Giữa năm 1940, ông được hai anh ruột là Hồ Hữu Dụng và Hồ Minh Lý dìu dắt dần vào tổ chức bí mật “Thanh niên tương tế ái hữu” xã Quới Thiện, tham gia tích cực vào cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ thắng lợi ở Vũng Liêm. Sau khởi nghĩa, thực dân Pháp kéo quân về đàn áp. Ông bị bắt giam tại bót cảnh sát Sài Gòn, sau đó bị đưa đi làm công nhân cao su cho đồn điền Pháp ở miền Đông. Tháng 12/1944, Hồ Đức Thắng được trả tự do. Trở về quê, ông nhận nhiệm vụ phụ trách tổ chức Thanh niên Tiền phong, sau đổi tên là Thanh niên cứu quốc xã Quới Thiện. Tổ chức này đã tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 ở xã Quới Thiện và quận Vũng Liêm. Ngày 15/6/1946, Hồ Đức Thắng (lúc này còn mang tên Hồ Bá Thọ) được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 12/1946, Hồ Đức Thắng tình nguyện gia nhập đội vận tải của Bộ Tư lệnh Nam bộ, thay thế người bạn Nguyễn Văn Inh tình nguyện đi tòng quân, vì Inh vừa mới cưới vợ. Ông mang tên Nguyễn Văn Inh từ đó. Cũng từ đó, cuộc đời ông gắn liền với sông nước.

Khi thực dân Pháp quay trở lại miền Nam, đơn vị vận tải 14 rút về xây dựng căn cứ ở vùng rừng ven biển xã Hiệp Thạnh – Duyên Hải, trung đội trưởng Nguyễn Văn Inh gặp duyên lành ở đây. Vợ ông là Nguyễn Thị Năm, một cô gái vùng biển chịu thương chịu khó. Lập gia đình chưa bao lâu, Nguyễn Văn Inh được lệnh cùng 12 thủy thủ chở tài liệu, thuốc men, văn phòng phẩm từ Hiệp Thạnh ra miền Trung bằng đường biển. Lúc ấy là cuối năm 1948. Tàu đến Nha Trang bị địch phát hiện, vây bắt. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Inh quyết định hủy tàu, không để tài liệu rơi vào tay giặc. Do đã bàn bạc trước, khi bị bắt về Nha Trang, 12 thủy thủ khai là người làm công “đi chở gạo mướn cho chủ, tức Nguyễn Văn Inh từ Sài Gòn ra”. Tất cả đều được thả. Riêng Nguyễn Văn Inh bị đưa về giam tại bót Catina ở Sài Gòn. Về sau, chúng chuyển ông về nhà giam Cát Lái. Ở đây, nhân một lần được dẫn đi lao động, Nguyễn Văn Inh và một người bạn tù đã lập mưu chém chết tên cai ngục, trốn về lại căn cứ.

Tháng 3/1950, Nguyễn Văn Inh giữ chức vụ Đại đội phó Đại đội 198, đơn vị vận tải 14 Bộ Tư lệnh Nam bộ. Trong thời điểm địch khủng bố gắt gao, đơn vị phải hoạt động phân tán. Nguyễn Văn Inh được điều về quê vợ và làm Xã đội trưởng Xã đội Hiệp Thạnh, Duyên Hải, Trà Vinh, bị địch bắt giam giữ tại nhà tù Phú Lợi cho đến tháng 12/1958. Ra tù, Nguyễn Văn Inh vẫn đi làm mướn nghề mộc nuôi gia đình, vừa âm thầm gầy dựng cơ sở.

Ngày 14/9/1960, Nguyễn Văn Inh được tổ chức phân công chỉ huy phong trào đồng khởi ở xã Hiệp Thạnh. Được quần chúng hỗ trợ, lực lượng du kích xã đã bao vây trụ sở tề xã nhiều ngày, buộc trung đội dân vệ đóng giữ ở đây phải xin hàng. 18 giờ ngày 15/9/1960, xã Hiệp Thạnh hoàn toàn thuộc về quân giải phóng.

Đầu năm 1961, do yêu cầu chiến trường, Bộ Chính trị chỉ thị cho các tỉnh ven biển Nam bộ cử đơn vị vận tải ra miền Bắc trao đổi kinh nghiệm vượt biển và xin chi viện vũ khí. Tháng 6/1961, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định thành lập đoàn vận tải biển do Nguyễn Văn Inh làm thuyền trưởng. Các thành viên gồm đồng chí Hai Pháp – Huyện ủy viên Trà Cú, đồng chí Tám Khương – đảng viên Chi bộ xã Trường Long Hòa và ba quần chúng là Hai Lẹ, Hai Tôi, Ba Mạo. Họ đổi tên : Đoàn – Kết – Đấu – Tranh – Thắng – Lợi. Nguyễn Văn Inh mang tên Hồ Đức Thắng từ đấy.

Chiếc tàu gỗ trọng tải 15 tấn với trang bị thô sơ cùng 6 chiến sĩ nhổ neo ngày 25/8/1961. Cuộc hành trình hết sức gian nan, nguy hiểm. Đến ngày thứ 10, tàu gặp bão, trôi dạt vào vùng biển Ma Cao, đất tô nhượng của Bồ Đào Nha ở Trung Quốc. Được sự giúp đỡ của nhà chức trách địa phương, do tưởng là tàu đi buôn gặp nạn, đoàn tiếp tục chuyến đi và cập bến tại một cửa sông thuộc Trung Quốc. Lãnh sự quán Việt Nam ở đây đã tổ chức đưa đoàn về Hà Nội.

Ba ngày sau, đoàn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng, Phan Trọng Tuệ đến thăm và động viên nhiệm vụ. Hồ Đức Thắng thay mặt anh em báo cáo tình hình chiến trường Vĩnh Trà, quyết tâm của quân dân Vĩnh Trà trong cuộc đấu tranh chống Mỹ – ngụy. Các đồng chí lãnh đạo chỉ thị cho đoàn nghỉ dưỡng sức, học tập thêm văn hóa trước khi nhận nhiệm vụ đưa vũ khí trở về Nam.

Tàu không số trong hành trình "Đường Hồ Chí Minh trên biển"

 
Đầu năm 1962, đoàn được cấp một chiếc tàu sắt trọng tải 55 tấn, trang bị đầy đủ phương tiện. Chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên cập bến an toàn tại căn cứ Cà Mau. Từ chuyến thứ hai, trọng tải tàu được nâng lên gấp đôi. Đến năm 1966, đoàn vận tải biển do Hồ Đức Thắng làm Chính trị viên đã chuyển được 16 chuyến tàu 100 tấn chở vũ khí từ miền Bắc chi viện chiến trường miền Nam. Đó là một thành tích kỳ diệu trong điều kiện chiến tranh ác liệt, hải quân địch ngày đêm tuần tra, phong tỏa. Với thành tích ấy, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ Thi đua toàn quốc 1967, đơn vị tàu 55 (lấy số hiệu từ chiếc tàu 55 tấn được Trung ương cấp đầu tiên) và Đoàn 125 – Bộ Tư lệnh hải quân được tuyên dương Anh hùng. Thượng úy Hồ Đức Thắng, người gắn liền với “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” ngay từ những ngày đầu thành lập đơn vị vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định số 125/SV ngày 1/7/1967, tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đơn vị tàu 25 vinh dự được Bác Hồ xuống tàu thăm hỏi, chúc mừng và chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ, chiến sĩ.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Hồ Đức Thắng được điều về công tác tại Xưởng Nhà Bè thuộc Đoàn 125. Năm 1980, thiếu tá Hồ Đức Thắng, Phó Chính ủy Xưởng Nhà Bè được quân đội cho nghỉ hưu sau hơn 40 năm tham gia cách mạng với 34 tuổi quân. Ngoài danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đồng chí còn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng :

– 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba
– 1 Huân chương Chiến thắng hạng Ba
– 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba
– 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất
– Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng

Theo Phạm Bá Nhiễu – Sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *