cậu Vân Quang dậy hát. "Tôi nói với cậu là chỉ muốn hát hay chứ không màng chuyện danh lợi hay mong được giàu sang. Thấy tôi tha thiết quá nên cậu chỉ yêu cầu tôi hứa một câu và cũng là bài học vỡ lòng tôi nhớ đến tận bây giờ. Ông dậy: Khi hát, con phải thật tâm và thể hiện đúng ý của tác giả bài hát. Nếu con có duyên được nổi tiếng phải hứa là không được kiêu căng hay ngạo mạn. Lúc nào cũng phải coi những người đi trước là đàn chị, là thầy. Còn ca sĩ chưa nổi tiếng là người chưa thành danh nên không được phép khinh khi. Tôi ghi nhớ lời ông và gật đầu", Phương Dung kể tiếp.

Con nhạn trắng Gò Công

Sau một thời gian học nhạc lý, chị xin vào hát ở phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện, Q.1, ngày nay. Phòng trà lúc đó toàn những giọng ca danh tiếng như Bạch Yến, Thanh Thúy, Lệ Thanh, Bích Chiêu, Mai Ngọc Khánh… còn chị mới chập chững vào nghề.

"Tôi vừa đi hát vừa luyện thanh, học hỏi từ các chị. Vì thế, tiếng hát của tôi ngày càng điêu luyện hơn. Nhờ hát tại phòng trà, giọng ca của tôi được ông chủ hãng đĩa chú ý", chị nói.

Năm 1962, một hãng đĩa mời Phương Dung thu âm bài hát đầu tiên Đường về khuya được nhiều người chú ý. Cuối năm 1962, chị được giao bài hát Nỗi buồn gác trọ của nhạc sĩ Mạnh Phát và Hoài Linh, ghi thêm dấu ấn trong làng ca nhạc. Cũng trong năm đó, do thường đi hát mặc áo dài trắng nên nhà thơ – soạn giả Kiên Giang (nghệ danh Hà Huy Hà) đặt cho chị biệt danh Con nhạn trắng Gò Công.

 

Rồi một loạt các bài như Hoa nở về đêm, Vọng gác đêm sương, Hai kỷ niệm một chuyến đi khiến tên tuổi của chị ngày càng được biết đến nhiều hơn.

Năm 1964, bài hát Những đồi hoa sim đưa tên Phương Dung lên hàng top thời đó. Chính bài hát này đã đem đến cơ hội để chị vào vai chính trong bộ phim Tiếng hát đêm khuya. Đây là vai diễn đầu tiên của chị trong lĩnh vực điện ảnh.

"Trong phim, tôi vào vai một ca sĩ phòng trà. Sau vai này, tôi còn đóng phim Hai chuyến xe hoa với cố nghệ sĩ Thanh Nga và nhiều phim khác nhưng tôi không thích lĩnh vực điện ảnh", chị tâm sự.

Năm 1966, bài hạt Tạ từ trong đêm đem đến cho chị hai giải: Huy chương vàng nữ ca sĩ xuất sắc nhất và giải nhất Ca sĩ được yêu mến nhất. Thời điểm đó, tên Phương Dung không thể thiếu ở những phòng trà, chương trình đại nhạc hội.

"Có tháng, tiền cát-sê tôi kiếm được gần 200.000 đồng, trong khi giá vàng chỉ 4.000 đồng/lượng. Tất cả tiền làm ra đều do mẹ tôi cất giữ", chị nói

Cuối năm này, trong chuyến lưu diễn ở Thái Lan, chị gặp tình yêu của mình. Vì yêu chị, anh quyết định về nước làm ăn. Tình cảm ngày càng gắn bó.

Năm 1968, Phương Dung gác việc ca hát để lấy chồng và quản lý việc gia đình. Ngay sau đó, chị sinh tám đứa con: sáu con trai và hai gái. Năm 1976, chị định cư ở Úc.

"Tạm xa ca hát trong lúc sự nghiệp đang ở đỉnh cao là quyết định không dễ dàng, nhưng tình thương con quá lớn nên tôi chấp nhận lùi bước để có thời gian nuôi dạy con cái. Có những lúc nhớ nghề, tôi nhận lời thu âm CD cho các trung tâm băng nhạc", chị chia sẻ.

Phải hơn 20 năm sau, giọng hát Phương Dung mới chính thức trở lại sân khấu ca nhạc ở hải ngoại, khởi đầu là bài hát Nỗi buồn gác trọ. Chị đồng ý xuất hiện trở lại vì nỗi nhớ nghề da diết và cũng vì tình cảm của nhiều khán giả yêu âm nhạc, yêu tiếng hát Phương Dung. Lần xuất hiện đó cho chị quyết tâm quay về với sân khấu.

"Thật bất ngờ vẫn có rất nhiều người còn nhớ tiếng hát của tôi. Không chỉ vậy, rất nhiều bạn trẻ cũng biết đến Phương Dung. Không ít bạn trẻ sưu tầm và tặng tôi những đĩa nhựa, bài hát thu âm từ rất lâu mà chính tôi cũng không cất giữ được", chị hồ hởi khoe.

Tấm lòng với quê hương

"Thời gian tạm quên mình để sống cho gia đình giúp tôi thấy mình cần phải chia sẻ may mắn, những gì mình có được cho người nghèo, những hoàn cảnh kém may mắn, mảnh đời bất hạnh hơn", chị chia sẻ.

Năm 1995, sau 19 năm xa quê, Phương Dung mới trở về Việt Nam thăm mẹ và sau đó thường xuyên về hơn. Mỗi lần về, tôi tranh thủ tổ chức những chuyến đi trao quà từ thiện, giúp người nghèo phẫu thuật mắt từ Quảng Trị cho đến Cà Mau. Chị tâm sự: "Tôi dự định một hay hai năm nữa sẽ giã từ sân khấu. Tôi muốn dừng lại đúng lúc để khán giải nhớ đến một Phương Dung duyên dáng, hát hay. Nếu không còn hát, tôi sẽ tham gia hoạt động từ thiện. Tôi đang chuẩn bị cho đại tâm nguyện này".

Theo tintuconline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *