Trong danh sách các bầu show đình đám nhất Việt Nam chắc chắn không thể không thiếu tên Lê Hoàng Tuấn – Tuấn Thaso – người đã dựng lên một thương hiệu Đan Trường đứng vững hơn một thập niên qua. Người ta gọi anh là Phù Thuỷ (lắm chiêu), ghét anh, nể anh, e dè anh, chụp lên những tin đồn. Và giờ thì anh ở đây, trải lòng cùng chúng tôi.

Sẽ không khó khăn gì để gặp Hoàng Tuấn bởi ngày ngày anh vẫn ở đấy, tại trụ sở HT. Production trong khuôn viên Hội âm nhạc TP.HCM, nơi người trong giang hồ vẫn thường gọi ngắn gọn là 81 như địa chỉ của nó. Bên bàn cà phê, giữa một nhóm người, anh chạy ra chạy vào, nói năm câu ba chuyện trông rất thảnh thơi. Thế nhưng để có thể thuổng được của anh ít thời gian thì lại không hề là chuyện đơn giản. Theo Hoàng Tuấn, ở HT.Productions không có chuyện ngồi cà phê nói chuyện phiếm mà tất cả phải phục vụ cho công việc.

Những khi ngồi cà phê, đó là lúc anh trả lời báo chí, lên kế hoạch cho các đĩa nhạc, sắp xếp lịch diễn. "Nếu rảnh quá không có việc gì làm thì lo đi học đi!" – ông bầu này vẫn nói với nhân viên của mình như thế. Và kết quả là anh trở thành ông kẹ trong mắt của nhiều người khi liên tục yêu cầu nhân viên và cả cộng tác viên phải thế nọ, thế kia hoặc là sẽ dẹp, khỏi làm gì nữa.

Lê Hoàng Tuấn – Tuấn Thaso – người đã dựng lên một thương hiệu Đan Trường đứng vững hơn một thập niên qua.

– Lúc nào cũng công việc, anh không nghĩ cuộc sống như thế đáng chán lắm sao?

Rất nhiều lần tôi mong được nghỉ ngơi nhưng rồi cuối cùng vẫn chưa làm được. Không ai bắt, chỉ mình tự thấy không thể nghỉ khi công việc vẫn chưa hoàn thiện, chưa được như mong muốn hoặc trong các trường hợp khác do không nỡ từ chối ân tình của mọi người. Có nhiều lần Trường muốn nghỉ, tôi cũng muốn nghỉ để đi du lịch đâu đó. Visa Châu Âu chúng tôi được cấp đến 5 năm, vé máy bay người ta tặng cứ gia hạn hoài.

Nhiều khi sinh nhật hay khi bệnh, theo lẽ tôi có quyền nghỉ, ai cấm. Nhưng nếu tôi nghỉ, giả dụ trong chương trình có chuyện thì làm sao? Những lời khen, chê của khán giả bên dưới ai sẽ là người nghe hay ca sĩ ở bên trên cứ nghĩ là mình đã hay quá rồi, tốt quá rồi? Có lần sốt 38 độ C tôi vẫn ráng tới điểm diễn để nghe Đan Trường hát, tới khi chịu không nổi mới phải chạy đi xông hơi rồi lại về nghe hát. Trách nhiệm thôi!

– Ở mỗi show của Đan Trường công chúng lại thấy anh tung một chiêu: hết cho ca sĩ bay trên thuyền đến hỏi Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn xem hôm ấy liệu trời có mưa. Điều gì giúp anh có được nhiều chiêu như thế?

Tôi không nghĩ đó là chiêu mà là sự kỹ lưỡng và biết quan tâm đến điều mình đang làm. Nhiều năm sống ở Đức dạy cho tôi biết rằng đã làm gì phải tính toán cho thật cẩn thận, dốc hết sức cho từng chuyện dù nhỏ hay lớn.

Khi một chuyện giải quyết xong là xong, mình không phải nghĩ nữa. Còn nếu cứ trông chờ may rủi thì lúc nào cũng sẽ phải phập phồng chuyện rủi may. Chuyện đi hỏi xem trời có mưa không chẳng hạn, nếu câu trả lời là có thì phải chuẩn bị phương án khi trời mưa. Tôi đi mua một cái đèn laser về không thể chỉ sử dụng cho một show rồi cất kho, rất phí, nên trước khi mua tôi đã phải tìm nơi bán lại.

Cũng như live show Ngôi Sao Bay của Đan Trường hôm 3/12, đích thân tôi phải ra sân khấu Trống Đồng cả chục lần, ngồi ở từng ghế để coi cái ghế nào tốt, ghế nào hư để cho người sửa. Cũng nhờ ngồi ở những chiếc ghế, tôi biết chỗ nào sẽ được nhìn hết sân khấu, chỗ nào bị khuất. Chỗ nào khuất thì bán vé rẻ hơn, chỗ tốt bán vé mắc hơn chứ không có chuyện cao bằng. Mỗi tấm băng rôn treo ở đâu để ai cũng nhìn thấy, không bị cây cối xung quanh che mất cũng phải tính.

Ngay trong cuộc sống đời thường cũng vậy. Phòng ngủ của mọi người tôi đều làm sẵn tấm bảng sleeping. Khi nào đi ngủ thì treo phía trước để không ai làm phiền. Những chuyện đó nhỏ nhặt thôi nhưng khi làm xong thì mình rảnh rỗi để làm những cái khác và quan trọng nhất là không ảnh hưởng tới người khác.

Ông bầu Hoàng Tuấn và ca sĩ Đan Trường

– Ảnh hưởng tới người khác ư?

Một show diễn hợp thời gian, công sức, tiền bạc của nhiều người tạo thành một dây chuyền. Nếu một mắt xích kẹt thì sẽ kẹt cả một guồng máy. Ví dụ một ca sỹ đến trễ thì chương trình sẽ phải thay đổi, đưa người này lên lùi người kia xuống. Với những chương trình mà ca sỹ xếp hàng lên hát thì không nói, nhưng với những chương trình đã được lên kịch bản, có ý tưởng xuyên suốt từng tiết mục thì như vậy đâu được.

Tôi từng gạt tên một ca sỹ rất nối tiếng ra khỏi chương trình chỉ vì cô ấy bận đi hát ở xa, không đến phúc khảo với chúng tôi được. Nếu cô có thể bỏ phúc khảo thì ai dám chắc rằng cô sẽ tới trong chương trình chính thức? Khi hợp đồng với cô tôi đã rất nhân nhượng, sẵn sàng đáp ứng những gì cô yêu cầu, nhưng khi đã đồng ý với nhau rồi thì cứ thế mà làm, không được sai trật. Sai với tôi đã thoả thuận là không được đâu!

– Có vẻ như chuyện gì anh cũng ôm vào mình thì phải! Cách làm việc như vậy có quá độc tài và ảnh hưởng đến sự sáng tạo của những người cộng tác?

Không à! Mỗi người có một việc và những việc đó đều đã được phân định rách ròi, sòng phẳng ngay từ đầu. Việc của tôi là chạy lòng vòng, còn chuyên môn là chuyện của ca sỹ. Chẳng hạn sáng nay tôi cho người mang đĩa Master (đĩa gốc) đi giao cho người ta, nhưng sau đó Đan Trường nói còn chưa hài lòng ở hai chỗ trong bản thu. Hai chỗ nhỏ thôi nhưng tôi phải tức tốc gọi người giao đĩa quay về để chúng tôi làm lại, sau đó phải thuê riêng một chiếc xe đi giao cho kịp. Tôi không phải ca sỹ nên tất cả những gì thuộc phạm vi chuyên môn thì ca sỹ phải lo. Hát thu thế nào, thể hiện cảm xúc thế nào, biểu diễn ra sao trước công chúng, đĩa phải có cái gì, không được có cái gì…là chuyện của Đan Trường.

Đứng trên sân khấu chỉ có ca sỹ mới biết được tình huống cụ thể nào đó phải được xử lý như thế nào chứ nhạc sỹ hay ông bầu hay bất cứ ai cũng không thể thay thế được. Tôi đâu phải ông thần ông thánh mà ôm hết mọi chuyện được. Giả sử tôi chen vào chuyện chuyên môn, lỡ Đan Trường bảo “Anh giỏi anh hát đi! Thì…” (cười).

– Bao nhiêu năm qua người ta vẫn chỉ nói tới Hoàng Tuấn – Đan Trường. Có những người khác từng đến HT.Productions nhưng rồi cũng chưa đến đâu. Vậy thành công của anh hoàn toàn có thể được cho rằng chỉ vì may mắn chứ không phải vì anh thật sự giỏi?

Tôi vẫn đang kiếm tìm và chờ đợi một người nào đó khả dĩ để có thể thay thế được Đan Trường nhưng chưa thấy. Tôi theo dõi từng cuộc thi hát, chú ý từng gương mặt mới của làng ca nhạc, mua đĩa của tất cả các ca sỹ mà (riêng chuyện này thì các ca sỹ trẻ phải cảm ơn tôi đấy) để rồi thất vọng. Người có sắc thì không thanh, người được thanh thì không có sắc. Thậm chí có người được cả thanh lẫn sắc thì không đủ tố chất trở thành một ngôi sao hàng đầu, quan trọng nhất là được khán giả thương lâu thương bền chứ không chỉ nổi vì một hai bài hot, hit.

Cũng đã từng có những ca sỹ ở đây, từng giành được những thành công nhất định nhưng một thời gian nhận thấy không đủ tư chất nên tôi cắt liền dù cho có phải chịu lỗ. Tôi là người làm ăn, không thể có chuyện thấy không ổn mà vẫn lao vô, thấy lỗ mà vẫn ráng theo. Kết quả là cho tới giờ vẫn chỉ có Đan Trường – một trong 5 ca sỹ hàng đầu Việt Nam – sản phẩm của HT.Production.

– Nhưng anh nói, Đan Trường là một trong năm ca sỹ hàng đầu Việt Nam, nhưng nhiều người vẫn chỉ xem anh ý là ca sỹ thị trường. Điều đó có làm anh không vui?

Tại sao tôi lại không vui nhỉ? Dám hỏi trong số các ca sỹ Việt Nam hiện giờ có bao nhiêu người đi khắp cùng đất nước để hát và ở nơi đâu cũng được ủng hộ? Chúng tôi đã đi qua mọi miền, không cần tính nước ngoài, từ sân khấu sang trọng, hát trước mặt các vị lãnh đạo cao cấp, các quan chức quốc tế trên sân khấu bình đân nơi chỉ có một cái bục nhỏ mà để đến được đó phải đi xuồng, lội ruộng. Đúng! Tôi thừa nhận có người vẫn được gọi là ngôi sao, được xưng là đẳng cấp này nọ nhưng đi xa xa một chút khỏi thánh địa của mình thì không ai lại biết là ai cả.

Trong khi đó, từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến Năm Căn, Cái Nước…ai cũng biết Đan Trường. Chúng tôi phục vụ nhân dân chứ không chỉ là một nhóm người nào đó. Nhân dân có hơn 80 triệu người lận. Còn cái nhóm đẳng cấp kia có mấy người? Cho nên tôi sẽ không hề buồn nếu ai nói Đan Trường chỉ là ca sỹ thị trường, ca sỹ quần chúng. Đó là con đường chúng tôi chọn – con đường hát cho mọi người, không phân biệt hèn sang. Điều quan trọng là cái tên Đan Trường là cái tên bán vé ở mọi nơi. Bao nhiêu ca sỹ được như vậy?

– Không ít ngưới tỏ ra ngại anh, sợ làm mất lòng anh bởi vì nghe đâu hễ có điều gì không hài lòng là anh đòi đi kiện, đòi xử đẹp, đòi đánh. Anh muốn tôi hỏi hay anh tự nói?

Phải đính chính ngay là tôi không có đòi mà tôi làm thiệt đó. Chắc mọi người nghe nói tôi đi kiện, nhưng sau đó không thấy tôi ra toà nên nghĩ thế, nhưng đó không phải vì tôi không đi kiện mà là chuyện đã được giải quyết xong trước khi ra toà nên tôi bỏ qua. Bên cạnh đó tôi sẵn sàng tát vô mặt những người không đàng hoàng.

– Đánh nhau ư? Anh không sợ người ta nhìn thấy?

Đánh là đánh công khai, đánh cho người ta thấy, để cho mọi người đều biết là ai đánh ai, tại sao mà đánh. Rất rõ ràng! Tôi ghét nhất kiểu trước mặt nhau thì tươi cười sau lưng thì nói xấu, tìm cách làm hại nhau. Trong giới ca sỹ, bầu show tôi nể một số người cũng vì họ thẳng tính. Như Phương Thanh chẳng hạn, yêu nói yêu, ghét nói ghét. Ngược lại tôi cũng không thích một số người với những người như thế tôi luôn tỏ thái độ dứt khoát: không nói chuyện, không chơi chung, không gặp mặt để khỏi mất thì giờ và cũng để họ biết tôi ghét họ.

– Một câu hỏi nhỏ: cuộc sống riêng của anh ra sao? Anh có thể không trả lời, nếu không muốn.

Tôi có thể chia sẻ riêng với bạn, nhưng công khai trên báo chí thì tôi không muốn gia đình của mình trở thành đề tài buôn chuyện.

– Đồng ý! Thế thì xin chúc gia đình nhỏ của anh luôn đầm ấm và tránh được miệng lưỡi thế gian.

Theo tintuconline

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *