Bên bờ hạnh phúc

Ông Lê Cẩn – chưa rõ quê quán – nguyên là một võ quan của triều đình Huế, làm đến chức Đề đốc. Nghĩa khí có sẵn, chán ghét sự bất lực của triều đình Huế, đau thương trước những tủi nhục của đất nước bị xâm lược, ông cũng như một số văn thần, võ tướng yêu nước rời bỏ con đường làm quan để tổ chức, tập hợp nghĩa quân nổi lên chống Pháp.

Sau khi khởi đầu xâm chiếm Việt Nam tại Đà Nẵng, thực dân Pháp đã kéo quân vào phía Nam nước ta. Sau một trận đánh ngắn, ngày 17/2/1859, Pháp chiếm thành Gia Định. Hiệp ước Patenôtre ký năm 1862 giữa triều đình Huế và thực dân Pháp thực chất là một hàng ước nhục nhã đã gây công phẫn cao độ trong giới sĩ phu yêu nước và nhân dân ba tỉnh miền Đông (bị dâng cho Pháp) và Nam Bộ nói chung.

Bộ máy thống trị của thực dân Pháp được dựng lên ngày càng được củng cố ở mọi cấp. Sự đàn áp về quân sự và bóc lột về kinh tế của Pháp thực sự bắt đầu. Trong khi quan quân nhà Nguyễn bỏ mặc một phần đất nước cho giặc Pháp giày xéo thì một số văn thần, võ tướng yêu nước đã tập hợp nghĩa quân đánh địch ở khắp nơi. Cuộc khởi nghĩa do Đốc binh Lê Cẩn và ông Nguyễn Giao lãnh đạo nằm trong phong trào này.

Tượng đài Đốc binh Lê Cẩn và Nguyễn Giao

Đốc binh Lê Cẩn vốn là người nghĩa khí, chủ trương đánh giặc Pháp bằng vũ lực. Chiến công vang dội của ông được lưu truyền là cuộc tiến công vào trụ sở địch quận Vũng Liêm và trận phục kích Cầu Vông cũng thuộc Vũng Liêm ngày nay.

Cuộc tiến công vào trụ sở quận Vũng Liêm : tại đó, lực lượng địch gồm dân binh người Việt và người Khmer do tên Thực – Chủ quận Vũng Liêm – cầm đầu. Bọn tay sai này – rất trung thành với quan thầy Pháp – cũng đàn áp nhân dân, tước đoạt của cải đồng bào, được xếp vào loại ác ôn hạng “nặng”. Phải trừng trị chúng để làm gương cho đồng bọn khác. Được sự tham mưu góp sức của cụ Phó Mai, Đốc binh Lê Cẩn cùng Nguyễn Giao đã tổ chức tấn công chớp nhoáng vào dinh quận. Tên Chủ quận Thực bị nghĩa quân giết cùng với 6 lính lệ khác.

Cuộc tiến công này khiến bọn thực dân Pháp và tay sai hoảng sợ. Chúng bèn sai Tôn Thọ Tường – tên Việt gian thâm hiểm – về Vũng Liêm để đối phó với tình thế. Tôn Thọ Tường một mặt ra sức vỗ về, chiêu dụ dân chúng, mặt khác dùng mồi bổng lộc để thuyết phục nghĩa quân, trước hết là lãnh tụ Lê Cẩn ra hàng. Nhưng ông và nghĩa quân nhất quyết bác bỏ, không chịu sa vào âm mưu giặc. Còn hơn thế nữa, tương kế tựu kế, lợi dụng mưu sách "chiêu hàng" nghĩa quân của Tôn Thọ Tường và tên Chủ tỉnh Alix Salicetty, Lê Cẩn nhận lời ra "hàng" và hẹn với chúng đàm phán cụ thể tại địa điểm Cầu Vông (nay thuộc xã Trung Ngãi – huyện Vũng Liêm – tỉnh Vĩnh Long) vào năm Nhâm Thân (1872)

Mặc dù Tổng đốc Tôn Thọ Tường đã có ý can ngăn, nhưng tên Chủ tỉnh Bồi Xê (tên gọi của Alix Salicetty) vẫn chủ quan, với thái độ của kẻ trên nghênh ngang, quân trống đến Cầu Vông để nhận sự “đầu hàng” của Lê Cẩn. Đúng như dự kiến, cuộc phục kích nổ ra khi Lê Cẩn bất thần tiến công vào Salicetty, còn Nguyễn Giao thì đánh tập hậu vào vào toán quân đi theo. Theo “Vĩnh Long xưa và nay” thì : “Đốc binh Lê Cẩn đã cùng với Salicetty ôm vật nhau lăn xuống sông cùng chết”. Thi thể ông đã được tướng Nguyễn Giao và nghĩa quân đưa về, làm lễ tang điệu và an táng chu đáo. Nhưng phần mộ ông hiện nay chưa xác định ở đâu, một phần do cần giữ bí mật nơi an nghỉ của người lãnh tụ nghĩa quân, mặt khác để tránh sự trả thù của giặc. Còn Bồi Xê thì đầu bị bêu giữa đồng Láng Thé. Sau trận này, nghĩa quân tiếp tục tiến công vào khu vực Trà Vinh và làm chủ cả vùng này một thời gian.

Thực dân Pháp thấy tình hình không ổn nên quyết tâm đàn áp cuộc khởi nghĩa. Chúng huy động nhiều lực lượng, tập trung các tên tay sai đắc lực như Đốc phủ Cái Bè Trần Bá Lộc và Huỳnh Văn Tấn (Đội Tấn). Chúng đã đàn áp nghĩa quân rất khốc liệt. Có thể nói, đây là cuộc đàn áp đẫm máu nhất của thực dân Pháp trong các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta sau khi Pháp thôn tính 6 tỉnh Nam kỳ. Nhưng cuộc khởi nghĩa này vẫn kéo dài, hoạt động trong vùng Trà Vinh cho đến khi ông Nguyễn Giao – bạn chiến đấu của Lê Cẩn – hy sinh vì bị giặc phục kích trên đường vượt sông Cổ Chiên sang Bến Tre tiếp tục chiến đấu. Đến đây, cuộc khởi nghĩa do Đốc binh Lê Cẩn lãnh đạo mới thật sự chấm dứt.

Tấm gương mưu trí, dũng cảm và hy sinh vì đại nghĩa của Đốc binh Lê Cẩn đã để lại trong lòng dân Vũng Liêm – Vĩnh Long một ấn tượng kính thương vô hạn. Đương thời, Pháp đã cho xây tại Cầu Vông một trụ đá để đánh dấu cái chết của tên Chánh Tham biện Alix Salicetty.

Ngày nay, cũng tại đây, nhân dân Vũng Liêm đã xây một Bia Tưởng niệm để luôn luôn tưởng nhớ tấm gương anh dũng bất khuất của các nghĩa sĩ Cầu Vông. Ở ấp Đầu Giồng, xã Bình Phú, huyện Càng Long, vào ngày mồng 3 Tết âm lịch hàng năm có ngày giỗ hội. Đó cũng là biểu hiện sự tưởng nhớ các nghĩa sĩ vì nước bỏ mình. Tương truyền, khoảng 200 người bị giặc đưa về đây hành hạ, giết chết và vùi xác nơi đây.

Để ghi nhớ công lao của tiền nhân, tưởng nhớ tinh thần yêu nước quật cường của nghĩa sĩ, của những vị anh hùng, năm 2005, ngành Văn hóa – Thông tin Vĩnh Long đã xây dựng Tượng đài Đốc binh Lê Cẩn – Nguyễn Giao tại ngã ba An Nhơn, thị trấn Vũng Liêm.

Theo Thái Chí Bình – Sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long vinhlong.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *