Bên bờ hạnh phúc

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê mỗi 30 giây trôi qua, thế giới có thêm một người tiểu đường bị cắt cụt chân. Khoảng 60% người bệnh tiểu đường loét bàn chân phải cắt cụt chân do nhiễm trùng, hoại tử và tỷ lệ tử vong sau 5 năm bị cắt cụt chân là 50% – 60%. Tại Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường, trong đó hơn 55% người bệnh đã có biến chứng. Biến chứng tổn thương trên bàn chân người tiểu đường có thể nhiễm trùng, hoại tử đưa ra thách thức trong điều trị nhằm bảo vệ bàn chân lành lặn cũng như tính mạng cho người bệnh.

Kiểm soát tốt đường huyết bằng thuốc, chế độ ăn, tập luyện thể dục cùng chăm sóc bàn chân đúng cách hàng ngày giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng bệnh tiểu đường, trong đó có biến chứng bàn chân.

Chương trình tư vấn trực tuyến “Đái tháo đường: nhiễm trùng, đoạn chi và biến chứng nguy hiểm”.

20 giờ tối 09/11, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp với Báo điện tử VTV tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến “Đái tháo đường: nhiễm trùng, đoạn chi và biến chứng nguy hiểm” với sự tham gia của 3 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Nội tiết – Đái tháo đường.

  • Tiến sĩ bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Cố vấn chuyên môn khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ Hoàng còn là Tổng Thư ký Hội Đái tháo đường và Nội tiết Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Bác sĩ CKII Đinh Thị Thảo Mai, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó khoa Nội tiết, Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Mai còn là giảng viên tham gia đào tạo bác sĩ CKI Nội tiết của Bệnh viện Chợ Rẫy và giảng viên thỉnh giảng Học viện Quân Y.
  • Thạc sĩ bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ Trâm có trên 20 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu, thăm khám, điều trị các bệnh nội tiết như: tiểu đường, bệnh tuyến giáp, bệnh liên quan đến tuyến yên, tuyến thượng thận…

Chương trình được hàng chục nghìn khán giả theo dõi và gửi rất nhiều câu hỏi, thắc mắc về biến chứng bàn chân tiểu đường, cách chăm sóc bàn chân, những sai lầm trong điều trị vết loét, nhiễm trùng… Ngay trong chương trình, các bác sĩ đã tư vấn rất tận tình và đầy đủ về bệnh tiểu đường, cách nhận biết biến chứng bàn chân tiểu đường, những sai lầm trong điều trị, phương pháp điều trị hiện đại hiệu quả cao, cách chăm sóc bàn chân cho người đái tháo đường và những biện pháp phòng biến chứng.

Việt Nam nằm trong khu vực có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao

Tiến sĩ bác sĩ Lâm Văn Hoàng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác về mức độ nguy hiểm của bệnh tiểu đường.

Tiến sĩ bác sĩ Lâm Văn Hoàng, cố vấn chuyên môn khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết năm 1920 insulin ra đời, tạo cuộc cách mạng trong y học, cứu sống nhiều người bệnh tiểu đường. Do đó, ngày 14/11 (ngày sinh của người tạo ra insulin) được Tổ chức Y tế thế giới chọn làm ngày kỷ niệm về bệnh tiểu đường, có vai trò nhắc nhớ người dân nâng cao cảnh giác về mức độ nguy hiểm của bệnh.

Bác sĩ Hoàng cho biết tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường đang gia tăng nhanh trong nhiều năm vừa qua. Việt Nam nằm trong khu vực có tỷ lệ gia tăng bệnh tiểu đường cao, với hơn 5 triệu người (chiếm 7% dân số). Ước tính con số này còn gia tăng trong những năm sau, tạo gánh nặng cho xã hội và gia đình về chi phí điều trị, giảm chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt đái tháo đường ngày càng trẻ hóa do điều kiện kinh tế xã hội được nâng cao, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt làm tăng số lượng người bị béo phì gây nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, nhờ sự phát triển về y học, kỹ thuật, người bị tiểu đường do di truyền được phát hiện sớm hơn, khiến số lượng thống kê cao hơn.

 Trong lịch sử điều trị bệnh tiểu đường có rất nhiều thay đổi. Những năm trước, trong điều trị tiểu đường các bác sĩ quan tâm nhiều đến thuốc kiểm soát đường huyết cho người bệnh về ngưỡng an toàn. Trong khi hiện nay, việc điều trị được chú trọng nhiều yếu tố giúp kiểm soát đường huyết như: dinh dưỡng, thuốc, chế độ sinh hoạt, thể dục, tâm lý…

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng phác đồ của Bộ Y tế và thế giới để giúp người bệnh đạt mục tiêu điều trị tốt. Các bác sĩ sẽ đưa ra lộ trình điều trị cá thể hóa giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả, theo dõi và tầm soát biến chứng tiểu đường ngay từ ban đầu.

 Không tự ý điều trị vết loét, nhiễm trùng

Bác sĩ CKII Đinh Thị Thảo Mai chỉ ra những nguyên nhân phổ biến gây biến chứng bàn chân tiểu đường.

Bác sĩ CKII Đinh Thị Thảo Mai, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết biến chứng bàn chân tiểu đường gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Người bệnh có thể đối mặt với hoại tử mô sâu, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, cắt cụt chân, thậm chí tử vong.

 Có 3 yếu tố gây ra biến chứng bàn chân tiểu đường gồm: biến chứng mạch máu tiểu đường, biến chứng thần kinh, sai lầm trong chăm sóc vết thương. Người bệnh tiểu đường khi không kiểm soát đường huyết tốt gây ra hàng loạt tổn thương lên mạch máu lớn, mạch máu nhỏ kèm tình trạng tăng mỡ máu do tiểu đường làm xơ vữa, tổn thương các mạch máu nuôi ở chân. Ở biến chứng thần kinh, người bệnh có thể gặp các tình trạng như tê buốt, mất cảm giác do biến chứng lên thần kinh cảm giác. Tổn thương thần kinh vận động gây biến dạng bàn chân vô tình tạo ra những điểm tì đè, trong sinh hoạt đi lại thường ngày tạo ra cọ xát dễ hình thành các vết loét ở chân.

Yếu tố thứ 3 là nhiễm trùng liên quan đến các vết thương như: nứt da, xây xước, vật nhọn cứa vào da… nếu người bệnh giữ vệ sinh vết thương không sạch sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng bàn chân. Đặc biệt người bệnh tiểu đường có tình trạng giảm đề kháng khiến nhiễm trùng diễn tiến nặng, lan rộng rất nhanh. Tình trạng biến chứng bàn chân tiểu đường thường thấy nhiều ở người bị tiểu đường chưa được chẩn đoán và người bệnh tiểu đường kiểm soát đường huyết không tốt.

Bác sĩ Mai khuyến cáo người bệnh tiểu đường khi có vết thương trên da cần đến gặp bác sĩ để được điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm. Người bệnh tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà. Các trường hợp mắc sai lầm trong điều trị khi đắp lá cây, tự mua thuốc kháng sinh uống khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn, tạo khó khăn trong điều trị, tăng nguy cơ cắt cụt chân và tàn phế.

 Quan sát bàn chân hàng ngày

Thạc sĩ bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm hướng dẫn người bệnh tiểu đường cách chăm sóc bàn chân tại nhà.

Thạc sĩ bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết người bệnh tiểu đường ngoài tuân thủ điều trị, có chế độ ăn uống, tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ, kiểm soát huyết áp, mỡ máu còn phải tái khám thường xuyên. Việc trao đổi giữa bệnh nhân và bác sĩ giúp tháo gỡ những thắc mắc, sai lầm trong điều trị, đồng thời phát hiện sớm những bất thường giúp phòng ngừa biến chứng.

Người bệnh tiểu đường nên lưu ý chăm sóc bàn chân hàng ngày theo các cách sau: quan sát nhận dạng thay đổi trên bàn chân bằng cách kiểm tra bàn chân hàng ngày. Người bệnh có thể chọn một thời điểm cố định trong ngày để kiểm tra bàn chân, có thể sau khi tắm hoặc trước khi ngủ. Người bệnh quan sát kỹ có biểu hiện lạ xảy ra ở chân hay không, ví dụ: tê buốt, đau, đi đau, mất cảm giác, lạnh bàn chân… Người bệnh cũng cần chú ý những tổn thương bất thường mới như: vết xước, nốt viêm, nốt chai chân, móng chân bị quặp… để có hướng xử lý sớm.

Người bệnh tiểu đường sau khi tắm cần dùng khăn sạch lau khô chân, đặc biệt các kẽ ngón chân, vùng này dễ bị ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển gây nhiễm trùng. Sử dụng kem dưỡng ẩm da chân, thoa ở bề mặt trên và dưới, tránh thoa vào các kẽ ngón chân. Đặc biệt không nên đi chân đất, tốt nhất nên mang thêm vớ có chất liệu mềm, không có đường may, vừa vặn. Chọn giày dép cho người tiểu đường đóng vai trò quan trọng trong phòng biến chứng bàn chân. Người bệnh nên chọn giày dép có chất liệu tự nhiên, mềm, thoải mái, vừa vặn. Nên đi thử giày dép từ 1 đến 2 tiếng trước khi quyết định mang lâu dài.

Bác sĩ Trâm khuyến cáo người bệnh tiểu đường tuyệt đối không được ngâm chân vì dễ gây tổn thương da, nhiễm trùng. Khi phát hiện có vết thương, vết loét, nứt da, tê buốt, đau, lạnh chân… người bệnh cần đến gặp bác sĩ sớm nhất để được điều trị phòng biến chứng nguy hiểm.

Trong thời lượng gần 2 tiếng chương trình phát sóng trực tiếp, ngoài cung cấp những thông tin về biến chứng bàn chân tiểu đường, những sai lầm cần tránh, phương pháp điều trị tại bệnh viện, cách chăm sóc bàn chân và phòng ngừa biến chứng, các chuyên gia còn hướng dẫn người bệnh cần tuân thủ điều trị bệnh, tái khám thường xuyên để được theo dõi, chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Quý khán giả nếu bỏ lỡ chương trình có thể xem lại TẠI ĐÂY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *