Sáng sớm, trong lúc đợi khắc phục sự cố kẹt thang máy, nhìn mặt ông hàng xóm rầu rầu, tôi bèn “bắt nọn” :

– Nhà bác chắc tối qua chắc thức xem Euro?

– Xem đâu mà xem, – ông hàng xóm nhăn nhó – bụng dạ nào mà xem.

– Ô hay, nhà bác hai đứa đều đã đi học cả, đứa nào cũng ngoan ngoãn, thông minh. Bố mẹ công ăn việc làm toàn chỗ ngon lành. Bác còn phải lo chuyện gì nữa cơ chứ.

– Đấy, vấn đề là ở chỗ bọn trẻ con đấy. Giờ đến lúc chúng nó nghỉ hè, thế mới chết…

Thấy mặt tôi vẫn bần thần, ông hàng xóm tặc lưỡi phân trần “cơ sự”. Thì là thế này : bình thường, bọn trẻ đi học từ sáng đến tối, bố mẹ chỉ việc đưa đi, tối đón về. Tuần thêm vài tối học phụ đạo tại nhà hoặc ở nhà cô giáo – túm lại là bố mẹ cũng không cần phải lo con cái ở đâu, làm gì. Giờ thì nghỉ hè. Vấn đề lập tức nảy sinh : bọn trẻ sẽ ở nhà làm gì? Với ai? Hai đứa trẻ con, lớn học lớp năm, bé học lớp một – làm sao mà có thể yên tâm giao nhà giao cửa cho chúng ở nhà để tự quản. Nhà thì cao tầng, ban công thì trống hoang hoác. Nhỡ thằng anh, con em nghịch dại, bắc ghế ra ấy mà thả diều thì có chết không? Không ra ban công thả diều thì nó quẩn quanh cái máy tính, chọc chỗ nọ, ngoáy chỗ kia, nhỡ điện giật thì có chết không? Hoặc nó không nghịch máy tính, mà nổi hứng đá bóng trong phòng – đồ thì toàn pha lê với thuỷ tinh đắt tiền giăng khắp nơi – không rơi vỡ mới là lạ. Hỏng đồ là chuyện nhỏ, thuỷ tinh bắn vào mắt, chân đi đất dẵm phải thì có là chết không? Nó không đá bóng trong phòng mà rủ nhau khoá cửa chạy xuống sân chơi. Sân thì xe ra xe vào ầm ầm. Trẻ con mải chơi, biết đâu mà tránh. Chẳng may có cái xe máy tông ngang người thì có phải là chết không? Nếu không thì phải có người trông. Bà nội bà ngoại mang tiếng ở gần thì gần thật, nhưng đều đang còn công tác. Bố mẹ chả nghỉ làm trông con thì thôi, sao bắt bà nghỉ ở nhà trông cháu được? Không làm cách nào được, chả lẽ thuê giúp việc chỉ để làm mấy tháng hè? Ôi giời, không nói đến giúp việc thì thôi, nói đến lại thấy đau cả tim. Vừa thoát “nạn Osin” từ năm trước, chả lẽ…

Chuyện đang độ cao trào thì thang máy hoạt động trở lại. Ông bạn hàng xóm vác bộ mặt đưa đám, bước vào trong. Chen chúc giữa gần chục con người tất tả buổi sáng cho kịp giờ công sở, ông bạn hàng xóm của tôi lầm lầm lì lì, không muốn phân trần gì thêm nữa.

Bẵng đi mấy hôm…

Lại một buổi sáng đẹp trời, tôi đụng ông bạn hàng xóm trong quán café gần nhà. Mặt mũi tươi tỉnh, cười nói rổn rảng.

– Chào bác, tình hình “chiến sự” bên ấy thế nào? – Tôi bắt chuyện

– “Chiến sự” gì? – Ông hàng xóm tần ngần – À, chuyện hôm trước ấy hả? May quá, có lối thoát rồi.

Ông hàng xóm cầm ly café sang bàn tôi, hỉ hả khoe. Chả là sau khi nghỉ hè chưa được một tuần, cô giáo đã gọi điện đến nhà nhắc phụ huynh qua trường xem lịch học hè của các cháu. Ngoài ra, cô cũng nhắn nhủ thêm rằng, cô cũng phụ đạo ở nhà buổi này buổi nọ. Vẫn chưa hết, bà vợ đảm đang đến cơ quan, tham khảo ý kiến của các chị em cùng phòng làm việc, thấy cần cho bọn trẻ con đi học thêm tiếng Anh, thêm nhạc và vẽ. Toàn những thứ kích thích não trẻ phát triển. Tính ra một tuần bảy ngày, trừ ngày chủ nhật cho chúng nó xả hơi, còn lại thì thừa đủ những thứ cho chúng nó học. Học cho ấm vào thân chứ còn học làm gì. Học có bao giờ là thừa đâu . Vĩ nhân người ta còn “Học, học nữa, học mãi” là gì. Nhắc được câu hay ho này hợp tình hợp cảnh, ông hàng xóm vừa cười vừa vỗ đùi đen đét.

Thấy mặt tôi vẫn có vẻ chưa “quán triệt” lắm, ông hàng xóm kiên trì giải thích tiếp : Chúng nó đi học, cô vừa dạy, vừa trông luôn thể, thế chả tốt hơn à? Không lo nó ở nhà ngã ban công hay điện giật, hay chạy xuống sân bị xe tông phải… Túm lại là cứ khoán cho cô. Mình khỏi cần lo, con cái có chỗ gửi gắm tử tế mà cô cũng có thêm công ăn việc làm. Thế là vẹn cả đôi đường còn gì.

– Nhưng bọn trẻ nó đã học cả năm trời rồi. Nghỉ hè bác cũng phải xem cho nó vui chơi thư giãn chứ. Ai lại vừa chân ướt chân ráo nghỉ ở nhà, đã lại lùa chúng nó đến lớp. Với lại, trẻ con nó cũng cần phát triển cân bằng, bên cạnh việc học hành sách vở cũng cần tiếp xúc thực tế chứ bác…

– Thì vẫn biết thế, nhưng làm thế nào được – Ông hàng xóm thở dài – Con mình không học trong khi các bạn nó đều đi học hết cả. Thế chả phải là tự nhiên thua bạn kém bè… Cái chuyện nghỉ hè của bọn trẻ, tớ thấy nó cũng như đang đi thì bị kẹt thang máy ấy. Ai cũng khổ. Bao giờ con cậu lớn, cậu khắc biết.

Nói thế thì chịu rồi! Tôi chỉ còn nước ngồi im. Tự nghĩ, sao trẻ con thời nay khổ thế. Thời xưa của chúng tôi, học trò đi học chỉ mong ngóng đến kì nghỉ hè. Sẽ là những ngày dài ở quê với đủ trò chơi kì thú. Giờ thì ai có quê – quê cũng bị “phố hoá”. Về chân ướt chân ráo được ba bữa, bố mẹ đã bắt lên để đi học. Không có cả thời gian để cho đầu óc nghỉ ngơi, cho trí tưởng tượng được phát huy.

Trẻ con – vô hình chung thành những cỗ thang máy đã đặt sẵn lệnh, cứ thế mà chạy. Không được phép kẹt lại giữa chừng! Trẻ con ơi là trẻ con!

Phong Điệp
Theo Phongdiep.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *