Với những trường hợp mắc bệnh khớp háng, khớp gối nghiêm trọng, phẫu thuật thay khớp nhân tạo là phương pháp điều trị hiệu quả, giúp giảm đau và biến dạng chi, phục hồi chức năng vận động.

Tối ngày 07/05/2024, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã phối hợp cùng Đài truyền hình Vĩnh Long thực hiện chương trình tư vấn trực tuyến: “Giải đáp thắc mắc, lựa chọn phương pháp phù hợp: Thay khớp háng – Khớp gối nhân tạo”. Chương trình chia sẻ các thông tin y khoa hữu ích, toàn diện về những vấn đề liên quan đến thay khớp, ưu điểm của các phương pháp thay khớp trong điều trị bệnh lý.

Chương trình có sự tham gia tư vấn của các bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực thay khớp tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh như: ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, Trưởng khoa Tái tạo khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM; ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM; ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, Phó khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây

ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học (trái) và ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa trong buổi tư vấn

Chương trình đã thu hút hàng ngàn người quan tâm theo dõi và đặt câu hỏi trong suốt 120 phút diễn ra. Trong đó, một trong những câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất là: “Người cao tuổi mắc bệnh lý nền có phẫu thuật thay khớp nhân tạo được không?”. Giải đáp vấn đề này, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa cho biết đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp người cao tuổi buộc phải thay khớp như cụ ông 103 tuổi gãy cổ xương đùi do té ngã. Sau phẫu thuật, người bệnh không đau và có thể đi lại bình thường. Do đó, người cao tuổi mắc bệnh lý nền hoàn toàn có thể phẫu thuật thay khớp.

ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa tư vấn cho người bệnh trong buổi livestream

Trước khi mổ, bác sĩ chấn thương chỉnh hình sẽ phối hợp với các bác sĩ thuộc những chuyên khoa khác để làm ổn định những bệnh nền đang có như tim mạch, đường huyết, gan thận… Ngoài các bệnh nền kể trên, một trong những vấn đề gây khó khăn cho phẫu thuật thay khớp ở người cao tuổi là tình trạng loãng xương. Lúc này, xương người bệnh đặc biệt yếu, có nguy cơ cao bị gãy xương trong quá trình phẫu thuật do kích thước khớp không phù hợp hoặc bác sĩ dùng lực quá sức. Nhóm đối tượng này cũng dễ bị lỏng khớp hơn sau mổ. Vì vậy, để ngăn ngừa các biến chứng trước, trong và sau phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định điều trị loãng xương trước và sau mổ, đồng thời dùng các loại khớp đặc biệt phù hợp với tình trạng người bệnh.

ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học tham gia tư vấn trong chương trình

Một vấn đề khác cũng được nhiều người quan tâm đó là: “Khi mắc bệnh hoại tử chỏm xương đùi, có nên thay cả hai khớp háng cùng lúc hay không?”. ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học cho biết, bất kể áp dụng phương pháp phẫu thuật nào, người bệnh đều cần thời gian để phục hồi. Đối với thay khớp háng, người bệnh sẽ lành vết thương và có thể sinh hoạt bình thường sau khoảng 10 – 15 ngày. Nếu thay hai khớp cùng lúc, người bệnh rút ngắn được khoảng 50% thời gian phục hồi. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những người bệnh trẻ tuổi hoặc trụ cột gia đình, có nhu cầu vận động và làm việc sớm.

Đồng thời, khi thay hai khớp cùng lúc, người bệnh giảm được phần nào lượng thuốc gây tê, gây mê, giảm đau phải đưa vào cơ thể, có lợi cho chức năng gan thận. Ngoài ra, đối với bệnh lý hoại tử chỏm xương đùi, nếu không được điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến tình trạng chân thấp chân cao, cong vẹo cột sống, lệch khung chậu… Phẫu thuật hai khớp cùng lúc giúp người bệnh tập phục hồi chức năng dễ dàng hơn, giảm được nguy cơ té ngã.

Tuy nhiên, khi thay hai khớp háng cùng lúc, người bệnh sẽ đau và mất máu nhiều hơn. Do đó, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng người bệnh, bác sĩ sẽ đề ra phương án điều trị thích hợp.

ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền tham gia tư vấn trong chương trình

ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền cho biết với sự phát triển của y học và công nghệ ngày nay, phẫu thuật thay khớp đã trở thành thường quy với tỷ lệ thành công cao, người bệnh phục hồi nhanh chóng. Theo các thống kê, hơn 90% khớp nhân tạo sau khi được đưa vào cơ thể người bệnh có tuổi thọ hơn 20 năm. Do đó, khi có chỉ định thay khớp, người bệnh nên chấp nhận điều trị, không nên kéo dài vì có thể làm phát sinh các biến chứng đáng tiếc như giảm khả năng vận động, thậm chí là tàn phế.

Phi Hồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *