Bên bờ hạnh phúc

Chỉ còn ít tháng nữa là tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Hoài Thanh, tác giả bộ hợp tuyển "Thi nhân Việt Nam" nổi tiếng. Nhân dịp này, nhà văn Từ Sơn – trưởng nam của ông đã gửi tới chúng tôi bài viết kể lại những bước đầu tiên đến với văn học của thân phụ mình. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Năm 1930, Hoài Thanh đang học ở Trường Bưởi (Trường Trung học phổ thông Chu Văn An hiện nay) thì bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam ở Sở mật thám Hà Nội (nay là trụ sở Công an thành phố Hà Nội) rồi bị giải về Vinh, giam ở nhà lao Vinh. Sau đó chúng kết án Hoài Thanh sáu tháng tù treo và cho phép ông trở lại trường học…

Trở lại trường chưa được bao lâu, Hoài Thanh lại bị đuổi học vì mật thám Pháp khám ngăn tủ của ông thấy vẫn có sách chính trị chống đối chúng.

Bị đuổi học, Hoài Thanh ra ở trọ tại một quán cơm số nhà 32 Hàng Đồng. Tại đây, ông gặp Lưu Trọng Lư và một vài học sinh vừa bãi khóa ở Quốc học Huế ra đang kiếm chỗ học tư. Hoài Thanh dạy các anh em đó để có tiền tự học đi thi tú tài Tây (vì đã bị đuổi học thì không được thi tú tài bản xứ).

Đỗ tú tài phần thứ nhất, nhờ sự giới thiệu của một cây bút nổi tiếng – nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố – Hoài Thanh được nhận vào làm việc ở tòa soạn báo Phổ thông. Ngô Tất Tố rất quý Hoài Thanh. Trong cuốn "Phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim", Ngô Tất Tố có lời đề tặng ở đầu sách: "Tặng Hoài Thanh – Nguyễn Đức Nguyên, một người trong sạch, có nghị lực trong lớp thanh niên ngày nay". Có thể nói, Ngô Tất Tố là người thầy quan trọng đầu tiên dắt dẫn Hoài Thanh đi vào con đường văn chương, báo chí chân chính.

Những bài viết của Hoài Thanh và đồng sự trên tờ Phổ thông ít nhiều đều có tính chất đả kích chính quyền thực dân hồi bấy giờ nên thường bị kiểm duyệt bỏ. Hoài Thanh và đồng sự bàn với chủ báo là Đặng Nguyên Quang ra thêm tờ Le Peuple (Nhân dân) mỗi tuần hai kỳ. Lúc bấy giờ, báo tiếng Pháp không bị kiểm duyệt. Hoài Thanh và đồng sự tha hồ đả kích kẻ cầm quyền. Đây là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Pháp của người Việt ở miền Bắc. Báo bán rất chạy.

Le Peuple ra được ba số. Số 4 đang in thì có lệnh trục xuất Hoài Thanh và Nguyễn Đức Bính (anh em con chú con bác với Hoài Thanh cùng làm ở tòa soạn). Hai người bị bắt, giam ở Sở mật thám rồi bị giải về Vinh, đưa về quê nhà (xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc ngày nay), giao cho lý trưởng quản thúc. Lúc bấy giờ là cuối năm 1930.

Hoài Thanh từng kể lại ("Di bút và di cảo" – NXB Văn học, 1993): "Lúc bấy giờ đang cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tôi ngơ ngác không hiểu  gì hết. Tôi chỉ biết một điều: với cái án tù treo và cái án trục xuất, tôi rất có thể lại bị bắt và rất có thể bị giết. Lúc bấy giờ các đồn lính lê dương đóng dày đặc ở quê tôi, hàng ngày chúng vẫn giết người không cần lý lẽ gì hết. Lại thêm nạn đói đang hoành hành. Tôi lên Vinh kiếm việc làm".

Cuộc đời Hoài Thanh từ đấy rồi sẽ ra sao nếu không có cái buổi sáng đi nhận việc làm cho một tên chủ lò gạch người Tây hồi bấy giờ?

Sáng hôm ấy, đúng hẹn, Hoài Thanh đi trên chiếc xe đạp còng cọc của mình từ quê nhà lên thành phố Vinh để gặp chủ lò gạch nhận việc. Đi chưa được nửa đường (làng quê Hoài Thanh cách Vinh 11 cây số) thì xe bị xì lốp. Hoài Thanh đến muộn. Viên chủ Tây cho Hoài Thanh một cái tát rõ đau và mắng: "Buổi đầu nhận việc mà mày đến chậm, mày còn vác mặt đến gặp tao làm gì?". Hoài Thanh bị đuổi thẳng cổ và không được nói một lời thanh minh cho lý do đến trễ.

Hoài Thanh lại bơ vơ đi tìm việc. Tên Chánh mật thám Vinh Billet gọi ông đến gạ làm tay sai cho nó. Ông một hai không nhận.

Một hôm đang lang thang trên đường phố Vinh, ông gặp ông Tôn Quang Phiệt đang dọn đồ ra khỏi nhà một ông chủ người Hoa vì không muốn làm gia sư ở đấy nữa. Ông Phiệt than phiền với Hoài Thanh rằng người chủ này đối xử tàn tệ, coi ông như người ở. Đang bí tìm việc làm, Hoài Thanh đành cắn răng thế chỗ ông Tôn Quang Phiệt.

Ông chủ người Hoa này là chủ khách sạn Cộng Hòa ở Vinh. Hoài Thanh làm gia sư ở đây không lâu. Một sự tình cờ, ông Bùi Huy Tín, chủ nhà in Đắc Lập ở Huế có việc ghé qua, biết Hoài Thanh có bằng tú tài Tây bèn thương lượng xin cho Hoài Thanh vào Huế làm thợ chữa mo-rát cho nhà in… Lúc ấy là năm 1931.

Như vậy là, nhân một sự tình cờ mà Hoài Thanh được ông Bùi Huy Tín, chủ nhà in Đắc Lập (từ 1935 ông Tín cũng là chủ nhiệm của hai tờ báo: Tràng An và La Gazette de Hué) đưa vào Huế để làm thợ chữa mo-rát. Sự tình cờ này đã tạo điều kiện cho Hoài Thanh dần trở thành một cây bút viết báo và viết văn xuất sắc.

Tất nhiên không phải ai làm nghề chữa mo-rát rồi cũng trở thành nhà báo, nhà văn. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào khí chất và bản lĩnh của từng người. Ở đời, gặp một hoàn cảnh ngẫu nhiên, một sự tình cờ nào đó có thể làm cho cuộc đời một con người chuyển hướng ngược lại với điều ước muốn của mình. Đó là điều ta thường thấy ở khá nhiều người. Nhưng không phải không có người gặp một sự tình cờ nào đó đã giúp cho mình vượt lên chính mình hoặc phát huy được khả năng của mình.

Hoài Thanh thuộc vào trường hợp sau. Dù sao, nói cho hết lẽ, nếu sáng hôm ấy ở Vinh, Hoài Thanh không đến muộn, không bị viên chủ Tây tát và đuổi thẳng cổ thì liệu có một Hoài Thanh của "Thi nhân Việt Nam" không? Hay là… ai mà đoán được?

Vậy là, từ năm 1931, hàng ngày chàng thanh niên Nguyễn Đức Nguyên (tên thật của Hoài Thanh) từ ngôi nhà trọ lợp tranh ở gần miếu Âm Hồn trong thành nội, lê chân trên đôi guốc mộc đi bộ đến nhà in Đắc Lập nằm trên đường Paulbert (nay hình như là đường Trần Hưng Đạo) gần một đầu cầu Tràng Tiền để cắm cúi chữa những bản in bằng chữ quốc ngữ hoặc chữ Pháp. Rời bỏ quê nhà, đi làm thợ nhà in vì "bởi ở nhà quê mà không có tư bản thì một mình không sao nuôi sống tám chín người" (như Hoài Thanh tâm sự trong "Di bút và di cảo"). Công việc làm thuê để kiếm sống này kéo dài đến năm 1936.

Nếu là người an phận, như vậy cũng là tạm ổn. Nhưng với Hoài Thanh, mục tiêu sống của ông từ thiếu thời cho đến ngày từ giã cõi trần luôn luôn sống vì một niềm khát vọng lớn: vươn tới Chân -Thiện – Mỹ. Các bài viết thời thanh niên, Hoài Thanh thường nói tới mơ ước được trở thành "con người hoàn toàn" chính là do sự thôi thúc này.

"Con người hoàn toàn", theo quan niệm thời thanh niên của Hoài Thanh, không phải là muốn thần thánh hóa con người mà chính là sự tự hoàn thiện trong hoàn cảnh sống của từng người: "Có người phải vào sinh ra tử mới hoàn toàn, có người dùng lời nói, dùng ngòi bút, có người chỉ chăm sóc việc nhà, luyện tập nữ công cũng hoàn toàn. Cứ trung bình mà nói, bất kỳ người nào, nếu thực muốn sửa mình, thực có nghị lực thực hành ý muốn đó, đều có thể trở nên người hoàn toàn cả, hoàn toàn trong phạm vi hoàn cảnh, thời đại, giáo dục, nhất là bẩm tính tự nhiên của mình. Nghĩa là không thể buộc ai cũng phải theo chung một lý tưởng về hoàn toàn (un même idéal de perfection). Lý tưởng ấy phải mỗi người mỗi khác. Mà có khác mới hay. Bằng ai cũng như ai, muôn nghìn người sẽ như một đội binh lớn, cuộc đời còn lý thú gì?"(sách đã dẫn).

Từ bảy mươi tư năm trước, chàng thanh niên Hoài Thanh đã vượt lên trên hoàn cảnh của một người thợ chữa mo-rát bình thường tìm cách "dùng ngòi bút" để tự hoàn thiện mình với hy vọng trở thành một "con người hoàn toàn" theo quan niệm của mình, bằng tất cả "nghị lực thực hành ý muốn đó". Điều này thể hiện rất rõ trong các bài viết của Hoài Thanh đăng trên báo Tràng An hồi 1935, 1936.

Hãy nghe Hoài Thanh tâm sự: "Tôi là một anh học trò và một anh nhà quê. Lai lịch tôi cũng là lai lịch một anh học trò và một anh nhà quê". Có lẽ vì thế, Hoài Thanh hay dùng bút danh Nhà Quê (trên báo Tràng An) và Le Nhà Quê (trên báo La Gazette de Hué). Dùng các bút danh ấy không phải là để "làm dáng độc đáo" mà thực sự bắt nguồn từ trong tâm của ngòi bút Hoài Thanh thời trẻ: hướng lòng mình về chốn hương thôn đang còn chịu bao nhiêu điều vất vả, khổ đau. Nhiều bài viết của Hoài Thanh trên Tràng An hồi 1935, 1936 đã thể hiện rất rõ tình cảm này.

Đọc các bài viết của Hoài Thanh hồi ông mới ở tuổi hai mươi lăm, hai mươi sáu, tôi cứ ngạc nhiên hoài sao cái cậu "học trò nhà quê" tự kiếm sống để vừa nuôi gia đình, vừa đi học lại có sự hiểu biết nhiều đến thế: từ ngoại ngữ, toán học, khoa học cơ bản đến lịch sử, văn học cổ kim, đông tây đến triết học, văn hóa học v.v… cho đến cả những vấn đề thời sự chính trị, kinh tế, luật pháp… Chắc chắn là có không ít kiến thức Hoài Thanh thu nhận từ nhà trường thời bấy giờ (Hoài Thanh chỉ được học liên tục ở nhà trường từ tiểu học cho đến thi xong "đip-lôm"- tương dương tốt nghiệp trung học phổ thông bây giờ. Từ cấp tương đương trung học phổ thông hiện nay, Hoài Thanh tự học là chính, vì tham gia hoạt động chống đối chính quyền thực dân như đoạn đầu bài này đã nhắc tới). Điều chắc chắn nữa là Hoài Thanh đã học rất nhiều ở "trường đời" để trang bị cho mình một "cái phông văn hóa" khá vững chắc.

Theo CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *