Bên bờ hạnh phúc

Huỳnh Kim Phụng tức Huỳnh Thị Kiên, sinh năm 1926 tại ấp Thanh Bình – xã Quới Thiện – Vũng Liêm – Vĩnh Long. Bà là con thứ 8 trong gia đình nên còn có tên gọi Tám Phụng.

Mồ côi cha mẹ sớm, anh em đùm bọc lẫn nhau bằng nghề dệt chiếu kiếm sống qua ngày. Do nghèo khổ, Tám Phụng không được cắp sách đến trường. Tính tình hiền lành, thương người, Phụng được nhiều cô bác thương mến giúp đỡ.

Năm 1940, bà đã được chứng kiến cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thắng lợi ở Vũng Liêm do nữ Bí thư Nguyễn Thị Hồng lãnh đạo. Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, giặc Pháp tàn sát dã man các chiến sĩ cộng sản. Từ đó, bà căm thù và nuôi hoài bão phải đi làm cách mạng.

Đầu năm 1945, phong trào luyện tập võ nghệ phát triển mạnh. Huỳnh Kim Phụng cùng 12 cô gái trong làng cắt tóc ngắn, xin vào lực lượng dân quân. Lúc ấy, bà mới 19 tuổi.

Cách mạng tháng Tám nổ ra, bà cùng nhân dân trong xã tham gia diệt bọn tề xã ở địa phương, nổi dậy cướp chính quyền. Khi thực dân Pháp trở lại xâm chiếm, bà gia nhập lực lượng du kích rồi được điều về Chi đội 20, Tiểu đội dân quân thuộc Phòng Dân quân Tỉnh đội Vĩnh Long. Nhiệm vụ chủ yếu chị được giao là giao liên, vận chuyển lương thực và rải truyền đơn trong lòng địch. Lúc giặc bố ráp liên miên, bà ngụy trang trên lúa dưới cơm để nuôi cán bộ hoặc đi xuồng hàng mấy cây số, khéo léo cất truyền đơn vượt qua các trạm gác một cách an toàn.

Năm 1947, bà về bộ phận trinh sát, đơn vị 308, sau chuyển về Đội Công an võ trang Vĩnh Long. Những tên  ác gian khét tiếng như Hương quản Lục, địa chủ Can, bọn gián điệp bị bà trừng trị thích đáng.

Năm 1948, bà được kết nạp vào Đảng và được rút về Văn phòng của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Vĩnh Long.

Năm 1952, bà được Đảng phân công phụ trách xây dựng cơ sở ở ba xã cù lao Đồng Phú, Bình Hòa Phước, An Bình. Trong một thời gian ngắn, bà đã tổ chức nhiều cơ sở cách mạng trong nhân dân và trong lòng địch. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ sắp nổ ra, chị đã lãnh đạo quần chúng, kịp thời quan hệ với các cơ sở cảm tình ở đồn Cầu Bắc (Bình Hòa Phước) đánh và lấy đồn, thu nhiều vũ khí đạn dược.

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành được thắng lợi, hiệp định Giơnevơ được ký kết. Huỳnh Kim Phụng được tổ chức bố trí ở lại địa phương hoạt động và được tỉnh rút về tăng cường cho thị xã Vĩnh Long. Để che mắt địch, chị đổi tên là Huỳnh Thị Kiên – tên người em gái đã mất.

Vốn xuất thân từ thành phần lao động nên bà dễ dàng xâm nhập vào các giới cần lao trong thị xã. Lúc bán vải, lúc bán rong gánh hàng ăn… bà đã làm quen, tìm hiểu và vận động chị em buôn bán, những người làm thuê, làm thợ… Từng bước, bà vạch trần bộ mặt tay sai, gian ác của chính quyền ngụy. Chẳng bao lâu, bà được giới lao động thị xã yêu mến và đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng. Bà đã vận động nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực, đồng thời mở rộng quan hệ với bọn lính để tạo điều kiện đi lại hoạt động.

Năm 1957, địch phát hiện, bắt bà giam ở Vĩnh Long. Dụ dỗ, mua chuộc không được, chúng chuyển bà lên nhà tù Sa Đéc, rồi nhà tù Phú Lợi. Tại đây, bà bị tra khảo bằng nhiều hình thức rất dã man, chết đi sống lại nhiều lần nhưng vẫn không hé răng nửa lời. Do không khai thác được gì nên chúng đành phải nhốt bà vào ngục.

Trong tù, bà luôn luôn thể hiện tinh thần đấu tranh và khí tiết người chiến sĩ cách mạng. Bà tìm cách liên hệ được với Chi bộ trong nhà tù, phổ biến một số chủ trương của Đảng bên ngoài, cùng phát động đấu tranh đòi dân sinh dân chủ trong nhà tù. Ngày 1/12/1958, bọn cai ngục tù Phú Lợi đã bỏ thuốc độc vào thức ăn làm cho nhiều người bị trúng độc. Trong khi đó, bọn cai ngục để mặc không cấp cứu, mà còn vu cáo là cuộc nổi loạn của tù nhân và ra lệnh đàn áp thẳng tay. Trước tình hình đó, Tám Phụng phát động anh em trong tù tự cứu chữa cho nhau, người mạnh cứu người sắp chết, mặt khác tìm cách báo tin ra bên ngoài cho Đảng và quần chúng biết. Đang lúc Ban Chỉ đạo nhà tù chưa biết tìm kế gì báo tin ra ngoài thì bà đã nảy ra cách dùng giấy quấn thành ống loa, thọc ra một lỗ trống ở vách, phát tin ra ngoài. Tiếng loa của Tám Phụng phát ra, đồng bào kéo đến tập trung đông nghẹt trước cổng tù Phú Lợi hô khẩu hiệu “Phải cứu tù nhân”, “Đả đảo Mỹ – Diệm giết tù nhân”. Trước tình hình căng thẳng, bên trong tù nhân nổi dậy, bên ngoài đồng bào biểu tình, bọn chúng đành nhượng bộ. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi.

Sau cuộc đấu tranh, địch đem bà giam riêng ở khám Hàng Keo – tỉnh Gia Định cùng với những anh em khác mà chúng cho là cầm đầu cuộc đấu tranh. Nhiều lần khảo tra với đủ kiểu nhục hình không kết quả, bọn chúng lại trả bà về nhà tù Phú Lợi.

Năm 1961, ra tù, bà hoạt động trở lại và được đề bạt làm Chi ủy viên xã Đồng Phú. Năm 1962, làm Bí thư Chi bộ xã Đồng Phú, phụ trách cả ba xã cù lao. Trở về địa bàn mà trước đây đã từng hoạt động là điều rất thuận tiện, song tình hình ba xã cù lao lúc này là vùng kềm, bị địch kiểm soát gắt gao, ấp chiến lược dày đặc, bọn biệt kích, bình định ngày đêm lùng soát không ngớt. Bà không nản chí, vẫn bám sát quần chúng, bám sát chiến trường, ngày ngồi hầm, tối đi hoạt động. Bà cùng du kích băng đồng vượt sông, vào ấp chiến lược phát động quần chúng nổi dậy phá kềm làm cho bọn giặc nhiều phen khiếp sợ. Bọn chúng đặt cho bà biệt danh “Tám cạc-bin”.

Năm 1966, bà được đề bạt Huyện ủy viên. Để theo dõi sát hoạt động của địch, bà tổ chức cơ sở mật ở các ấp và mỗi xã một đội du kích nữ.

Sau Mậu Thân 1968, bà được bổ sung về Thị xã ủy Vĩnh Long. Để chống càn và hỗ trợ cho nhau, bà thành lập Địa phương quân liên xã gồm 63 đồng chí, tức là Đại đội địa phương quân 209 và xây dựng cơ sở trong quần chúng khá mạnh.

Năm 1970, địch đánh phá ác liệt, chiếm lại nhiều nơi, một số cơ sở phải dời đi. Trong một chuyến chuyển vũ khí, bà bị địch bắn trọng thương ở chân phải về nằm điều trị ở vùng căn cứ Vũng Liêm. Nóng lòng vì phong trào sa sút, dù vết thương chưa lành, bà vẫn nằng nặc xin trở về địa bàn cũ hoạt động. Thời gian này, ba xã cù lao lại bị địch càn quét liên miên, hoạt động của ta gặp nhiều khó khăn. Ngày 23/8/1970, bọn gián điệp phát hiện ra bà. Chúng tập trung lực lượng công an, cảnh sát bảo an, dân vệ bao vây khắp nơi, dùng chĩa xom hầm ở từng mảnh vườn. Hầm bí mật bà trú bị khám phá. Bình tĩnh, bà và đồng chí Trương Văn Sáu (nay là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long) bàn kế hoạch đánh địch để thoát thân. Lựu đạn rút chốt, súng cầm tay, nắp hầm được bật lên. Bọn giặc bất thần chạy đến định bắt sống bà. Bé Sáu cho lựu đạn nổ, bọn giặc hoang mang náo loạn. Thừa cơ, hai người vừa bảo vệ nhau vừa chạy. Chân đau, không chạy được, bà phải bò, cuối cùng bị địch bắt. Không chịu đầu hàng giặc, bà đã chửi vào mặt chúng. Bà bị chúng bắn tại chỗ và kéo thi thể về Chợ Lách.

Tin bà Tám Phụng đã anh dũng hy sinh nhanh chóng lan truyền ra khắp ba xã cù lao. Bà con vô cùng thương tiếc và căm phẫn trước hành động dã man là phơi xác bà. Bà con đã tập hợp, kéo qua Chợ Lách đấu tranh buộc Quận trưởng Chợ Lách phải làm đám tang cho bà. Trước khí thế quần chúng sôi sục, tên Quận trưởng phải chấp nhận.

Bà Tám Phụng đã được tặng thưởng :

– Huân chương Quyết thắng hạng I
– Huân chương Giải phóng hạng I
– Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng I

Ngày nay, thế hệ mầm non của thành phố Vĩnh Long đang được chăm sóc trong ngôi trường được mang tên bà – nhà trẻ Huỳnh Kim Phụng.

Theo Nguyễn Văn Quốc Chiến – Sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *