Cuộc đời nữ sĩ Ngân Giang là một cuộc đời đặc biệt, diệu kỳ nhưng dù ở hoàn cảnh nào, dù khó khăn gian khổ đến mấy vẫn vẹn nguyên tinh thần dân tộc như thơ nữ sĩ đã viết "Hãy gác tình riêng mưu nghiệp lớn/ Để dòng máu giặc dội biên cương".
Nữ sĩ Ngân Giang, một tài thơ sớm nổi danh từ trước cách mạng tháng Tám, được mệnh danh là nữ hoàng Đường thi Việt
Dòng sông Ngân, dòng sông trời chưa bao giờ thôi chảy? Nữ sĩ Ngân Giang của 70 năm, 60 năm trước, của hôm qua và hôm nay dường như không có tuổi. Ai nào đi tính tuổi nhà thơ, hơn nữa một người được giới văn chương tiền chiến mệnh danh là nữ sĩ. Ngân Giang sinh ra ở Hàng Trống – Hà Nội năm 1916, con nhà nho học danh gia vọng tộc một thời đã sớm nở tài thi họa, đã tự viết tên mình trong làng văn đất Việt trước năm 1945. Làm thơ từ khi mới 6 tuổi, giới văn chương ngày ấy vẫn gọi nữ sĩ là bậc thần đồng. Năm 1944, tập thơ "Tiếng vọng sông Ngân" nức tiếng thi đàn. Rồi kháng chiến, rồi chiến tranh và hòa bình, bao nhiêu chìm nổi với một cuộc đời nữ sĩ – chiến sĩ cách mạng có gần 90 tuổi trời cũng là ngần ấy mùa màng của thơ ca.
Hà Nội, mùa đông 1946. Thực dân Pháp hiếu chiến và quỷ quyệt bội ước nổ súng vào đồng bào ta. Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên! Lời Người cũng là lời hiệu triệu toàn thể con dân đất Việt vùng lên bảo vệ, giành lấy cuộc đời mình, bảo vệ non sông Tổ quốc mình.
Trong những ngày ác liệt ấy, nữ sĩ Ngân Giang, một con người tài sắc nổi tiếng lập tức tham gia chiến đấu. Khi thì uyển chuyển linh hoạt vào tận hang cọp Tàu Tưởng để cứu các bạn đồng chí, khi thì chăm sóc bộ đội, thương binh. Khi nhạc sĩ Đỗ Nhuận bị bọn Tàu Tưởng bắt giữ, Ngân Giang với sắc đẹp và bản lĩnh của mình đã trực tiếp gặp những tên tướng Tàu đề nghị trao trả tự do cho người nhạc sĩ tài hoa, đó cũng là cái bụng liên tài của nữ sĩ. Hình ảnh một Ngân Giang dịu dàng, quyết liệt mà vẫn rất mực tinh tế, nho nhã còn in sâu trong ký ức của nhiều người.
Bác Lê Duy Chữ, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ chính trị, Ban Nội chính Trung ương khi trao đổi với chúng tôi có kể ra một câu chuyện khá đặc biệt về tài ứng xử của Ngân Giang khi nhiều lần vào hang cọp. Thực ra, nữ sĩ xứng đáng là những chiến sĩ tình báo đầu tiên của cách mạng Việt nhưng với bản tính kẻ sĩ của mình, lúc thường thời, rất ít khi bà nhắc về những chiến công lặng lẽ ấy mà chỉ đắm đuối với thơ ca.
Ngân Giang là thế. Luôn một lòng đi theo cách mạng. Cuộc đời nữ sĩ là một cuộc đời đặc biệt, diệu kỳ nhưng dù ở hoàn cảnh nào, dù khó khăn gian khổ đến mấy vẫn vẹn nguyên tinh thần dân tộc như thơ nữ sĩ đã viết "Hãy gác tình riêng mưu nghiệp lớn/ Để dòng máu giặc dội biên cương". Các bạn văn của nữ sĩ hôm nay, thảy đều khâm phục một Ngân Giang tài sắc vẹn toàn, trước sau như một, với dân tộc, với Đảng, với Bác Hồ và sống vô cùng nhân hậu với gia đình, với bằng hữu văn chương.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải, một người chuyên viết tiểu thuyết lịch sử, khi nghe tin chúng tôi quay những thước phim về cuộc đời và thơ ca của Ngân Giang đã không quản xa xôi, đi xe ôm từ Yên Tử về với người chị tri kỷ của mình. Sinh thời, nữ sĩ Ngân Giang rất yêu mến cậu em Hoàng Quốc Hải và luôn hy vọng sẽ làm được một cái gì đấy cho văn chương, cho lịch sử. Hôm ấy Hoàng Quốc Hải ngồi im lặng rất lâu trước bức ảnh người chị tóc trắng, áo dài trắng tuyệt đẹp đã chu du cõi phật. Tôi dường như thấy được những giọt nước mắt của nhà văn dành cho người chị tri kỷ của mình.
Nhà văn bảo có những hôm trời lạnh, khi ấy nữ sĩ còn bán nước chè ở ngoài đê sông Hồng. Sông mùa đông gầy guộc thắt lại như một sợi chỉ bạc. Hai chị em rét run cầm cập nhìn dòng sông Mẹ chảy như vô định về phía chân trời. Rồi nữ sĩ khẽ ra hiệu mời cậu em vào nhà đốt một nén hương trầm rồi đọc những câu thơ viết về vùng biên ải. "Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi…" cậu em chợt lặng người trước tâm tư ưu thời của nữ sĩ.
Thi phẩm của nữ sĩ Ngân Giang trải 80 năm sáng tác có thể nói là rất đồ sộ. Khởi từ 6 tuổi đã viết câu thơ đầu tiên, đến 9 tuổi đã có bài "Vịnh Kiều" nổi tiếng, 16 tuổi in tập thơ "Giọt lệ xuân" được văn giới và báo giới trước cách mạng hết sức ngợi khen, mặc nhiên coi nữ sĩ là bậc thần đồng. Thời ấy, nữ sĩ Ngân Giang thường xuyên xuất hiện trên các báo, tạp chí "Phụ nữ thời đàm", "Tri tân" "Tiểu thuyết thứ bảy". Và năm 1944, tập thơ nổi tiếng nhất của nữ sĩ gây xôn xao dư luận, đó chính là "Tiếng vọng sông Ngân", và tiếp đó, trong kháng chiến với những: "Xuân chiến địa", "Trưng nữ vương", "Tiễn con ra trận"… để từ ấy, nữ sĩ được giới văn chương gọi là Nữ hoàng Đường thi Việt Nam, đó là một phần thưởng vô giá đối với người cầm bút.
Khi chúng tôi đến phỏng vấn Giáo sư Vũ Khiêu về tài năng cũng như đức độ của nữ sĩ Ngân Giang, đã nhận được ở ông những lời giản dị và sâu sắc về một tài thơ truân chuyên nhưng đầy cá tính, một nhân cách theo ông là không dễ thấy ở đời. Ông cho biết trong những ngày khó khăn nhất, chị Ngân Giang vẫn luôn luôn lạc quan, tin vào thơ ca, tin vào cách mạng và đặc biệt tin tưởng vào tài đức của Cụ Hồ. Hiếm có một người nào như Ngân Giang, càng khó khăn về vật chất, càng tin tưởng vào những gì mình đã lựa chọn.
Nữ sĩ Ngân Giang có cuộc đời riêng cực kỳ truân chuyên, vất vả. Và, cũng không một ai ngờ được người con gái tài sắc nhường ấy đã tự nguyện trải đời mình theo tất cả các cuộc chiến tranh cách mạng chỉ với một mục đích duy nhất là làm thơ và đánh giặc. Cuộc đời làm thơ, cuộc đời cách mạng của nữ sĩ là một tấm gương tiêu biểu của kẻ sĩ trước họa xâm lăng. Tấm lòng của nữ sĩ Ngân Giang khó nói hết thành lời nhưng qua thơ của nữ sĩ, chúng ta đã phần nào hiểu được tấm lòng ấy.
Nữ sĩ Ngân Giang là hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), một Ngân Giang – chiến sĩ – hội viên cứu quốc thành Hoàng Diệu (1946) và trước đó nữa, nữ sĩ Ngân Giang của giới văn chương tiền chiến, nổi danh đồng thời với Đông Hồ, Mộng Tuyết, Hằng Phương, Vũ Hoàng Chương, Vân Đài, Quách Tấn, Đoàn Phú Tứ…
Thời gian nước chảy chân cầu, dù ngược dòng ghềnh thác hay êm thuận trôi xuôi thì những gì mà Ngân Giang đã làm với thơ ca, với cách mạng và với gia đình, cũng đều thật đáng trân trọng.
Chị Tường Vân, con gái nữ sĩ Ngân Giang cho biết có những đêm, mẹ tôi lặng lẽ đốt hương trầm thầm gọi tên những người bạn thơ tài danh một thuở nhưng biết bao binh biến, đắng cay, thua thiệt giáng xuống đầu họ và mơ ước ở chốn vô cùng những tài danh ấy sẽ vẫn quần tụ bên nhau, bên thơ ca mà bộc lộ tâm can chí hướng của mình. Những năm cuối đời, nữ sĩ rất ít nói. Những gì cần nói, bà đã bộc lộ ra thơ ca cả. Bà vẫn dạy các con ở đời phải biết im lặng. Bản thân bà cũng luôn im lặng trước những biến động khôn cùng mà dâng mật cho đời.
Cuộc đời thường của nữ sĩ Ngân Giang đã từng là đề tài cho văn giới và báo giới còn có không ít những chi tiết nhuốm màu huyền thoại. Tình riêng nhiều trắc trở nhưng ở nữ sĩ tình yêu Tổ quốc và tình yêu con người hiếm có ai đạt được như vậy. Nhìn vào khối lượng thơ ca của nữ sĩ Ngân Giang. Nhìn vào cuộc đời cách mạng gian nan của người chiến sĩ tự vệ thành Ngân Giang, những người cầm bút đều thốt lên từ đáy lòng. Thật là thán phục! Tất cả, tất thảy những bài viết về nữ sĩ Ngân Giang đều xuyên suốt một tinh thần ấy.
Nữ sĩ Ngân Giang tên thật là Đỗ Thị Quế, quê gốc ở thôn Hướng Dương, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ. Nơi làng mạc, cánh đồng ấy không nhiều màu mỡ nhưng dày dặn văn hóa, phong tục, chuông khánh, đình chùa. Và xa kia là sông Đà Giang ghềnh thác, cao kia là núi Tản Viên Sơn đá xanh mây trắng. Quê hương gói một tâm hồn riêng biệt Ngân Giang, biểu hiện và hiển hiện thành khí phách thơ Ngân Giang.
Hôm nay, tiết cuối thu, nhân dân nơi quê hương lặng lẽ đến với người con yêu quý của mình, theo một cách riêng của những người dân xứ Đoài mây trắng. Bên mộ nữ sĩ Ngân Giang, trời xanh như xanh hơn, đất thắm như thắm hơn và dường như hương hoa cũng thơm hơn, dắt dìu, bảng lảng. Nữ sĩ ở đây, như đang mỉm cười, như đang trò chuyện, rì rầm, từ trong lòng đất ấm với họ hàng, làng mạc, quê hương.
Bên nấm mộ mẹ, anh Nguyễn Thức, con trai nhà thơ Ngân Giang không cầm được dòng nước mắt. Mẹ đã cho anh tất thảy niềm tin và lẽ sống ở đời, đã dạy anh biết chắt chiu những gì nhỏ bé nhất để lớn lên và làm người, làm thơ và yêu cuộc sống cần lao của chính mình. Tấm lòng của mẹ đến khi những người con hiểu ra thì mẹ đã ở rất xa, đã ở một cõi khác. Các con của nữ sĩ Ngân Giang đều thừa hưởng đức tính biết yêu thương và chia sẻ, nếp gia phong truyền thống của gia đình.
Nữ sĩ Ngân Giang, từ "Tướng phủ thơ từng treo giải nhất/ Non hồng sống mãi một dòng Ngân", chiến sĩ Ngân Giang, từ "Đây cả tấm lòng dâng chiến sĩ/ Quên tình riêng nhé, nhớ giang san" đã thuỷ chung một cuộc đời, đã dâng trọn cho thơ ca và cách mạng. Và, cũng chính thơ ca và cách mạng, đã tô thắm cuộc đời nữ sĩ Ngân Giang.
Theo CAND Online