Bên bờ hạnh phúc

1. Hai mươi năm, tôi mới về quê ngoại chơi; họ hàng ở đó chẳng còn ai, chỉ nhớ được vài người hàng xóm. Nhưng quê ngoại thì vẫn còn nhớ chúng tôi. Lâu lắm mới được nghe cái giọng quê ngoại lảnh lót như tiếng chim của cô Hào. Cô là người bạn thân thiết nhất của mẹ tôi hồi còn con gái, và cũng là người thường giúp đỡ chăm sóc chúng tôi như người mẹ thứ hai khi chúng tôi còn ở quê ngoại. Sau khi xoa đầu, sờ nắn chân tay tôi như một đứa trẻ, và hỏi thăm mẹ tôi còn bị đau khớp gối hay không, cô Hào chợt thoảng thốt:

Minh họa Lê Trí Dũng

 

– Này, bác Hùng chết rồi đấy.

– Bác Hùng nào? – Tôi thật thà hỏi lại.

– Hùng “gấu” chứ còn Hùng nào nữa, chết thật, thằng này quên hết quê ngoại rồi. Khéo mẹ mày cũng quên cả bác ấy rồi đấy.

Tôi láng máng nhớ đến bác Hùng gấu, người phóng chiếc xe Babetta đâm cả vào bờ rào khi tôi học lớp 3 ở quê ngoại vào những năm 80 của thế kỷ trước. Bác Hùng “gấu” ăn to nói lớn, bặm trợn nhưng rất chiều chuộng anh em chúng tôi, và thỉnh thoảng vẫn hay đèo chúng tôi ra chợ huyện ăn phở. Thuở bé chúng tôi chưa hiểu chuyện gì cả.

– Lão Hùng, tình cũ của mẹ mày đấy, mày không biết hay giả vờ – mấy người bạn cô Hào cũng là hàng xóm cũ của chúng tôi – nhao nhao.

2. Hình như về già, người ta có vẻ thích nói chuyện cũ, thích kể lại tình cũ. Cô Hào như quên hẳn cái tin buồn là bác Hùng vừa chết, chuyển ngay sang chủ đề tình yêu giữa bác Hùng và mẹ tôi từ thời học sinh. Cứ theo lời cô, thì bác Hùng yêu mẹ tôi lắm, suốt ngày tỉ tê ca bài Chuyện tình Lan và Điệp, nhưng bác ta học hành không đến nơi đến chốn, nên suốt cả quãng đời trai trẻ chỉ lẽo đẽo theo mẹ tôi như một cái bóng. Cũng có thời kỳ mẹ tôi xiêu lòng. Chẳng biết sự thật là bao nhiêu phần trăm, nhưng người ta đồn ầm lên là bác Hùng trèo lên cây cau hái hoa xuống bỏ vào lu nước cho mẹ tôi gội đầu. Việc này khiến bà ngoại tôi chửi cho một trận nên thân vì làm “thất bát” cả mùa cau của bà. Với bà ngoại tôi, mỗi buồng cau cuối Chạp tương đương với hai yến gạo.

– Nhưng mẹ mày mới là người phụ tình bác Hùng – cô Hào nói giọng buồn buồn – Gặp bố mày phong nhã, hào hoa một cái là mẹ mày “tít” luôn. Chỉ khổ cho bác Hùng, cả đời thấp thỏm chẳng ra sao…

Trong đầu tôi cố gắng tưởng tượng về mối tình trong quá khứ của mẹ tôi và cố gắng ráp nối mối tình đó với mẹ tôi bây giờ. Câu chuyện xa xôi như thể đã diễn ra nhiều kiếp trước. Tôi không thể hình dung trong cuộc sống của mẹ tôi bây giờ có một chút quá khứ nào không gắn liền với gia đình tôi. Bao năm nay, mẹ tôi chỉ có một “khoảng trời chung” là căn nhà và chồng con, chẳng thấy có chỗ nào dành cho khoảng trời riêng. Mẹ không có nhật ký, cũng hầu như không viết ra bất cứ cái gì để thể hiện tâm trạng mình – bao năm nay cây bút của mẹ chỉ để ghi những khoản nợ hoặc những con số đánh dấu ngày tháng cho các ngày giỗ, tết. Mẹ cũng không dùng điện thoại di động, và đến điện thoại cố định cũng rất ít khi. Ngôn ngữ của mẹ chỉ để hỏi thăm xem con cháu ốm đau thế nào, muốn ăn uống gì để chuẩn bị…

Vậy mà ở đâu đó, mẹ tôi lại có một mối tình dở dang đã trở thành câu chuyện “truyền miệng” của những người cùng thời..

3. Nhân bữa cơm gia đình, có đầy đủ bố mẹ và các anh em, tôi thử lục tìm “khoảnh trời riêng” của mẹ.

– Hôm nay, con lên ngoại, gặp cô Hào, cô ấy kể bác Hùng “gấu” chết rồi – tôi thăm dò.

– Chết thật rồi à? – Mẹ tôi bình thản – Khổ thân, bác ấy suốt đời lông bông, chả ra cái gì.

– Nghe cô Hào kể, bác ấy vẫn nhớ “tình cũ” là mẹ – tôi nói giở đùa giở thật.

– Chỉ được cái láo lếu – mẹ tôi cười – đến vợ con bác ấy còn chán, nữa thì yêu được ai – mà chúng mày lên đấy lại toàn nghe mấy bà rỗi hơi ngồi tán nhảm chứ gì.

Tôi tưởng mẹ tôi sẽ thảng thốt, rồi đêm sẽ phải thao thức, hay ngồi yên lặng trong bóng tối. Nhưng không, mẹ tôi vẫn xem nốt bộ phim Hàn Quốc đến tận khuya, và trước khi gáy khò khò, mẹ còn hỏi tôi ngày mai nấu bún chân giò hay bún mọc.

Tôi đâm hoài nghi về câu chuyện của cô Hào.

Sáng sớm tôi ra giếng rửa mặt. Vục đầu vào thau nước để sẵn ở đó, tôi thấy có mùi thơm thoang thoảng. Vớt lên được mấy hạt như hạt ngô. Hóa ra hoa cau. Lâu lắm mới gặp hoa cau, vì nhà tôi không trồng cau.

Hình như đó là bí mật của mẹ trong ngày Valentine này đấy.

Thái Thanh – Theo Thể thao và Văn hóa
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *