Bên bờ hạnh phúc

Chiến tranh đã lùi xa 25 năm, nhưng ký ức về đồng đội không bao giờ phai mờ trong tâm trí thế hệ cầm súng. Đề tài chiến tranh, đề tài về anh bộ đội Cụ Hồ chưa khi nào cạn. Đối với giới văn nghệ sĩ thì đó còn như một món nợ phải trả cho người đã khuất. Dưới đây là trò chuyện giữa PV VNQĐ với nhạc sĩ Thuận Yến, người từng có nhiều ca khúc thành công về người lính, đặc biệt là những người lính đã hi sinh vì Tổ quốc như Màu hoa đỏ.

PV : Thưa bác! Đông đảo thính giả và bạn đọc không biết được Thuận Yến là tên thật hay là bút danh. Tiện thể, xin bác cho biết quãng đời trước khi bác trở thành nhạc sĩ?

– NS Thuận Yến : Thực ra lúc đầu, bút danh của tôi không phải là Thuận Yến, mà là Thuận Yên (ghép giữa quê nội Đông Yên và quê ngoại Phú Thuận). Nhưng do tên thật là Công (Đoàn Hữu Công), nên anh em bạn bè đổi thành Thuận Yến, đều là loài chim.

Tôi sinh ra ở làng quê ven bờ sông Thu Bồn có tục hát giao duyên từ rất sớm. Cứ khi nào hội hè hoặc có đám hát là tôi lại ra sân đình xem các anh chị hát đối nhau. Ở nhà thì được nghe những làn điệu nhạc cung đình qua tiếng đàn bầu của cha. Và âm nhạc đã cùng tôi lớn dần theo năm tháng. Đến khoảng năm 49 – 50, tôi xin vào làm liên lạc cho Chi hội Văn nghệ Liên khu V. Thực ra lúc đó, tôi còn rất trẻ, mới có 14, 15 tuổi, chưa biết làm cách mạng là làm cái gì, làm anh bộ đội Cụ Hồ là làm như thế nào, mà chỉ biết rằng mình đã có việc làm. Công việc của tôi rất đơn giản, chỉ chép lại những bản thảo sáng tác của các anh Tế Hanh, Nguyễn Văn Bồng, Phan Huỳnh Điểu… Rồi trong một lần dọn dẹp văn phòng, tôi tình cờ tìm thấy cuốn ký âm của Pháp. Một mình, tôi tự mày mò, tự nghiên cứu. Qua cuốn sách này, tôi đã bập bẹ những nốt nhạc đồ, mi, fa… lần đầu tiên.

Khi hòa bình lập lại, nhận thấy tôi có năng khiếu về âm nhạc, các anh đã xin chuyển tôi ra ngoài Hà Nội học lớp Violon do thầy Doãn Nho phụ trách. Trong thời gian này, tôi còn tranh thủ sang học “mót” lớp sáng tác cùng anh Hà Sâm. Đến năm 61, tôi chính thức sang Nhạc viện Hà Nội học Trung cấp Sáng tác chính qui 4 năm. Lúc này, cuộc kháng chiến đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, tôi đã sáng tác ngay những bài : Sẵn sàng chiến đấu, Ba-lô ta buộc chặt, Vành lá ngụy trang… để động viên thanh niên lên đường. Những ca khúc đầu tiên, tôi vẫn lấy tên là Đoàn Hữu Công. Sau này, khi tham gia hội sáng tác của anh Lê Hữu Phước thì tôi mới có tên Thuận Yến.

PV : Xin nhạc sĩ nói rõ đôi điều về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Màu hoa đỏ?

– NS Thuận Yến : Thật là hữu duyên. Những ý tưởng đầu tiên của ca khúc này được nảy lên từ chính ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế. Thỉnh thoảng, tôi vẫn thường sang bên Tạp chí VNQĐ để “ôn cố tri tân” với anh bạn – nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Hôm đó, hai anh em ngồi ôn lại những kỷ niệm khi còn ở chiến trường, nhớ về những anh em đồng đội kẻ nay còn, người đã mất. Chỉ tiếc rằng, nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt những đồng đội chính tay mình chôn cất. Tôi bàn với anh Mậu là tìm tứ thơ, tôi đảm nhiệm phần phổ nhạc như để trả nợ về tinh thần. Đặc biệt lúc đó vào năm 1991, tình hình thế giới đang có nhiều biến động, hai chúng tôi đều mong bài hát sớm ra đời sẽ góp phần củng cố niềm tin trong quần chúng.

Hoa chuối rừng

Bài thơ của anh Mậu lúc đầu có tên Thời hoa đỏ. Sau khi phổ nhạc, tôi bàn với anh đổi tên thành Màu hoa đỏ. Bởi vào năm tháng đó, suốt dọc đường hành quân chỉ gặp màu rực đỏ của hoa chuối rừng. Nó gợi lên không khí hào hùng, không khí chgiến thắng, tác động không ít đến anh em chiến sĩ. Cùng thời gian đó, tôi dẫn Thanh Lam đến phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam để thu thanh ca khúc này. Phải nói rằng mới có 21 tuổi, nhưng Lam đã thể hiện ca khúc rất thành công. Lúc Lam hát, tôi đã ngồi lặng đi, cảm thấy dường như tôi đã gặp lại các đồng đội cũ. Đừng hỏi tôi ai thể hiện thành công ca khúc này nhất. Ai cũng thành công khi mang trong mình niềm đam mê. Ca khúc Màu hoa đỏ đã đoạt giải năm 1994 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

PV : Bác nghĩ sao về thị yếu âm nhạc của lớp thanh niên ngày nay? Có phải họ ít quan tâm đến các ca khúc về truyền thống nói chung và người lính nói riêng?

– NS Thuận Yến : Đừng trách lớp trẻ. Mỗi giai đoạn khác nhau tác động đến tâm lý tiếp nhận khác nhau. Thời của chúng tôi kém xa các em về tri thức khoa học hiện đại. Chúng tôi chỉ hơn ở vốn sống trải nghiệm qua chiến trường, ở lòng nhiệt huyết cách mạng. Nhưng tôi vững tin rằng, bằng tri thức, bằng hiểu biết của chính mình, các em sẽ sớm nhận ra được đâu là âm nhạc chân chính.

PV : Xin cảm ơn nhạc sĩ. Chúc nhạc sĩ luôn mạnh khỏe và thực hiện được những dự định của mình.

N.B.T thực hiện

Theo VNQĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *