Bên bờ hạnh phúc
Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn

Tạ Thanh Sơn, sinh năm 1921 ở thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, con ông Tạ Thanh Sung và bà Nguyễn Thị Chắc –  chủ hãng rượu Quảng Đức An tại thị trấn Trà Ôn. Đó là hãng rượu lớn nhất ở miền Tây Nam bộ và cũng là gia đình giàu nhất tại quê nhà lúc bấy giờ.

Hồi còn là học sinh ở Collège de Cần Thơ, Tạ Thanh Sơn được bạn học cùng lớp khen đẹp trai, học giỏi, hiền hậu, điền đạm và chân tình với bạn bè.

Sớm hiểu biết cách mạng, năm 1940, Tạ Thanh Sơn đã đứng vào hàng ngũ của những sinh viên và học sinh yêu nước. Từng tham gia vào phong trào Thanh niên Tiền phong, hoạt động ở vùng đô thị Cần Thơ, nhờ vậy mà anh có điều kiện giao lưu với các bậc đàn anh, trong đó có Lưu Hữu Phước, Nguyễn Mỹ Ca… Cũng từ ấy, anh càng hào hứng với cây đàn mandolin và tập tành viết nhạc.

Là một nhà giáo yêu nước, anh tham gia kháng chiến từ năm 1945 và công tác tại Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Sa Đéc do ông Nguyễn Việt Nam làm Trưởng ty. Cơ quan đóng ở Kinh 4 – Đồng Tháp Mười.

Xuất phát từ lòng yêu nước, căm thù bọn thực dân Pháp xâm lược và với khí thế của cuộc kháng chiến lúc bấy giờ, bài hát “Nam bộ kháng chiến” được anh sáng tác vào ngày 25/9/1945, lúc anh 24 tuổi, tại làng Mỹ Xương – chiến khu Đồng Tháp sau khi anh dự lớp huấn luyện chính trị khóa Quách Văn Cự và được giao nhiệm vụ làm công tác thông tin tuyên truyền. Bài hát được đăng lần đầu tiên trân báo Độc lập và theo con đường phổ biến thông thường ở chiến khu là chép tay và truyền miệng.

Trong một bài báo nhan đề “Lần cuối cùng gặp lại tác giả bài hát Nam bộ kháng chiến” (nhân kỷ niệm 51 năm ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1996), ông Trường Sơn Chí Ung Ngọc Ky, nguyên cán bộ cao cấp Ủy ban Hành chánh Nam bộ thời kỳ 1946 – 1947, nhắc lại những kỷ niệm đẹp đối với Tạ Thanh Sơn, có ghi :

Nói gặp lại vì từ khi rời khỏi trường Collège de Cần Thơ (nay là trường THPT Châu Văn Liêm), anhTạ Thanh Sơn và tôi chưa từng gặp nhau. Chúng tôi là bạn học cùng lớp, anh ở lớp A, tôi ở lớp B, lại là cùng quê tỉnh Cần Thơ (quận Trà Ôn quê anh thuở ấy thuộc tỉnh Cần Thơ).

Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, trải qua nhiều công tác được cấp trên giao phó, đến nhiều địa điểm khác nhau, tôi từng nghe các anh chị hát bài “Nam bộ kháng chiến”, sao mà nó dễ làm rung động lòng người và mau thấm vào tim óc của người kháng chiến, nhất là ở những câu như : “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo… Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng… Cờ thắm phất phơ ngang trời, sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền… ”.  Nhưng không biết ai là tác giả?

Theo giọng hát đều đều, không kém trầm hùng của hết tốp giao liên này đến tốp giao liên nọ, tôi quên hết nỗi vất vả đường dài với bụng ăn không được no. Mò mẫm đi đường trơn trong đêm, tôi mỉm cười với những cụm từ “nóp với giáo” (làm gì có giáo, tầm vông thôi), “sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền” (sao lại chỉ có bưng biền?).

Khoảng đầu năm 1947, về đến Nam bộ giữaĐồng Tháp Mười mênh mông những bưng cùng biền, tôi tự trả lời, có lẽ tác giả là người ở quanh vùng này.

Đến cơ quanTy Thông tin tuyên truyền tỉnh Sa Đéc do anh Nguyễn Việt Nam (Hai Nam) làm Trưởng ty, tôi chưa hết xúc động trước cảnh anh Hai Nam chống nạng đi một chân do trận đánh vào thành phố Sài Gòn trong đêm 24/9/1945 thì hết sức bất ngờ được gặp anh Tạ Thanh Sơn tại đó… Chúng tôi ôm nhau, nhìn nhau từ đầu đến chân rồi cười to, lại ôm nhau khôn xiết mừng rỡ. Anh Nguyễn Việt Nam hỏi vui :

– Anh biết ai đây không?

– Tạ Thanh Sơn chớ ai!

– Nhưng anh có biết ảnh là tác giả của bài “Nam bộ kháng chiến” chưa?

– Bài “Nam bộ kháng chiến” nào?

Anh Nguyễn Việt Nam nhìn Tạ Thanh Sơn cười :

– Anh cho dợt lại bài hát cho ảnh biết.

Vẫn còn dáng dấp mũm mĩm, bẽn lẽn như hồi ở Collège, anh cho tập hợp “đoàn kịch”, đứng giữa hàng đầu là một thanh niên mang lá cờ đỏ sao vàng. Anh Tạ Thanh Sơn nhẹ nhàng vung tay theo kiểu một nhạc trưởng, vừa hô nho nhỏ : “Một, hai…” vừa hất mái tóc hơi dài lên, tức thì “đoàn kịch” cất giọng mạnh mẽ, trầm hùng những lời mà các tốp giao liên đã nối tiếp nhua hát như không dứt trên suốt đoạn đường dài tôi đi qua.

Nguyễn Hồng Trung – Theo sách Những người con trung hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *