Bên bờ hạnh phúc

Ông Lý Trung Chánh, còn gọi là Thợ Chánh, sinh năm 1868, tại làng Tân Xuân – huyện Ba Tri – tỉnh Bến Tre. Do cha mẹ mất sớm, ông học nghề thợ bạc và đi kiếm sống tại Tam Bình. Nơi đây, ông lập gia đình với bà Võ Thị Nhiều và sinh được 7 người con. Những năm sau, ông làm chủ một tiệm vàng ở thị trấn Tam Bình và một mảnh vườn ở Cầu Hàn, thuộc xã Mỹ Thạnh Trung, nay là xã Tường Lộc – huyện Tam bình.

Trở thành một tiểu chủ khá giả, Lý Trung Chánh có thể ung dung hưởng thụ cuộc sống sung sướng, nhàn hạ. Nhưng ông đã chọn cho mình một cách sống khác, đó là dấn thân vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Chẳng những thế, ông còn vận động con cháu của mình cùng đi chung con đường mà ông đã chọn. Những năm chưa có Đảng, Lý Trung Chánh tích cực đóng góp tiền bạc, giúp hội Duy Tân và cho con trai lớn là Lý Phùng Xuân sang Nhật du học theo chủ trương Đông Du của Phan Bội Châu. Năm 1930, ông được đứng vào hàng ngũ những người cộng sản và là một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của huyện Tam Bình, được nhiều người dân ở địa phương yêu mến, kính trọng.

Từ năm 1927 – 1940, ông Lý Trung Chánh đã bị bắt giam đến bốn lần, trong đó có hai lần bị lưu đày ra Côn Đảo. Chế độ hà khắc của nhà tù thực dân không làm lung lay ý chí kiên định của người chiến sĩ cộng sản. Mỗi lần ra tù, ông lại tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Nhiều người dân nơi đây vẫn còn nhớ rõ, năm 1940, tuy đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông vẫn tích cực tham gia mọi hoạt động chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền theo chủ trương của Xứ uỷ Nam Kỳ. Nhà ông lúc đó là điểm tập kết lực lượng và cũng là nơi xuất phát của cánh quân thứ nhất, trong đó có con trai và cháu nội của ông là Lý Văn Mẫn và Lý Văn Hoà. Cánh nầy có nhiệm vụ đánh chiếm đồn lính và dinh quân Tam Bình. Chính ông đã trao cho đồng chí Phan Văn Đáng con dao phay để chỉ huy trận đánh quyết định nầy.

Cùng với Mỹ Thạnh Trung và huyện lỵ Tam Bình, một số địa phương như Tường Lộc, Song Phú, Cái Ngang cũng đồng loạt nổi dậy và gây cho địch những tổn thất nhất định. Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Tam Bình góp phần cùng huyện Châu Thành và Vũng Liêm gây nên tiếng vang lớn, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về hành động cách mạng của quần chúng, về sự lãnh đạo của Đảng. Đó chính là cuộc diễn tập hết sức quan trọng cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945.

Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, địch điên cuồng khủng bố, trả thù. Nhà ông Lý Trung Chánh và nhiều bà con bị địch đốt cháy rụi, đất đai bị chiếm giữ. Ông và hai con trai là Lý Phùng Xuân, Lý Văn Mẫn bị bắt và lưu đày Côn Đảo. Những người còn lại phải lẩn tránh sự truy lùng của địch. Gia đình ly tán. Riêng ông, do tuổi già sức yếu, không chịu nổi chế độ lao tù khắc nghiệt, ông đã hi sinh nơi Côn Đảo năm 1942. Con trai ông là Lý Văn Mẫn đã làm một bia đá đặt tại mộ ông ở nghĩa địa Hàng Dương.

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền đã lấy tên ông đặt cho một con đường tại thị trấn Tam Bình. Tuy nhiên, tên đường ấy ngày nay không còn.

Bà Lý Thị Quyên và ông Lý Văn Khiêm là con ông Lý Văn Thảo – một trong những người con của Lý Trung Chánh. Ông Lý Văn Thảo cũng là người tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương. Ông đã hai lần bị bắt tù đày, một lần ở Bà Rá – Tà Lài và một lần bị đày đi Côn Đảo. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là huyện uỷ viên huyện Tam Bình. Một người con khác của Lý Trung Chánh là Lý Văn Tự, tập kết 1954, là bộ đội phòng không thuộc Đại đội pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân. Sau 1975, ông về công tác ở Sở Giao thông – Vận tải thành phố Hồ Chí Minh. Hiện, ông nghỉ hưu ở cư xá Thanh Đa – thành phố Hồ Chí Minh.

Ở thị trấn Tam Bình có một con đường và và chiếc cầu mang tên Võ Tấn Đức. Võ Tấn Đức tên thật là Võ Tuấn Đức, nguyên tỉnh uỷ viên Tỉnh ủy Vĩnh Long, là con rể thứ sáu của Lý Trung Chánh. Ông cũng là một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ xã Tường Lộc – huyện Tam Bình, người đã có những đóng góp rất to lớn cho phong trào cách mạng ở địa phương. Ông từng viết nhiều bài đăng trên tờ Dân Chúng, tờ báo công khai của Đảng ở Sài gòn lúc bấy giờ để bênh vực quyền lợi của người nông dân. Võ Tấn Đức còn là anh vợ của đồng chí Tạ Uyên – Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long (1936), nguyên Bí thư Liên Tỉnh ủy Cần Thơ (1937) và Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (1940). Năm 1939, ông bị giặc Pháp bắt và lưu đày ra Côn Đảo cùng anh vợ là Lý Phùng Xuân. Sau đó, ông cũng đã hy sinh ở chốn địa ngục trần gian nầy.

Ông Võ Tấn Đức có người con gái tên Võ Thị Dung, nguyên là Phó Ban tổ chức Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam. Nay, bà đang nghỉ hưu tại Thủ đô Hà Nội. < br />
Trong những năm chồng và các con trai bị địch bắt giam cầm, bà Võ Thị Nhiều – vợ ông Lý Trung Chánh – cùng các con gái đảm đang việc nhà và tích cực nuôi chứa, bảo vệ cán bộ của Đảng như ông Tạ Uyên, ông Quảng Trọng Hoàng – Bí thư Liên Tỉnh uỷ Cần Thơ, ông Phan Văn Bảy – Liên Tỉnh uỷ Cần Thơ v.v… Ông Nguyễn Văn Nhung – nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long – đã nhận xét, bà là một người mẹ rất đáng quí trọng, rất xứng đáng được Đảng tuyên dương.

Trên phần đất còn lại của gia đình ở Rạch Hàn – xã Tường Lộc, nhiều thế hệ con cháu của ông Lý Trung Chánh đều về đây yên nghỉ. Riêng ông và con rể Võ Tấn Đức vẫn nằm lại ngoài đảo xa. Chỉ trong vòng mười năm từ năm 1930 – 1940, trong gia đình ông đã có đến 8 người bị bắt tù đày, trong đó có 6 người bị đày ra Côn Đảo.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Lý Trung Chánh và các con cháu rất vẻ vang và rất đáng được trân trọng.

Điều đáng buồn là nhiều người dân huyện nhà chẳng biết Lý Trung Chánh là ai, có cán bộ bảo rằng tên ông nghe lạ hoắc, chưa nghe nhắc đến bao giờ. Thậm chí, đất vườn nhà ông được trưng dụng, nhưng không khai thác sản xuất từ nhiều năm qua, trông hoang tàn đìu hiu.

Không có quá khứ thì không có hiện tại, không có sự hi sinh cao cả của bao thế hệ cha anh thì không có những ngày được ngẩng cao đầu sánh vai cùng bè bạn hôm nay.

Tuyết Mai

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *