Bên bờ hạnh phúc

Không có nhiều thời gian nghỉ ngơi sau chuyến bay dài từ Cali về Việt Nam, nghệ sĩ (NS) hài Bảo Chung đã phải có mặt trong buổi họp báo ra mắt chương trình hài kịch Gặp nhau là cười. Nhưng, không thấy ở anh sự mệt mỏi, chỉ thấy niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt trẻ hơn khá nhiều so với tuổi thật. Bởi với anh, “Được gặp lại khán giả quê nhà, tôi như cá được về với nước”.

 

* Đang là một gương mặt hài được yêu thích, nhưng đột nhiên anh biến mất khiến khán giả không khỏi thắc mắc.

– Tôi theo gia đình định cư ở Mỹ từ năm 2009. Với tôi, đó là một trong những quyết định rất khó khăn. Vợ con đã định cư ở Mỹ từ trước nhưng tôi cứ chần chờ vì ham diễn, ham nghề nên đi về giữa Mỹ và Việt Nam. Thời gian ở Việt Nam bao giờ cũng nhiều hơn ở Mỹ. Cho đến khi được trung tâm Vân Sơn ký hợp đồng biểu diễn, tôi biết chắc mình sẽ có ít nhất hai suất diễn vào những ngày cuối tuần nên mới quyết định sang đoàn tụ với vợ con.

* Một lần đổ vỡ vì quá ham nghề, nhưng có vẻ anh vẫn không bị lay chuyển: lại tiếp tục chọn nghề chứ không phải gia đình, khi tìm được hạnh phúc lần thứ hai?

– Có lẽ tôi may mắn được sự thông cảm và sẻ chia của vợ con. Vợ tôi cũng từng hoạt động nghệ thuật, nhưng tình nguyện lui về sau từ khi sinh con đầu lòng. Cô ấy hiểu và chia sẻ được sự ham nghề, ham diễn của tôi. Dẫu có lúc cũng biết mình có lỗi với gia đình, nhưng “máu nghề” nổi lên tôi lại… quên hết!

* Vì muốn sửa lỗi nên từ đi đi về về, anh bỗng “tuyệt tích giang hồ” đến bốn năm?

– Một phần vì theo hợp đồng tôi luôn có sô diễn vào hai ngày cuối tuần nên việc về Việt Nam là không đơn giản. Hơn nữa khi qua Mỹ, bắt đầu làm quen với đời sống thực thụ của người dân định cư, tôi nhận ra, với điều kiện sống của gia đình và công việc hiện tại, tôi cần phải chia sẻ với vợ trách nhiệm chăm sóc con cái và quán xuyến gia đình.

* Từ một NS luôn bận rộn với các show diễn, quay phim… ở Việt Nam, anh thích nghi ra sao với vai trò của người cùng vợ quán xuyến gia đình?

– Không còn xa lạ với đời sống người Việt ở hải ngoại nên tôi đã xác định tư tưởng ngay từ trước khi quyết định định cư. Nhà không có người giúp việc nên hai vợ chồng phải tự xoay xở. Tôi bắt đầu tập làm việc nhà, đi chợ, nấu ăn, đưa đón con đi học… Việc gì tôi cũng làm quen rất nhanh, trừ chuyện đi chợ. Suốt một thời gian dài mỗi khi lái xe ra chợ là tôi cứ thấy… lo lo và thót tim khi nghe câu: “A! NS hài Bảo Chung kìa” mỗi lúc đang loay hoay mua hàng ở chợ. Nhưng khi đã quen, tôi chợt nhận ra mình vừa tìm được những điều rất quý giá mà trước đó vì mải mê với nghề diễn tôi đã không còn thời gian chú ý đến.

Bận rộn chạy show, cơm quán nhiều hơn cơm nhà, cha con ít có dịp gần gũi vì tôi kết thúc công việc về nhà con đã ngủ; con thức dậy đi học, tôi còn ngủ. Sống hơn nửa cuộc đời, mãi đến lúc này tôi mới thực sự hiểu những hạnh phúc rất giản dị trong đời sống gia đình: đó là khi được nhìn thấy nụ cười của con ở cổng trường lúc tan học; là những lúc mấy cha con chơi đùa hoặc nói chuyện, trêu chọc lẫn nhau; là những bữa cơm vợ chồng, con cái quây quần bên nhau; là được nghe con tíu tít khen món ăn ba nấu hôm nay ngon quá…

Tôi tận hưởng hạnh phúc mình đã bỏ lỡ suốt một thời gian dài trước đó nên không còn cảm giác nôn nao hay trống trải khi phải ở nhà cả tuần chờ đến ngày đi diễn. Tôi đã thay đổi rất nhiều sau hơn bốn năm định cư ở Mỹ. Những ngày về Việt Nam, cứ đến chiều tôi lại quay quắt nhớ bữa cơm gia đình, nhớ tiếng líu ríu của các con, nhớ hình ảnh các con xúm xít phụ giúp ba mẹ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn… Có lúc đang ngồi ăn tôi chợt thẫn thờ.

* Khán giả nhớ anh không chỉ với hình ảnh một NS hài có nụ cười đặc trưng mà còn trong vai trò tác giả của nhiều tiểu phẩm, kịch hài mang tính châm biếm sâu sắc. Lúc ở Mỹ, có nhiều thời gian chắc anh có thêm nhiều sáng tác mới?

– Ngược lại, tôi cảm thấy mình luôn trong trạng thái bí đề tài. Chất liệu cho các tiểu phẩm hài của tôi chính từ cuộc sống, nhưng đời sống ở Mỹ cứ đều đặn trôi. Vấn đề tôi viết dễ trở thành nhạy cảm, dễ bị nhìn giống một ai đó; hoặc là vấn đề quá đặc trưng, khán giả sống ở tiểu bang này có thể hiểu vấn đề để cười nhưng ở bang khác thì ngơ ngác vì không hiểu tôi đang muốn nói gì. Hơn nữa, nhu cầu thưởng thức hài kịch của khán giả hải ngoại cũng khác. Ai cũng tất bật với cuộc sống, công việc nên chỉ muốn thư giãn bằng những tiết mục hài đơn giản, xem là cười ngay, không cần suy nghĩ. Trong khi đó, tôi lại không mạnh ở dạng kịch hài có thể làm khán giả cười ngay tức thì.

* Nếu vậy, đúng như anh nói, về Việt Nam lần này anh như “cá được về với nước”?

– Dù vẫn liên tục biểu diễn ở Mỹ và thực hiện các chương trình hài cho trung tâm Vân Sơn, nhưng về nước tôi thấy mình khá bỡ ngỡ với hoạt động của sân khấu (SK) hài TP. Đời sống của SK hài không bằng như xưa nhưng lớp diễn viên trẻ thì thông minh và năng động hơn chúng tôi ngày trước. Các em rất nhanh nhạy trong việc kết hợp đời sống xã hội, những vấn đề thời sự vào tiết mục của mình, để mỗi lần xuất hiện đều khác nhau.

Ở Mỹ tôi cũng xem truyền hình, cũng lên internet cập nhật thông tin thường xuyên, nhưng về nước vẫn cứ cảm thấy mình bị tụt hậu. Tụt hậu vì chậm chạp trong cập nhật thời sự, chậm chạp vì bốn năm trời không được “văn ôn võ luyện”… nên cứ cảm giác mình không còn nhạy bén, năng động như xưa. Xem các bạn trẻ diễn tôi biết mình phải tự làm mới, phải biến hóa đa dạng hơn mỗi khi bước ra SK. Ngày xưa khán giả có thể nhớ, có thể thích Bảo Chung vì tiếng cười rất đặc trưng, chỉ cần tôi cười đã có khán giả cười. Nhưng bây giờ thì không thể như vậy. Tôi đang nỗ lực từng ngày để thích nghi trở lại với quyết tâm phải làm mới chính mình.

Gia đình nghệ sĩ hài Bảo Chung

 

 

* Tạo kênh cá nhân trên YouTube vào cuối tháng 11/2014, giờ lại lên kế hoạch “đổi mới” bản thân, anh đang muốn “tái lập nghiệp” ở TP.HCM?

– Lần đầu về nước gặp lại khán giả quê nhà trong liveshow NS Vân Sơn vào cuối tháng 9/2014, nỗi nhớ SK, khán giả và khát khao được diễn ở Việt Nam lại bùng lên trong tôi. Được trung tâm Vân Sơn đồng ý cho “chạy show” về Việt Nam nhưng tôi vẫn cứ lo không biết mình có thể hội nhập, có được khán giả đón nhận không nên “dò đường” bằng việc xuất hiện ở một số chương trình hài kịch. Cảm nhận được tình cảm của công chúng, tôi quyết định “luyện” lại nghề để thực hiện chuyến về nước dài hơi hơn.

Lần về này ngoài việc tham gia một số chương trình hài trên truyền hình, phim hài, các show diễn ca nhạc, hài kịch…, tôi sẽ có đợt lưu diễn phục vụ khán giả miền Tây đến hết tháng Ba. Chuyến lưu diễn cũng là cơ hội để tôi tìm thêm tư liệu để sáng tác tiểu phẩm, kịch bản hài và chuẩn bị ghi hình cho chương trình hài Thằng vô duyên phần 2, sẽ được thực hiện tại Việt Nam trong năm 2015.

* Xem ra anh lại sắp bỏ gia đình đề chạy theo… nghề?

– Vợ chồng chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều về vấn đề này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Các con cũng đã lớn và sớm biết tự lập, giúp đỡ ba mẹ nên tôi yên tâm trong thời gian về Việt Nam làm nghề. Vợ tôi rất ủng hộ nhưng tôi hiểu sự hy sinh một lần nữa của vợ cho đam mê của mình. Chỉ nội chuyện một mình phải chợ búa, cơm nước, đưa đón các con đi học cũng đã lấy hết thời gian của vợ tôi. Cám ơn cuộc sống đã cho tôi có một gia đình luôn ở bên cạnh và hết lòng ủng hộ những ước mơ và khát khao của mình.

Nguồn: Thảo Vân ( PNO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *