Bên bờ hạnh phúc

 

Qua nhà thơ Vũ Duy Thông, tôi quen rồi thân với Trịnh Thanh Sơn. Đó là những năm đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước.

 

Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn

Ngày đó, tôi công tác ở Sở Văn hóa khu tự trị Việt Bắc, Vũ Duy Thông là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Việt Bắc, Trịnh Thanh Sơn ở Khu gang thép Thái Nguyên. Thành phố Thái Nguyên hồi ấy vắng vẻ nên những người làm văn hóa, văn nghệ dễ gần nhau. Thường cứ mỗi chủ nhật, Sơn lại cuốc bộ hơn mười cây số, đường thì rất bụi bặm, từ khu gang thép lên thành phố để đến Vũ Duy Thông, rồi tiện đường anh ghé tôi. Tôi biết Thông rất qúy chàng trai công nhân có khuôn mặt rắn rỏi, cương nghị, tuy vẫn còn chút e dè, đang hăm hở đi vào con đường văn chương, và Thông chính là người đã nhiệt tình giúp Sơn từ những ngày đầu ấy. Qua Sơn, tôi quen biết nhiều anh em làm văn, làm báo ở khu gang thép như Đồng Tâm và Chu Hồng Hải.

Trịnh Thanh Sơn là người yêu thơ đến mê muội, có thể nói về thơ cả ngày không dứt, vậy mà khởi đầu sự nghiệp văn học của Sơn lại là văn xuôi. Lại được chính Vũ Duy Thông rồi sau này thêm nhà văn Trần Hoài Dương, hồi còn trong Ban biên tập văn xuôi Báo Văn nghệ rất khuyến khích. Riêng năm 1972, Sơn có mấy truyện ngắn đăng trên Văn nghệ. Đén khi mất, Sơn đã có 4 tập truyện ngắn ra đời nhưng hình như lại không có tiếng vang bằng thơ.   

Trong sự nghiệp thơ ca, Trịnh Thanh Sơn chỉ có 4 tập thơ mỏng: "Cọng rơm vàng", "Đóa tầm xuân", "Giậu cúc tần" và "Giàn thiên lý", chỉ vậy nhưng cũng đủ làm nên tên tuổi, khẳng định sự nghiệp thơ anh. Mỗi tên sách như gợi lên những kỉ niệm của nhà thơ quê Nga Sơn – Thanh Hóa về bản thân, về vợ con, về ông bà ngoại, về mẹ, về dòng sông Sung, xóm làng, và… những người gái quê từng bao lần làm chàng trai đa tình họ Trịnh ngẩn ngơ "Tôi sinh ra từ cọng rơm vàng/ Từ bùn tối, cánh đồng và ngọn sóng/ Từ những cơn gió mặn/ Thổi rộng dài tít tắp những triền đê" (Cọng rơm vàng), "Mong nhớ là gì thế/ Chén rượu còn trên tay/ Cứ ngỡ mình đã uống/ Cứ ngỡ mình  đã  say" (Nhớ) "Tôi đã thầm yêu, em hay chị?/ Có lẽ nào thương mến cả hai?/Mắt luống cuống rơi vào hai cặp mắt/ Hồn mắc tóc giăng hai mái buông dài" (Giậu cúc tần). 

Những bài thơ lãng mạn, tình cảm như vậy có lẽ được làm trong quãng thời gian đầu. Sau, Trịnh Thanh Sơn còn có thêm nhiều bài với giọng điệu khác hẳn. Câu chữ trong thơ Trịnh Thanh Sơn, dù nhiều khi chỉ là những ngôn từ giao tiếp thông thường hằng ngày như: phải, sẽ, nhất, bét, can, lít, chai, lọ, tiêu, mua, bán… trần trụi vậy mà vào thơ Sơn, như có thần: "Ly rượu trắng quán Vân, vài ba tờ báo cũ/ Anh làm sao tiêu hết một buổi chiều". Và: "Một cộng với một bằng đôi/ Anh cộng cô đơn thành biển/ Nắng tắt mà người không đến/ Anh ngồi rót biển vào chai". Chỉ một vài con chữ nói về sự cô đơn, thất vọng này đủ làm sáng tên tuổi Trịnh Thanh Sơn, buộc mọi người phải nói mãi tới nó. Và Sơn không chỉ có "Biển vắng"…

Trịnh Thanh Sơn qúy và thân nhất có lẽ là với nhà thơ Vũ Duy Thông. Ở Thái Nguyên đã đành, cả sau này khi hai người về Hà Nội, Sơn vẫn thường xuyên có mặt chỗ Thông. Mỗi lần tôi đến Thông là thấy Sơn. Sau cái đận gặp rắc rối, ồn ào ở Trường Sân khấu Điện ảnh, Sơn cũng phải tá túc ít ngày ở chỗ Thông. Tuy rất thân thiết nhưng tôi không thấy Sơn cậu cậu, tớ tớ, tao mày với Thông như ngôn xưng thân mật mà Sơn quen dành với bè bạn.  Lúc nào cũng một điều tôi, hai điều anh. Tưởng khách sáo nhưng tôi biết đó là thái độ trân trọng, dù so tuổi thì Sơn chỉ sinh sau Thông một vài năm. Gần như tập thơ nào của mình được xuất bản Sơn cũng đều nhờ Vũ Duy Thông viết lời tựa.

Trịnh Thanh Sơn có trí nhớ và tài đọc thơ thật đáng nể. Nhất là những bài thơ của bạn bè mà anh thích. Anh thân thiết với nhiều người làm thơ và vì vậy anh luôn có bài viết giới thiệu chân dung những bạn thơ anh yêu qúy hoặc tìm đến những bài thơ hay của họ để thẩm bình. Đó là tình cảm của Sơn dành cho bạn thơ. Từ những người cao tuổi như Hoàng Cầm, Hữu Loan, Phùng Quán, Vũ Quần Phương, Trúc Cương, Tô Hà, Thanh Tùng, Vũ Duy Thông… đến những bạn cùng trang lứa như: Lưu Quang Vũ, Trần Vũ Mai, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Duy… Bài nào cũng thấy thiết tha, đắm đuối… Không hiểu tường tận, không yêu, không trọng, anh không thể viết, đúng hơn, anh không viết… Tất cả những bài viết gan ruột về bạn bè sau được anh tập hợp in vào ba tập "Đi dọc cánh đồng thơ".

Cuộc đời Sơn khá lận đận. Phải chăng lận đận mà thơ Sơn độc đáo và hay  chăng? Sắp tốt nghiệp sư phạm Vinh, chẳng hiểu sao, Sơn rời trường, mang

ba lô lên khu gang thép làm công nhân. Rồi làm thơ, viết văn. Yêu điện ảnh, Sơn thi vào khoa đạo diễn Đại học Sân khấu Điện ảnh, nghe nói điểm thi rất cao… Tưởng sẽ trở thành đạo diễn thì chưa hết chương trình học, Sơn lại thành người tự do. Vụ việc của Sơn ồn ào một thời gian. Lúc này vợ và hai cậu con trai nhỏ còn ở quê nhà Thanh Hóa, Sơn một thân một mình tá túc nơi phồn hoa đô hội bươn chải. Những ngày này anh thường hay đến tôi, có hôm rảnh rỗi anh nằm cả ngày, hồi tôi còn ở Lê Văn Hưu. Có khi anh đi một mình, nhưng thường có thêm người. Đa phần là những bạn rượu như Trúc Cương, Định Nguyễn… Hẳn lúc ấy, họ vừa từ quán xá nào ra.

Suốt mấy năm trời Sơn sống dật dờ nay đây mai đó. Tháng này còn ở Cầu Giấy, tháng sau đã thấy bảo chuyển ra ngôi nhà thuê gần gò Đống Đa. Rồi ở nhờ bạn này, bạn khác. Để có thể trụ được, Sơn phải sống bằng đủ nghề. Lúc viết báo, viết văn, làm thơ, khi viết kịch bản sân khấu truyền thanh, lúc phụ việc cho một người bạn đạo diễn điện ảnh… Ngày ấy báo chí ít, sống được bằng nhuận bút là cực kì khó khăn. Gần như không ai có thể chỉ sống riêng bằng văn chương. Vậy mà Sơn tồn tại. Hẳn anh đã phải vắt đến kiệt cùng sức lực? Hồi Sơn thuê nhà ở Cầu Giấy, hàng xóm nói thấy anh gõ máy suốt đêm.   Sau này Sơn được kí hợp đồng biên tập cho Tuần báo Người Hà Nội, rồi Tạp chí Thế giới điện ảnh nên ổn định hơn, nhưng cũng chỉ đủ qua ngày… Chẳng thế nghệ sĩ Tào Mạt có thơ tặng Sơn: "Người sinh ra để làm thơ/ Bao năm viết báo dật dờ kiếm cơm/ Bạc đầu tay vẫn trắng trơn/ Xuân về ai sẻ nỗi buồn cho ai".

Lúc Sơn sắp mất, tôi và nhà văn Hoàng Quốc Hải đến thăm. Con người sắc sảo, nhanh nhẹn thế, giờ đây sao tong teo, tiều tuỵ, đếm được từng sợi tóc.  Nhìn mới xót xa làm sao. Chung quanh giường anh nằm thấy xếp đầy những tập thơ tuyển của anh, có hình bìa màu vàng xanh rực rỡ, vẽ gương mặt một cô gái, có đôi mắt rất to do Lê Huy Quang trình bày, vừa được đem từ nhà in về, cuốn "Vàng gieo đáy nước". Định lấy bút viết đề tặng bạn mà tay run quá, Sơn đành chỉ ký cái tên rồi nói bạn thông cảm.

Bấy giờ ngồi cạnh Sơn là Lý, người vợ hiền thục, thủy chung suốt mấy chục năm trời. Trong trò chuyện, đôi lúc tôi thấy Sơn hay liếc nhìn vợ, không hiểu cái nhìn có nghĩa gì, nhưng hình như là một lời xin lỗi. Vâng, đúng là một lời xin lỗi. Bởi nhiều khi anh đã có những  phút giây "ngoài chồng, ngoài vợ" " (chữ trong một bài thơ của Thuận Hữu). Người đàn ông tài hoa, khỏe khoắn, tưởng cứng cỏi nhưng lại dễ yếu lòng như Sơn, thì tránh sao. Và Sơn đã rất biết lỗi, rất biết thành thật, sự thành thật không phải ai cũng đủ dũng cảm nói công khai ra trên giấy trắng, mực đen: "Vợ tôi bán cháo cổng trường /Còn tôi đi nhớ về  thương tóc dài" (Tự thú), "Hai mươi lăm năm anh đi lang thang gieo hạt buồn vui, gặt mùa cay đắng, anh từng gặp nhiều người đàn bà, anh từng sống nhiều đêm khách sạn, nhưng những người đàn bà chỉ gợi trong anh nhớ về gốc nhãn ngày xưa" (Bến  xưa)

Cho dù nhiều lúc "xao lòng" vậy, nhưng trước sau Sơn vẫn là người thực lòng yêu vợ, thương con.

Tôi với Sơn có những kỉ niệm đáng nhớ. Khi anh ra tập thơ "Đóa Tầm Xuân", tôi đi công tác xa. Hôm về tôi đến hỏi sách thì Sơn không còn cuốn nào.  Loay hoay tìm mãi, sau anh cũng lôi ra được một cuốn được cất rất kĩ. Anh viết kí tặng rồi đưa tôi. Khi mở ra, thì đây là cuốn sách riêng của vợ chồng anh, trong đó anh đã đề:"Ngày Đóa Tầm Xuân ra đời, 17/12/1999. Kỉ niệm tròn 27 năm ngày cưới". Tôi biết phải rất qúy anh mới dành cuốn sách thiêng liêng này cho tôi, tôi đã không dám nhận nhưng Sơn bảo:"Anh cứ cầm lấy, đừng ngại..". Và tôi giữ gìn nó. Dịp anh ra cuốn "Giậu cúc tần",  tôi có giúp anh bán được 400 cuốn. Hôm lĩnh tiền, anh định đem cho con trai tôi một phong bì. Thấy tôi không vui, anh hiểu ý, không đưa cho con tôi nữa, nhưng chừng tháng sau, một trưa nắng nóng tháng tám, tôi đang trong nhà thấy có tiếng gọi. Mở cửa, thì ra là Trịnh Thanh Sơn đang đứng bên ngoài cổng sắt nhà tôi, trên vai có đôi chiếu cói, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt đỏ bừng ví nóng và vì phải vác nặng leo bộ 5 tầng gác. Lúc lăn kềnh trên sàn nhà, anh bảo vợ anh vừa về quê ra, có đôi chiếu nhà tự dệt nên đem tặng bạn.

Đôi chiếu cói ngày ấy, nhất là chiếu Nga Sơn nổi tiếng, đã quý, càng quý hơn tình cảm vợ chồng anh dành cho gia đình tôi.

Không hiểu sao mỗi khi nghĩ đến Sơn, tôi lại nhớ đến cái buổi trưa nắng nóng và hình ảnh Sơn vác đem cho tôi đôi chiếu hôm ấy.

Dù Trịnh Thanh Sơn đã là nhà thơ nổi tiếng, dù tính khí anh đôi khi ngang ngạnh, bất cần nhưng sao trong tôi, anh vẫn mãi là một con người tận gốc nông dân thật thà, tình nghĩa. .

Theo Huy Thắng ( CAND.COM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *