Heine được sinh ra trong một gia đình Do Thái đã có sự biến đổi về văn hoá ở Düsseldorf – Đức. Bố của ông là một thương gia. Khi việc kinh doanh của ông bị thất bại, Heine được gửi tới Hamburg. Ở nơi đó, ông chú giàu có Salomon đang làm chủ ngân hàng đã khuyến khích ông tham gia công việc kinh doanh. Sau khi Heine thất bại trong lĩnh vực này, ông quay sang nghiên cứu về luật tại các trường Đại học Göttingen, Đại học Bonn và Đại học Humboldt, nhưng ông đã nhận ra rằng, mình thích văn học hơn luật, mặc dù ông đã nhận được bằng tốt nghiệp vào năm 1825. Cùng thời gian đó, ông đã quyết định chuyển từ đạo Do Thái sang đạo Tin Lành. Việc này cần thiết do sự đối xử khắt khe đối với những người Do Thái tại nhiều vùng nước Đức. Trong nhiều trường hợp, họ còn bị cấm làm việc ở một số vị trí, trong đó có việc giảng tại trường đại học vốn là tham vọng đặc biệt của Heine. Trong cuộc đối thoại với người khác, Heine tự biện minh rằng việc chuyển đổi đó là "cái vé cho việc được tham gia văn hoá châu Âu" – mặc dù nó chẳng chứng minh được gì – thì nhiều người khác, ví dụ như Giacomo Meyerbeer – người anh em họ và là một nhà soạn nhạc hảo tâm – cho rằng để đạt được điều đó không cần phải làm vậy. Phần lớn cuộc đời mình, Heine phải đấu tranh với những nhân tố không tương thích giữa con người Do Thái và Đức của ông.
Heinrich Heine – tranh vẽ của Moritz Daniel Oppenheim
Heine được biết đến với những bài thơ. Phần lớn trong số đó (đặc biệt là những tác phẩm thời kỳ đầu của ông) đã được chuyển thành lời các bài hát, phần lớn được thực hiện bởi Robert Schumann. Những tác giả khác cũng đã dùng thơ của ông, bao gồm Richard Wagner, Franz Schubert, Felix Mendelssohn, Fanny Mendelssohn, Hugo Woblf và Johannes Brahms. Vào thế kỷ XX thì là Hans Werner Henze và Lord Berners.
Bài thơ đầu tay của Heine là Gedichte ("Những bài thơ"), sáng tác vào năm 1821. Mối tình cuồng si đơn phương của Heine với người em họ Amalie và Therese sau này đã truyền cảm hứng cho ông viết nên những vần thơ hay nhất – Buch der Lieder ("Quyển sách những lời hát", 1827). Đây là tuyển tập đầu tiên có in đầy đủ các bài thơ của ông.
Heine rời Đức và đến Paris – Pháp vào 1831. Ở đó, ông đã liên kết với nhóm chủ nghĩa xã hội không tưởng, bao gồm những người của Count Saint-Simon. Họ tuyên truyền về một thiên đường theo chủ nghĩa quân bình không giai cấp dựa trên những người có tài thực sự.
Ông ở lại Paris đến cuối đời, ngoại trừ một lần quay lại Đức vào năm 1843. Những tác phẩm của ông và nhiều người khác bị coi là có liên đới với cuộc cách mạng Young Germany vào năm 1835 đã bị cấm tại Đức.
Tuy nhiên, Heine vẫn tiếp tục viết về chính trị và xã hội của Đức. Heine viết Deutschland – Ein Wintermärchen (Nước Đức – Chuyện cổ tích mùa đông), một bản miêu tả chuyến tới Đức của ông năm trước và tình hình chính trị ở đó. Vào năm 1844, người bạn của ông – Karl Marx – đã cho đăng bài này trong tờ báo Vorwärts ("Tiên tiến")của ông. Heine cũng chỉ trích về chính trị không tưởng ở Đức trong bài Atta Troll : Ein Sommernachtstraum (Atta Troll : Một giấc mơ đêm hè) vào năm 1847.
Heine đã phải chịu đau ốm nằm giường trong tám năm cuối cuộc đời mình (vài người đoán rằng ông đã bị bệnh đa xơ cứng hoặc giang mai). Ông mất ở Paris và muốn được chôn cất ở nghĩa địa Montmartre.
Tượng Heirich Heine ở nghĩa trang Montmartre – Paris
Trong số những quyển sách đã bị đốt cháy ở Quảng trường Opern – Berlin vào năm 1933, sau khi Đức Quốc xã lùng sục Viện Tình dục học (Institut für Sexualwissenschaft), có những quyển sách của Heine. Như một điềm báo, một trong những dòng thơ nổi tiếng "Khi họ đốt sách thì chính là họ cũng đang đốt cả loài người" (Almansor – 1821) ám chỉ việc đốt kinh Koran của Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha (Spanish Inquisition) bây giờ đã được khắc sâu trên đất nơi đó.
Với gần 10.000 nhạc phẩm thuộc đủ mọi thể loại, Heinrich Heine còn là một nhà thơ duy nhất của mọi thời đại và mọi nước có thơ được phổ nhạc nhiều nhất trên hành tinh này.
Theo Wikipedia
Gửi mẹ
– Heinrich Heine –
Con thường sống ngẩng cao đầu, mẹ ạ!
Tính tình con hơi ngang bướng kiêu kỳ
Nếu có vị chúa nào nhìn con vào mắt
Con sẽ chẳng cúi mặt trước uy nghi.
Nhưng mẹ ơi, con xin thú thật
Trái tim con dù kiêu hãnh thế nào
Đứng trước mẹ dịu dàng
Con thấy mình nhỏ bé làm sao!
Có phải tâm hồn mẹ diệu kỳ soi thấu
Như bay lên vầng ánh sáng cao siêu
Hay bao nỗi buồn xưa nung nấu
Trái tim hiền mẹ đùm bọc đứa con yêu.
Trong cơn mê, con từ mẹ ra đi
Con muốn đi đến tận cùng trời đất
Để tìm kiếm một tình yêu đẹp nhất
Với đôi tay, con sẽ ôm ghì.
Con tìm tình yêu khắp nơi, khắp nẻo
Con gõ vào cánh cửa mỏi rời tay
Con đã van xin như một kẻ ăn mày
Nhưng chỉ nhận những cái nhìn lạnh lẽo.
Tìm không thấy tình yêu
Con trở về với mẹ
Tâm trí chán chê, thân thể rã rời
Con bỗng thấy một tình yêu chân thật
Trong đôi mắt dịu hiền của mẹ, mẹ ơi!