Bên bờ hạnh phúc

(TuanVietNam) – Ngoài đời, Tony Buzan giống như những gì mà người ta hình dung : lịch lãm, uyên bác và cởi mở. Có lẽ hình ảnh ấy của ông cũng là một trong những lý do để ông được chào đón và yêu mến ở rất nhiều nơi cùng với sự lan tỏa của Mind map – sơ đồ tư duy.

Đối với tôi, Tony Buzan đã trở thành một người mà tôi "hàm ơn", còn Mind map là công cụ học tập và làm việc không thể thiếu. Tôi cũng cho rằng, sơ đồ tư duy đã và đang thúc đẩy làn sóng cách mạng học tập bùng nổ tại Việt Nam và trên thế giới.

Sơ đồ tư duy – con đường đến với “học cách học”

Theo Tony Buzan, tư duy có thể ghi bằng hình ảnh (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Năm 2003, khi còn là một sinh viên năm thứ nhất, tôi cùng các bạn trong nhóm Tư duy mới (New Thinking group) luôn băn khoăn trong mình một câu hỏi : “Từ bé đến lớn, chúng ta được dạy để tích lũy kiến thức, nhưng đã bao giờ, chúng ta được dạy cách để lĩnh hội những kiến thức đó một cách hiệu quả chưa?”

Câu trả lời : “Chưa ở đâu, học sinh Việt Nam được dạy và được học cách học" đã khiến cho chúng tôi háo hức và say mê tìm hiểu một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với những khám phá bất ngờ về các nguyên tắc hoạt động của bộ não, các công cụ học tập và làm việc hoạt động theo cách làm việc của bộ não, cách nâng cao khả năng ghi nhớ, tưởng tượng và sáng tạo…

Qua các lớp học về Nâng cao năng lực tư duy mà chúng tôi là các giảng viên, chúng tôi đã nhận được sự chia sẻ của hơn một ngàn học viên từ 6 đến 66 tuổi (nói không ngoa). Điều đó thôi thúc chúng tôi phát triển và chia sẻ những công cụ tư duy mình đã tìm hiểu được tới nhiều người hơn nữa.

Một trong những thành công lớn nhất mà chúng tôi đã làm được chính là thành công với sơ đồ tư duy mà cha đẻ của nó là Tony Buzan – người có chỉ số sáng tạo cao nhất thế giới và nếu bạn tìm hiểu về ông, bạn sẽ còn thấy vô vàn những điều đáng kinh ngạc khác nữa.

Sơ đồ tư duy – Nguyên lý và hoạt động

Tony Buzan trong chương trình Người đương thời

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tony Buzan năm 2007 và cuộc trò chuyện cùng nhà báo Tạ Bích Loan trên chương trình Người đương thời, có lẽ hình ảnh của Tony Buzan nay đã không còn quá xa lạ với nhiều người Việt Nam.

Nhu cầu tìm hiểu về sơ đồ tư duy cùng các công cụ tư duy khác trong làn sóng cách mạng học tập đang bắt đầu lan tỏa tại Việt Nam dẫn đến sự ra đời của hàng loạt sách về Học cách học của Nhà xuất bản Nhân trí Việt. Nhờ thế, những lần dạo qua hiệu sách, tôi thường bắt gặp hình ảnh các bạn sinh viên đang chăm chú giở những cuốn sách về sơ đồ tư duy ra đọc một cách tò mò và say mê.

Sơ đồ tư duy không khó. Bất cứ ai cũng có thể tạo một sơ đồ tư duy ở dạng đơn giản theo nguyên tắc phát triển ý : từ một chủ đề tạo ra nhiều nhánh lớn, từ mỗi nhánh lớn lại tỏa ra nhiều nhánh nhỏ và cứ thế mở rộng ra vô tận.

Ví dụ như bạn muốn lập sơ đồ tư duy cho một tuần làm việc, hãy vẽ chủ đề trung tâm tuần sau vào giữa trang giấy trắng. Từ chủ đề bạn vẽ 7 nhánh lớn là thứ 2, thứ 3… cho đến chủ nhật, mỗi nhánh một màu. Rồi từ mỗi thứ, bạn lại vẽ các nhánh nhỏ là các công việc bạn định làm trong thứ đó, mỗi công việc lại triển khai ra các ý chi tiết hơn như bạn định làm việc đó với ai (who), ở đâu (where), bao giờ (when), bằng cách nào (how)…

Cứ như vậy, bạn sẽ có được trên cùng một trang giấy các công việc bạn định làm trong một tuần và cái hay của sơ đồ tư duy là ở chỗ nó giúp bạn có cái nhìn tổng thể, không bỏ sót các ý tưởng. Từ đó, bạn có thể dễ dàng đánh số thứ tự ưu tiên các công việc trong tuần để sắp xếp và quản lý thời gian một cách hiệu quả và hợp lý hơn so với một quyển sổ liệt kê các công việc thông thường.

Nhưng vẫn ít người sử dụng sơ đồ tư duy lắm – Tại sao?

 
Khái niệm của sơ đồ tư duy thì thực sự đơn giản. Nguyên lý hoạt động thì đúng theo nguyên tắc liên tưởng “ý này gọi ý kia” của bộ não. Cách vẽ cũng rất giản đơn và còn rất nhiều tiện ích khác khiến cho sơ đồ tư duy ngày càng trở nên phổ biến toàn cầu.

Nhưng tại Việt Nam, có thể thấy số người biết đến sơ đồ tư duy thì nhiều mà số người sử dụng nó thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy nguyên nhân là tại sao?

Với kinh nghiệm 6 năm giảng dạy về sơ đồ tư duy cho rất nhiều các đối tượng học viên khác nhau, tôi đã tìm hiểu và đúc kết được 5 nguyên nhân chính, đó là :

1- Sơ đồ tư duy sử dụng nhiều màu sắc quá, trông như tranh vẽ của trẻ con vậy. Lại mất công tô màu.

2- Sơ đồ tư duy thì phải vẽ, mà mình thì vẽ xấu lắm, bạn biết đấy. Mình làm gì có năng khiếu đâu.

3- Dùng sơ đồ tư duy thì cũng như ghi chép thông thường thôi mà, thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn.

4- Tốn giấy lắm!

5- Mình dùng hoài rồi mà chẳng thấy giúp tăng trí nhớ lên gì cả. Chắc tác giả nói quá lên thôi.

Vậy những nguyên nhân này có đúng không?

Các em học sinh tập vẽ sơ đồ tư duy

 
Trước hết, tôi muốn chia sẻ với các bạn : sử dụng sơ đồ tư duy lần đầu tiên cũng giống như mới tập đi xe máy. Những ai đã đi quen rồi thì thấy nó thực sự đơn giản và so với xe đạp thì quả là vượt trội. Nhưng với những người mới tập đi thì việc ghi nhớ các nguyên tắc vận hành và thực hành cho đúng không phải là dễ.

Vì vậy nên sẽ có bạn vẫn để số 0 mà tăng ga, rồi bảo xe này chẳng có ích gì; lại cũng sẽ có người vừa tăng ga vừa đạp phanh, rồi tự nhủ mọi người bảo sao chẳng biết chứ mình thấy xe này đi chậm rì, lại còn nặng hơn cả xe đạp nữa.

Kết quả là họ đi đến kết luận chung : Xe này thấy quảng cáo thì hay, chứ đi thử thì cũng không thấy có gì ưu việt lắm, thôi mình cứ quay về đi xe đạp cho khỏe, vừa quen thuộc lại vừa đỡ phải thử cái gì mới làm chi cho mệt người.

Sơ đồ tư duy cũng vậy thôi. Bạn nào nghe qua cũng thấy đơn giản, nhưng thực chất, khi bạn đưa ra một trong những lý do trên chính là bởi bạn đã vi phạm một hay nhiều những nguyên tắc “đơn giản” đó.

Tôi thường chỉ cho các học viên thấy các vi phạm đó của họ, và khi khắc phục được nhược điểm này thì sơ đồ tư duy tỏ ra hiệu quả hơn rõ rệt. Những lời khuyên mà tôi hay đưa ra thường là :

Bạn không cần phải sử dụng nhiều màu sắc. Bạn có thể chỉ cần dùng một màu nếu chưa quen và muốn tiết kiệm thời gian. Các chuyên gia của hãng Boeing cũng đã vẽ nên những sơ đồ tư duy khổng lồ khi xây dựng ý tưởng về việc cơ cấu lại hãng này để tạo lợi thế cạnh tranh chỉ với một màu.

Nếu bạn thấy mất quá nhiều thời gian để tô đặc màu trong một nhánh, sao bạn không thử gạch chéo, đánh dấu cộng, hay chấm bi trong đó? Rất mới mẻ và tốn ít thời gian.

Nếu trên mỗi nhánh, bạn viết đầy đủ cả câu thì như vậy bạn sẽ dập tắt khả năng gợi mở và liên tưởng của bộ não. Não của bạn sẽ mất hết hứng thú khi tiếp nhận một thông tin hoàn chỉnh.

Vì vậy, hãy nhớ : Trên mỗi nhánh, bạn chỉ viết một, hai từ khóa mà thôi. Khi đó, bạn sẽ viết rất nhanh và khi đọc lại, não của bạn sẽ được kích thích làm việc để hoàn thiện nốt thông tin và nhờ vậy, thúc đẩy năng lực gợi nhớ và dần dần nâng cao khả năng ghi nhớ của bạn.

Những trải nghiệm trong việc giảng dạy sơ đồ tư duy tại Việt Nam

 
Sơ đồ tư duy môn lịch sử và sinh học do các em học sinh vẽ

Trong một năm qua, tôi đã dành nhiều thời gian và tâm sức để giảng dạy sơ đồ tư duy cho các giáo viên và học sinh tại trường tiểu học và THCS Dream House – Trí Việt.

Tôi thấy các em học sinh nhỏ từ lớp 1 cũng đã có thể vẽ được những sơ đồ tư duy đơn giản, rất logic và đáng yêu, đặc biệt là với các chủ đề thân quen như Mẹ, Gia đình của em hay Mùa hè của em.

Những em học sinh lớn hơn thì thường xuyên sử dụng sơ đồ tư duy khi làm việc nhóm và hệ thống kiến thức đã học trong các môn học ở trường, đặc biệt là khi ôn tập cho các kỳ thi.

Sơ đồ tư duy cũng giúp các em và các thầy cô giáo tiết kiệm thời gian làm việc ở nhà và trên lớp rất nhiều với các phần mềm sơ đồ tư duy trên máy mà các em có thể làm tại nhà và gửi e-mail cho các thầy cô chấm chữa trước khi lên lớp.

Với kinh nghiệm đó, tôi có thể thấy được làn sóng cách mạng học tập tại Việt Nam hoàn toàn có thể lan tỏa trong những thế hệ học trò mới, chỉ cần có sự hướng dẫn tỉ mỉ của các thầy cô giáo và các điều kiện hỗ trợ ở những môi trường giáo dục tốt.

Khi đó, nền giáo dục của chúng ta sẽ chẳng còn cách quá xa ngày mà Việt Nam có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên thế giới” như mong ước của Bác Hồ kính yêu và các nhà giáo dục tâm huyết ngày hôm nay.

Tony Buzan – Người truyền cảm hứng

"Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng"

 
Quay trở lại với người mà tôi "hàm ơn" – cha đẻ của sơ đồ tư duy. Có lẽ cần có những lần Tony Buzan đến Việt Nam nhiều hơn nữa để nhiều học sinh, sinh viên được gặp gỡ ông và được ông truyền cảm hứng, như tôi đã có trong buổi workshop năm 2007.

Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác xúc động khi ông ngạc nhiên nhìn bức vẽ sơ đồ tư duy của tôi, khen ngợi một cách thật lòng và ký tặng một điểm A+ hào phóng.

Tôi nhớ thi hào William A.Ward đã từng nói : “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, còn người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng.”

Đối với tôi, Tony Buzan đã truyền cho tôi cảm hứng để tiếp tục niềm say mê giảng dạy sơ đồ tư duy cho các bạn giáo viên và học sinh trong suốt những năm qua.

Vì thế, nếu bạn chỉ mới đọc sách của ông thôi thì chưa đủ. Hãy thực hành sơ đồ tư duy ngày hôm nay và trải nghiệm nó để một ngày không xa, khi bạn gặp Tony Buzan, bạn sẽ tự mình cảm nhận niềm hạnh phúc được chia sẻ và được khích lệ bởi "thiên tài sáng tạo" này.

Tony Buzan là tác giả và đồng tác giả của hơn 92 đầu sách được dịch ra trên 30 thứ tiếng với ba triệu bản đang được bán ở 100 quốc gia, Tony Buzan được cả thế giới biết đến bởi những công trình nghiên cứu về não bộ và phương pháp tư duy.

Sinh năm 1942 tại London, ông là người đã sáng tạo ra phương pháp Mind map. Tony Buzan chính thức giới thiệu phần mềm iMindMap vào tháng 12/2006 và được biết đến nhiều nhất thông qua cuốn Use your head, trong đó, ông trình bày cách thức ghi nhớ tự nhiên của não bộ cùng với các phương pháp Mind map.

Là nhà tư vấn thương mại cho các tập đoàn đa quốc gia như British Petroleum, Barclays International, General Motors, IBM, Walt Disney, ông còn là cố vấn cao cấp cho các chính phủ và nhiều tổ chức phi chính phủ.

Ông đã nhận bằng danh dự về Tâm lý học, Văn chương Anh, Toán học và các môn khoa học tự nhiên của Trường Đại học British Columbia năm 1964.

 
Thu Liên – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *