Bên bờ hạnh phúc

Có thể chẳng ai có ý định bỏ một ngày hay một tuần để nghiên cứu về những đôi guốc mộc. Nhưng sự thật, chính những đôi guốc mộc đã đã nói với chúng ta một điều: Có những vật dụng trong đời sống con người không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội nhưng nó lại có một sứ mệnh giữ cho sợi dây vô hình nối chúng ta với những gì thân thuộc và thiêng liêng không bao giờ đứt.

Chị gọi điện cho tôi và đặt tôi viết bài.

Tôi hỏi :

– Viết về cái gì ?

– Guốc mộc – Chị trả lời.

Tôi lặng người đi trong khoảnh khắc. Hình như đây là một trong vài lần ít ỏi trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã sống trong một khoảnh khắc lạ kỳ khi nghe lời đặt bài của một biên tập viên. Bạn sẽ băn khoăn không hiểu vì sao tôi nói vậy. Điều đó chẳng có gì ngạc nhiên. Bởi việc đặt bài này vô tình đã chạm vào một thế giới của riêng tôi. Và thế giới ấy liên quan đến những đôi guốc mộc. Đó chính là thế giới của những người thân yêu đã khuất của tôi.

Bây giờ, giữa thời đại của những giày, dép gắn liền với những thương hiệu lớn trên toàn cầu, tôi hầu như không còn được thấy những đôi guốc mộc. Chính tôi cũng đã quên đi hình ảnh những người đi guốc mộc và tiếng guốc mộc vang lên đặc biệt trong những đêm thanh vắng ở làng quê. Và thế là, lời đặt bài đã vô tình làm bật tung cánh cửa của một căn phòng ký ức trong tôi đã kép chặt từ lâu. Trong khoảnh khắc nhanh như một cái chớp mắt, tiếng guộc mộc bỗng vang lên dồn dập và cuối cùng dâng cao như một con sóng khổng lồ dội vào bờ đá. Tất cả những người thân yêu đã khuất của gia đình tôi hiện về.

Đó là ông bà nội tôi, cha mẹ tôi, cô Dự của tôi – một bà mẹ Việt Nam anh hùng, cô Mỡ tôi – người cô mất năm 16 tuổi với bệnh viêm phổi vì cảm lạnh trước khi lấy chồng mấy tháng và biết bao người thân yêu khác đã trở thành thiên cổ. Thời đó, tất cả những người thân yêu ấy đều đi guốc mộc. Những năm tháng đói ngèo ấy, những người thôn quê chẳng có lựa chọn nào khác cho thời trang của mình. Có người mấy năm liền không hề dám may một chiếc áo hay quần mới. Quần áo rách đến đâu thì vá đến đấy. Bây giờ, tôi vẫn nhớ chiếc áo của bà tôi dày đặc những miếng và nặng trĩu khi ngấm nước. Và các loại giày dép thì hòan toàn không có. Vào những năm 70 hay 80 của thế kỷ trước, một đôi dép nhựa Tiền Phong là một giấc mơ lớn của thanh niên miền Bắc không chỉ ở nông thôn, mà cả ở thành thị. Bởi thế, guốc là thời trang phổ biến nhất của mọi người.

Bà nội tôi có một đôi guốc mộc đẽo bằng gỗ xoan do ông nội tôi làm cho bà vì ông nội tôi là thợ mộc. Nhưng bà nội chỉ dùng đôi guốc đó vào những ngày trọng đại, còn hầu như cả đời, bà tôi đi chân đất. Còn mẹ tôi thì dùng guốc quanh năm. Mẹ tôi là một bà giáo làng. Mẹ tôi không thể đi chân đất đến lớp. Trong những đêm mẹ tôi có việc về muộn, anh em tôi vừa ngủ lơ mơ bên bà nội vừa đợi mẹ về. Chỉ khi tiếng guốc mẹ tôi vang lên dọc lối ngõ, chúng tôi mới yên tâm chìm vào giấc ngủ.

Chúng tôi có khả năng phân biệt tiếng guốc của từng người trong gia đình, họ hàng. Có tiếng khoan, có tiếng nhặt, có tiếng nhẹ, có tiếng nặng, có tiếng guốc của người đang tức giận, có tiếng guốc của người đang say rượu, có tiếng guốc của những người già, có tiếng guốc của các cô thôn nữ đi họp đội sản xuất về muộn cùng với ánh sáng những ngọn đèn chai chập chờn.

Khi tôi ra đời, ông nội tôi đã mất. Mẹ tôi thường kể vào những đêm mùa hạ oi bức, ông nội tôi thường nằm trên hiên nhà hóng gió. Những lúc như thế, ông nội tôi dùng đôi guốc mộc để gối đầu. Trước kia ở làng quê, những người đàn ông chẳng bao giờ dùng gối nhồi râu ngô hay bông gạo như những người đàn bà trong làng thường làm, mà chỉ dùng gối bằng một khúc tre đẽo nhẵn bóng. Thời đó, đường ngõ đều đắp bằng đất cứ có mưa là lầy lội. Những người đi guốc đến đoạn lầy lội thì tháo guốc ra cầm tay mà đi qua. Hết đoạn đường lầy lội, họ ghé xuống ao rửa chân và lại xỏ guốc vào. Chính thế mà thời đó, ngoài đời sống khó khăn thì dùng guốc mộc là thuận tiện hơn cả.

Tôi chẳng thể nào quên được câu chuyện về cô Mỡ của tôi, cho dù khi tôi ra đời, cô tôi đã mất. Năm cô tôi 16 tuổi, một chiều, cô tôi ra sông Đáy chảy qua làng bắt hến để nấu cháo. Những năm tháng đói mê man, sông Đáy đã cứu sống người làng tôi. Không có con sông nào ở xứ sở này lại nhiều hến như sông Đáy. Sông Đáy không chỉ có hến, mà còn có trai sông, có con mẹ ghẻ, con chìa vôi, con trùng trục… Người làng tôi bắt hến và các loại nhuyễn thể hai mảnh khác nấu cháo. Gọi là cháo nhưng chỉ có một dúm gạo có thể đếm được bao nhiêu hạt, mà chủ yếu nấu với su hào, khoai lang hoặc củ chuối. Trong cái chiều mưa rét ấy, cô tôi đã dầm nước sông bắt hến và nhiễm lạnh, bị viêm phổ rồi mất trước ngày cưới chỉ mấy tháng. Sau này, bà tôi vẫn thường mơ thấy cô hiện về đứng bên bậc cửa và nói với bà tôi : "Khi nào con cưới, u bán thúng thóc mua cho con chiếc áo và đôi guốc u nhé". Nhưng cô tôi không bao giờ đến được ngày cưới của mình và bà tôi đau buồn mãi đến khi mất. Sau này cứ đến ngày giỗ cô, bà tôi lại cố mua một chiếc áo và một đôi guốc vàng mã gửi cho cô. Và khi bà nội tôi mất, một người em họ bà tôi đã đẽo vội trong đêm một đôi guốc để vào áo quan khi khâm niệm bà tôi.

Tôi không biết những nơi khác người ta đẽo guốc bằng gỗ gì, còn quê tôi, người ta đẽo guốc bằng gỗ xoan đào. Gỗ xoan mềm, dễ đẽo và nhẹ, dễ đi. Ngày ấy, làng nào cũng trồng rất nhiều xoan. Vào cuối tháng Hai âm lịch, hoa xoan nở tím làng quê. Ông bác còn nói với tôi người ta đẽo guốc bằng gỗ xoan còn vì một lý do là tiếng guốc nghe rất giòn và trong, không như các loại gỗ khác. Nhưng rồi sau này, chỉ những người đàn ông và những người già mới tự đẽo guốc để đi chứ các thôn nữ không thích đi guốc đẽo bằng gỗ xoan nữa. Vào phiên chợ quê, họ líu ríu rủ nhau đi chợ mua những đôi guốc có sơn màu và vẽ trang trí.

Tôi đã từng theo chị gái tôi đi chợ mua guốc. Chị tôi cứ thử đi thử lại các đôi guốc đến mất cả buổi. Mua được guốc xong thì phải chọn quai guốc. Quai guốc cho phụ nữ càng ngày càng phong phú với nhiều thể loại : quai nhựa, quai cao su, quai da, quai lụa… Chọn quai guốc xong thì chọn đinh guốc. Người ta bán guốc, bán quai, bán đinh để về nhà các cô thôn nữ đo quai guốc cho vừa chân mình rồi mới dùng đinh để đóng quai vào guốc. Mua đinh rồi thì mua miếng đệm để trên phần quai đóng vào guốc, tránh đinh làm rách quai guốc khi sử dụng. Sau cùng là mua đế guốc. Đó là những miếng đệm bằng cao su để guốc không mòn nhanh. Chuyện đóng miếng đệm vào đế guốc là "du nhập" từ thành thị. Hồi đó, nữ công chức đi guốc rất nhiều. Có lẽ không chỉ vì sợ guốc mòn, mà là để giảm bớt tiếng guốc thơ mộng một lúc nào đó nhưng cũng gây ra tiếng ồn không kém khó chịu nơi công sở.

Nói về quai guốc thì nó có cả một lịch sử.  Chặt một cây xoan đào xuống thì đẽo được hàng chục đôi guốc. Nhưng quai guốc thì không phải là dễ kiếm. Một đôi guốc đến lúc không dùng được cũng phải thay biết mấy lần quai. Chẳng thế mà mỗi khi giúp mẹ mang guốc đến ông bác nhờ thay quai thì ông bác tôi lúc nào cũng nói : " Guốc bảy đời quai, trai hai đời vợ". Câu ấy có ý rằng một người đàn ông thường cũng chỉ lấy đến hai đời vợ, còn một đôi guốc phải đến bảy lần thay quai. Chính thế mà bất cứ thứ gì có thể làm được quai guốc là người ta cất kỹ để dùng. Hồi nhỏ ở quê, tôi nhớ cha tôi đã mang về một chiếc cặp da rách của một ông lãnh đạo tỉnh vứt đi. Cha tôi đã cắt chiếc cặp da đó thành từng miếng để làm quai guốc. Tôi ngồi xem ông cắt chiếc cặp da cũ rách cẩn trọng như cắt một miếng vàng lá. Sau đó, ông biếu những miếng da cho mấy người anh em trong họ để làm quai guốc. Tất nhiên ngày ấy, cặp da là da thật chứ không phải giả da như bây giờ. Thi thoảng, cha tôi lại mang về một chiếc vỏ xe đạp đã mòn nhẵn mà ai đó bỏ đi. Cha tôi hì hục cả buổi trưa cắt thành những đôi quai guốc. Quai guốc bằng vỏ xe đạp hơi cứng nhưng bền vô cùng. Những năm tháng mà tôi gọi là thời đại đi guốc thì mọi thứ đều quí hiếm. Bởi thế món quà "quai guốc" của cha tôi thực sự là một món quà quí đối với những người thôn quê ngèo khó và hầu như cả đời chỉ quanh quẩn trong làng.

Hồi nhỏ, tôi đã được một người trong họ dạy cách đẽo guốc mộc. Ông dạy tôi đẽo guốc làm sao để đi thấy mềm gót nhất. Nếu không biết đẽo guốc, người đi sẽ có cảm giác lao về phía trước hoặc thấy mỏi gót chân hoặc tức ở lòng bàn chân. Đẽo guốc xong, chúng tôi lấy mảnh chai vỡ cạo cho đôi guốc mộc nhẵn bóng. Có những đôi guốc được dùng cả chục năm, đến nỗi gót guốc mòn vẹt mỏng như một tờ giấy. Làng tôi trước kia có một người làm guốc mộc nổi tiếng trong vùng. Ông làm guốc để bán. Ông xâu những đôi guốc vào dây thừng và gánh đi bán. Ông cứ gánh hai xâu guốc đi hết làng này làng khác, bao giờ bán hết guốc thì lại mua khoai, sắn, ngô và trở về nhà. Bây giờ, làng tôi vẫn còn một hai người già đi guốc mộc. Con cháu mua giày, mua dép cho họ nhưng họ không đi. Họ chỉ xỏ chân vào những đôi giày da, dép da một lần vì chiều con cháu. Sau đó, họ cất đi cho đến khi chết. Họ đã đi guốc gần hết cuộc đời rồi. Họ chẳng thể nào thay đổi được thói quen của họ. Làng quê bây giờ vẫn còn những người đàn bà đi guốc, nhưng không phải guốc mộc. Đó là những đôi guốc được cải tiến.

Ở thành thị bây giờ cũng vẫn còn những người đàn bà đi guốc. Không hiểu sao mà lúc nào tôi cũng thấy gót chân của những người đàn bà đi guốc thật đẹp. Và cái dáng đi của những người đàn bà hay cuả những cô gái đi guốc lúc nào cũng duyên dáng và gợi cảm lạ lùng. Đó không chỉ bởi ký ức của tôi về những người thân yêu thuộc về thời đại của thời trang guốc, mà bởi đặc tính của những đôi guốc đã làm cho dáng đi của những người đàn bà như vậy.

Với một lý do vô tình từ lời đặt bài mà tôi được trở về sống những năm tháng xa xưa. Hay nói chính xác hơn là được sống với những người thân yêu đã mất trong gia đình tôi, trong làng quê tôi. Có thể, chẳng ai có ý định bỏ một ngày hay một tuần để nghiên cứu về những đôi guốc mộc. Nhưng sự thật, chính những đôi guốc mộc đã đã nói với chúng ta một điều : Có những vật dụng trong đời sống con người không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội, nhưng nó lại có một sứ mệnh giữ cho sợi dây vô hình nối chúng ta với những gì thân thuộc và thiêng liêng không bao giờ đứt. Và những đôi guốc mộc chính là một trong những hiện vật kỳ lạ trong bảo tàng đời sống rộng lớn này. 

Nguyễn Quang Thiều – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *