Bên bờ hạnh phúc

Đối mặt với những vất vả áo cơm cùng bao tai ương bệnh tật, nhưng những bà con ở 3 tỉnh An Giang, Hậu Giang và Vĩnh Long vẫn luôn toát lên vẻ đẹp chân chất của người lao động cùng ý chí kiên cường vươn lên khó khăn để hướng về cuộc sống mới, đặc biệt hơn khi trụ cột lại là những người vợ, người mẹ tần tảo thân cò thay chồng gánh vác chuyện mưu sinh.

Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 299: Tỉnh An Giang, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Vĩnh Long

Gia đình chị Bùi Thị Kim Thanh, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang

Gia đình chị Bùi Thị Kim Thanh ngụ xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Từ ngày chồng chị – anh Nguyễn Ngọc Trường – mắc bệnh tràn dịch màng phổi, sức khỏe yếu không thể tiếp tục đi làm thợ mộc. Mọi nguồn sống của gia đình chỉ biết trông chờ vào công việc bán hột vịt dạo của chị Thanh để lo cho hai đứa con trai được tiếp tục đến trường.

Thương chồng, thương 2 con, vì thế người mẹ này ước mơ một công việc ổn định hơn từ kinh nghiệm buôn bán nhiều năm của mình.

Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Quí xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang

Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Quí ngụ xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Hôn nhân không hạnh phúc, chị Quí đơn thân nuôi con bằng nghề kết hạt cườm, bởi hai chân teo yếu, không thể đi nhiều do bị sốt bại liệt từ nhỏ.

Cuộc sống vô cùng vất vả khó khăn, chị Quí vừa lo chi phí ăn uống vừa chăm sóc con nhỏ và phụng dưỡng người cha già. Đặt hết hi vọng vào những sản phẩm móc khóa do chính tay mình làm ra, chị Quí luôn mong mỏi về một tương lai mới đủ đầy để chị có thể vừa chăm sóc cha già vừa nuôi con khôn lớn.

Lo cho tương lai của gia đình nên chị Quí chưa bao giờ thôi trăn trở về một công việc làm ăn ổn định.

Gia đình bà Võ Thị Tám, ấp Tân Hiệp, xã Tân Long, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long

Chuyến xe nhân ái tìm đến là bà Võ Thị Tám, ngụ xã Tân Long, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Bà Tám trở thành trụ cột của gia đình 3 thành viên sau khi chồng chị  – ông Lê Văn Danh mắc bệnh tim hiểm nghèo và đứa con trai bị tâm thần, thường bỏ nhà đi lang thang, gia đình chưa có tiền đưa đi khám chữa.

Bà Tám một mình lèo lái con thuyền gia đình bằng công việc róc lá dừa rồi đem đi bán. Tuy nhiên, thu nhập từ công việc này thì chẳng là bao, thêm việc bà phải mướn xe chuyên chở lá dừa giao cho người ta nên đồng lời càng ít lại. Vậy nên, gói ghém lắm bà Tám mới đủ để trang trải cuộc sống, như mua gạo ăn còn chi phí thuốc men cho chồng con thì phải vay mượn bên ngoài.

Gia đình bà Trần Thị Lệ, ấp Tân Quới, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang

Gia đình bà Trần Thị Lệ và ông Lưu Văn Tám, ngụ xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Không có đất canh tác, ông Tám chọn sông nước làm cách mưu sinh, vì vợ ông – bà Lệ phải túc trực ở nhà chăm sóc cho đứa con mắc bệnh động kinh hơn 20 năm nay.

Bài toán áo cơm cho đôi vợ chồng già, chuyện thang thuốc cho con không dễ dàng gì khi mỗi ngày giăng lưới, ông Tám chỉ kiếm được hơn 50 ngàn đồng bên chiếc xuồng đã cũ mục.

Bảo Trân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *