Bên bờ hạnh phúc

Nguyễn Văn Bánh (Ba Bánh) sinh năm 1952 tại xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Trước Cách mạng tháng Tám, ông Nguyễn Văn Nhị (cha) và bà Trương Thị Ba (mẹ) không có ruộng đất, phải đi đốn củi tại rừng đước Cà Mau và làm mướn để sinh sống. Sau cách mạng, gia đình Nguyễn Văn Bánh được chia cho 10 công ruộng mới đủ ăn, nhưng những năm sau 1954 phải lưu lạc qua xã Quới Thiện – Vũng Liêm mướn ruộng làm ăn.

Thuở nhỏ, Nguyễn Văn Bánh rất hiếu động. Có lần, trong một cuộc ẩu đả, ông đã trấn nước cháu của Bảy Tắc – Trưởng đồn Thanh Bình bấy giờ. Vì việc này, ông bị lính đồn Thanh Bình đánh và Bảy Tắc hăm dọa gia đình. Sẵn sự căm giận cùng ý muốn được đánh giặc, ông đến vàm Rạch Bàn (giữa Vũng Liêm và Càng Long) gặp Nguyễn Văn Bá (Huyện đội trưởng Vũng Liêm) xin đi bộ đội (ngày 24/4/1969).

Năm 1969, Nguyễn Văn Bánh là vệ sĩ ở Đại đội C61, Tiểu đoàn D308.

Tháng 9/1969, Tiểu đoàn D308 tạm thời giải thể vì lực lượng tiêu hao năm 1968 và những tháng đầu năm 1969. Đại đội C61 và C62 của D308 thành C57 của D306. Từ lúc này đến năm 1973, ông về Đại đội C57, Tiểu đoàn D306.

 

 
Thủ pháo

Tháng 11/1972, tại Kinh Ngang (Thông Hòa – Cầu Kè), Nguyễn Văn Bánh được đề cử giữ chức vụ Đại đội trưởng C57. Thời gian này, ông chỉ huy đánh đồn Tầm Vu, xã Loan Mỹ – Tam Bình. Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Pháo bên Chi khu Trà Ôn bắn qua rất gắt. Ngay từ loạt pháo đầu, ba đồng đội (Chúc, Bi và Thăng) đã hy sinh. Dân công phải rút lại phía sau. Cuối cùng, chỉ còn lại ông và Thẩm (Đại đội phó) bám trận địa. Giữa những đợt pháo của Chi khu Trà Ôn, bằng thủ pháo TNT và lựu đạn, Nguyễn Văn Bánh cùng người Đại đội phó của mình đánh chiếm từng lô-cốt một. Cuối cùng, sau một giờ chiến đấu, ông và người Đại đội phó diệt gọn đồn Tầm Vu. Ông liên hệ, báo cáo với Trung đoàn, xin điều bộ đội trinh sát yểm trợ, thu dọn chiến trường. Phải ba tiếng đồng hồ sau (lúc 4 giờ sáng), ông mới rút khỏi đồn Tầm Vu dưới ánh lửa của pháo sáng.

Những tháng giữa năm 1973, Nguyễn Văn Bánh được điều đi học ở miền Đông. Sau đó, bị bệnh, ông phải trở về. Tháng 9/1973, Nguyễn Văn Bánh nhận chức Đại đội trưởng C59. Ngay sau đó, ông được lệnh đánh đồn Gò U, xã Tích Thiện – Trà Ôn để tạo khí thế cho C59 (cả ba vị Đại đội trưởng C59 đều đã hy sinh trước đó không lâu). Ông đã trực tiếp bắn một phát B40 diệt lô-cốt đầu tiên, dẫn đơn vị vào trung tâm, hợp cùng đơn vị bạn diệt toàn bộ lực lượng địch, kết thúc trận đánh. Trận Gò U đã gây được niềm tin nơi các chiến sĩ C59.

Sau đó, đêm 2/11/1973, Nguyễn Văn Bánh tổ chức đánh tam giác khu trù mật An Trường. Sau một đêm nghiên cứu quy luật hoạt động của đồn, với cương vị Đại đội trưởng C59, ông chỉ huy mũi chủ yếu, dùng thủ pháo đánh lô-cốt đầu cầu làm pháo lệnh, đồng thời, ông nhảy lên chiếm lô-cốt, dẫn đơn vị đánh chiếm trung tâm, tiêu diệt một trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí.

Đến tháng 11/1974, Nguyễn Văn Bánh được đề bạt làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn D306.

Đêm 21/12/1974, Nguyễn Văn Bánh chỉ huy đánh Chi khu Tân An (Càng Long – Trà Vinh). Trận này, Tiểu đoàn 306 tổ chức 7 mũi tiến công. Khi phát lệnh tiến công, ông dùng thủ pháo đánh lô-cốt đầu tiên. Nhưng thủ pháo không nổ, B40 và B41 lại bị lép, lính trong đồn phát hiện, bắn vào đội hình. Ông lập tức dùng lựu đạn đánh lô-cốt, dẫn đơn vị đánh sâu vào đồn. Trong vòng 2 phút, ta đã diệt toàn bộ Đại đội chỉ huy của Tiểu đoàn bảo an 472, bắt sống tên Tiểu đoàn phó, chiếm Phân chi khu Tân An, đánh tan Tiểu đoàn bảo an 472. Ngày sau tiếp tục đánh 3 đồn còn lại, giải phóng hoàn toàn xã Tân An.

Phát huy thắng lợi, đêm 24/12/1974, Nguyễn Văn Bánh chỉ huy Tiểu đoàn cùng với lực lượng địa phương Càng Long đánh Phân chi khu An Trường, diệt Tiểu đoàn bảo an 471 cùng một số đồn khác, giải phóng hoàn toàn xã An Trường.

Bước sang tháng 1/1975, lực lượng cách mạng mở chiến dịch mùa khô. Nguyễn Văn Bánh chỉ huy Tiểu đoàn 306 của mình cùng với Trung đoàn đánh yếu khu Thầy Phó. Trận đánh đã diễn ra hết sức ác liệt. Cuối cùng, các đơn vị của ta cũng chiếm được toàn bộ khu Chỉ huy sở của yếu khu. Kết thúc trận đánh, ta diệt toàn bộ yếu khu Thầy Phó. Địch chết và bị thương 160 tên, bắt 163 tên, thu 125 súng.

Đấy là những trận đánh đáng nhớ trong số 45 trận lớn, nhỏ ông đã tham gia từ năm 1969 đến năm 1975.

Ngày 27/3/1975, Nguyễn Văn Bánh được kết nạp Đảng. Sau đó, ông cùng đơn vị tiếp tục chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân 1975, đánh chiếm tỉnh Vĩnh Long.

Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, tháng 8/1975, Nguyễn Văn Bánh được đề bạt là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn D307.

Ngày 22/12/1978, Quân khu phân công ông giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng trinh sát đặc công của Sư đoàn 339, làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường K.

Tháng 9/1979, Nguyễn Văn Bánh được giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 thuộc Sư đoàn 339.

Tháng 11/1984, ông bị thương nặng khi chuẩn bị đánh căn cứ cửa khẩu nằm giữa Bô-xát và Pát-tam-păng vì đạp phải mìn.

Sau khi ra viện, tháng 12/1984, Nguyễn Văn Bánh được điều làm Đoàn phó phụ trách quân sự Đoàn 9901 ở Công-pông-spư. Đến tháng 7/1986, ông trở về nước.

Từ 1986 đến 1991, ông giữ chức Huyện đội trưởng huyện Long Hồ, cấp bậc Trung tá.

Từ 1992 đến 1994, ông giữ chức vụ Tỉnh đội phó tỉnh Vĩnh Long, cấp bậc Thượng tá.

Từ 1995, ông là Phó Phòng tác chiến Quân khu 9, cấp bậc Đại tá.

Phần khen thưởng :

– 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì
– 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba
– 15 bằng khen
– 4 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ
– 4 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua
– Năm 1974 được đề nghị công nhận Chiến sĩ Thành đồng Quyết thắng
– Ngày 15/1/1976, được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND.

Theo Đào Ngọc Chương – Sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *