Dịch giả Lê Bầu |
Lê Bầu, ngoại trừ 5 năm ở nhờ căn phòng bé xíu ở trong đền Ngọc Sơn và 4 năm vừa qua mua được căn chung cư cũ ở khu Thanh Nhàn của một người bạn thân thiết, gần như đời công chức văn hoá của ông gắn với số nhà 105 Phùng Hưng – Hà Nội.
Căn nhà kê vừa tấm chiếu hoa, chia đôi bằng cót ép, ông chỉ được đóng một cánh cửa, cánh còn lại là của người khác. Và chỉ tiếp được 3 vị khách, góc chiếu còn lại mặc định là của chủ nhà. Ông đã sống như thế, làm việc tằn tiện trong căn phòng mùa hè hầm hập nóng mà mùa đông cửa hở gió lùa.
Ngày hè, ông được trả công dịch thuê một cái quạt trần, không biết treo ở đâu, đành mang ra hàng hiên mắc, để quạt mát chán ngoài cửa sổ, may ra gió mới lọt được vài đợt vào nhà. Nhưng ông đã sống như thế. Mỗi ngày một niêu cơm cho cả ba bữa. Một món xào. Và một bát canh. Thản nhiên, cứ như thể cái cuộc đời này nó đương nhiên là như vậy. Và như thể, mọi của ngon vật lạ trên đời đều là những phù du. Mọi tiện nghi vật chất cũng phù du, nó không làm ông rung động.
Làm và nuôi 12 miệng ăn ở quê nhà Bắc Giang. Và ông cũng chẳng biết làm gì, ngoài việc mưu sinh từ những con chữ. Những con chữ gieo rắc trong đời ông những nỗi buồn, nhưng cũng nhờ nó mà ông sống được, nuôi nấng được nhiều ước mơ bé mọn của một đại gia đình.
Ông kể : Mình không thể ngừng được, biết bao nhiêu việc còn chờ tới mình. Tôi làm việc từ sáng đến khuya, từ khuya đến tối, với một mong ước duy nhất là cái gia đình mình ở quê mọi việc trôi chảy, không đói, không rách, không còn khốn khó.
Có biết bao nhiêu việc trông đồng tiền mình gửi về. Từ vợ ốm, con đau, cháu đi học cần tiền mua sách vở. Từ cái chuồng lợn bị dột, cần phải thay mái rạ thành mái ngói. Cái ống nước bị hỏng, cái gầu dai bị đứt quai. Ở quê, mấy sào ruộng chỉ lo đủ thóc ăn thôi. Mình ở thành phố, mình là chủ gia đình, đã chả gần gụi mà chăm nom được cháu con, thì phải lo cho chúng nó cái nơi ăn chốn ở cho tử tế. Thế nên, suốt mấy chục năm tôi ra nghị quyết cho mình : Không được ốm!
Không được ốm suốt mấy chục năm, nên Lê Bầu là một cây bút trường sức trên trường văn trận báo. Như anh lực điền khỏe mạnh phăm phăm cày luống những đường vạm vỡ và đều tăm tắp. Suốt thời trai trẻ, ông là cây bút cho nhiều tờ báo, có khi là giữ mục thường kỳ hằng ngày, có khi là viết bài cộng tác. Và viết văn. Những cuốn sách ra đời, cuốn sau đầy đặn hơn cuốn trước, như thể ngòi bút sắc hơn, tay viết cũng trường lực hơn.
Từ cuốn đầu tiên "Đi thực tập", rồi cuốn "Thông reo", cho đến hơn 20 năm sau, ông mới cho ra đời "Những năm tháng trôi qua", đánh dấu bước đi dài trong nghiệp viết. Và đến năm 1993, tiểu thuyết "Ngã ba cô đơn" và tập truyện "Hai người buồng bên kia" của Lê Bầu xuất hiện, ông đã thực sự hoàn thành sự nghiệp văn chương của mình.
Một trong hai tập sách ấy cho một Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Lê Bầu từng nói, điều quan trọng nhất đối với nhà văn là lòng yêu nghề, yêu từ ruột yêu ra, nếu không sẽ không duy trì được nghề nghiệp, dù dùng nghề nghiệp của mình vào việc làm báo kiếm sống. Lòng yêu nghề có thể chưa là yếu tố để có văn hay, nhưng trước nhất, cần nhất vẫn là lòng yêu nghề. Có lẽ vì thế mà chưa một ngày ông ân hận vì chọn lựa văn chương của mình.
Trong đời văn, đời người của người đàn ông mang tên Lê Bầu có những khoảng lặng buồn. Những tai ương trong đời sống, dù chủ quan hay khách quan, cũng sẽ đến vào một giây phút bất thình lình mà tất cả chúng ta không ai ngờ tới. Hình như khoảng lặng ấy trên chục năm. Đã có những người, đến khi rời dương thế vẫn mặn lời chê trách. Còn Lê Bầu nói về những tháng năm ấy trong sự điềm nhiên. Và nụ cười phà khói, như thể mọi sự đã ở đâu đó rất xa rồi. Đã từ lâu, ông coi những điều ấy là một phần ký ức để sống mạnh mẽ hơn.
Tôi hỏi ông rằng, đó có phải là những năm tháng buồn nhất trong cuộc đời ông không? Ông nói, nó cũng buồn lắm. Nhưng đó là thời gian ông học, đọc được nhiều nhất. Và ông viết được nhiều nhất. Hầu hết những tác phẩm có giá trị của ông được viết giữa những năm tháng này. Và ông coi những được mất ở đời như một vòng xoáy âm dương.
Lê Bầu vốn được học Đại học Sư phạm Trung văn tại Trung Quốc. Và đã làm phiên dịch trong một thời gian. Và rồi, cơ duyên đẩy đưa, ông giờ đây được nhiều người nhắc đến như một dịch giả đầy trách nhiệm mảng sách văn học Trung Quốc. Những cuốn sách được ông dịch, ít nhất, đã không bao giờ mắc những lỗi ngớ ngẩn.
Hơn thế, với những từ Hán cổ, ông thường tìm được những ngữ nghĩa sát với tiếng Việt nhất. Và nhiều khi, trong những cuốn sách dịch của ông, có những đoạn văn thực
sự thuần Việt. Đó là công sức của người dịch mà ông đã phải lao tâm khổ tứ, quên ăn quên ngủ trong nhiều ngày liền.
Những cuốn sách dịch của ông như "Quỷ Thành", "Hoài niệm sói", "Thị trấn Phù Dung", "Tể tướng Lưu Gù", "Oshin", "Trở về", "Hoạn quan Trung Hoa", "Nỗi hoài hương dằng dặc", "Phố cửa giấy" và mới đây nhất là "Điệu Tần" đã truyền tải được cái thần của nhà văn, đồng thời thể hiện rõ dấu ấn của người dịch trên những con chữ.
Trong thời buổi, người ta gần như phó thác mình cho mạng Internet trong việc tìm kiếm nguồn sách và tra cứu từ điển thì có vẻ như cách làm của Lê Bầu không còn hợp thời. Ông đi kiếm những cuốn sách từ tiệm báo cũ, nhờ bè bạn đi Trung Quốc mang về.
Rồi như người nông dân cất những chiếc bắp ngô của mùa cũ lên gác bếp, mỗi khi đói lòng lại mang xuống để tẽ hạt, bung lên. Ông mang sách về, nhẩn nha đọc, đọc xong truyện nào thích thì đánh dấu, rồi tỉ mẩn dịch. Cái máy tính với ông được hiểu là cái máy đánh chữ ngày trước được "hiện đại hóa".
Ông xa lạ với mạng Internet. Ông tra cứu bằng cuốn từ điển đã cũ nát. Từ nào khó quá, đi hỏi, đi tìm nguồn, khi nào được đúng ý mới tiếp tục làm việc khác. Thế nên Lê Bầu dịch chậm. Và ông cảm thấy có lỗi với chính ông, với chính những nghĩ suy của ông về nghề nghiệp.
Thế nên, với mỗi bản thảo gửi đến NXB, ông thường phải ghi chú rất rõ ràng, sách có nhiều thuật ngữ và từ cổ, hãy hỏi lại người dịch trước khi biên tập. Ông như người thợ thủ công, tỉ mẩn đến từng chi tiết, luôn cầu toàn cho sản phẩm của mình sáng đẹp và trọn vẹn. Với mỗi bản dịch, ông hết mình như máu thịt. Với ông, viết hay dịch cũng đều là công việc nhọc nhằn. Nhọc nhằn nhưng vẫn hết mình. Vì tình yêu!
Tôi hỏi ông, có khi nào ông, vì đơn đặt hàng quá gấp và cần tiền, mà ông viết lấy được, dịch cho xong? Ông nói, ông từng làm rất nhiều đơn đặt hàng vì tiền. Như vụ dịch cuốn truyện xuất xứ từ Đài Loan, nhưng được phỏng theo bộ phim truyền hình nổi tiếng Nhật Bản "Oshin", chẳng hạn.
Chồng phát thanh viên Hương Liên của VTV mang sách về, đưa cho ông dịch. Và yêu cầu của NXB Hà Nội khi ấy là phải dịch và phát hành sách trước khi bộ phim "Oshin" chiếu trên truyền hình kết thúc. Và ông đã dịch ngày đêm, và NXB cứ hằng sáng cử người qua 105 Phùng Hưng lấy bản thảo về gõ lên máy tính. Đã nhận tiền để dịch thì phải làm cho tốt.
Giải pháp của ông là dậy sớm hơn và thức khuya hơn. Để trong bề bộn của căn nhà bé nhỏ ấy, ông vẫn đều đặn sáng đèn, đều đặn hoàn thành những đơn đặt hàng chữ nghĩa. Có thể với nhiều người, đó là một đơn đặt hàng chuyển ngữ thuần tiền bạc. Nhưng tôi biết, trong tâm trí người đàn ông này, còn có đơn đặt hàng của trái tim.
Bởi ông thiết tha làm việc và công việc ấy, ông biết sẽ có nhiều người đón nhận. Không ai có thể thay thế ông làm được những công việc này. Không ai thay thế ông cảm nhận nỗi khoái cảm khi những trang bản thảo hoàn tất và cuốn sách in ra mực giấy thơm tho, công lao ông được ghi khiêm nhường thôi, nhưng trân trọng và nghiêm túc. Và cũng không ai thay ông trang trải hết mọi nợ cũ, nợ mới, lo được cho gia đình.
Dịch "Oshin" được 3,5 triệu, ông nhờ bạn mua ở Hải Phòng chiếc xe mi-ni Nhật đập hộp, giá 3 triệu. Chiếc xe ấy theo ông đến tận bây giờ, hơn 10 năm, bền bỉ, dẻo dai và ít ốm vặt. Giống như ông. Đôi bạn tri kỷ, dắt nhau đi mọi nẻo đường Hà Nội, chia sẻ với nhau từ căn nhà tù túng trên phố Phùng Hưng đến căn chung cư tầng 2 ở Thanh Nhàn.
Tôi gọi điện hẹn gặp Lê Bầu. Ông gần như gào lên trong điện thoại. Và tôi cũng buộc phải làm tương tự. Ông đã đến kỳ nặng tai. Nhưng cười rất sảng khoái. Và nhà ông, có cảm giác như không có gì xâm chiếm được vào không gian rũ mục của nó nữa. Như một chiếc am nhỏ và ông như ông từ giữ đền. Cũ kỹ.
Và cái gì cũng nho nhỏ, xinh xinh. Chiếc tủ đựng sách. Những cuốn sách cũ nâu xỉn. Bộ ấm chén mắt trâu mà ông rót trà mời tôi. Và những chồng báo cũ. La liệt những chai giấm thanh, ông nói để chế biến bữa cơm. Cái nồi cơm điện bé tẹo, cóc cáy. Như thể nó sinh ra là để lấm lem cho vừa cũ với chủ nhà.
Lê Bầu nói, ông dạo này mắt mỏi quá, mỗi ngày chỉ ngồi máy tính được gần 2 tiếng, dịch vài cái truyện ngắn, kiếm đồng ra đồng vào cùng với hơn 2 triệu tiền lương. Cái gia đình to lớn ở Bắc Giang giờ yên ổn cả, mọi việc được yên hàn, con cháu có việc làm, có đứa kinh doanh rất khá. Có đứa được ông lo việc, giờ làm kế toán, thi thoảng qua thăm ông dọn dẹp cửa nhà. Con trai lớn của ông mất đi, ông phải thay con trai lo chuyện đại sự cho các cháu. Cứ thế, túc tắc mà ông cũng lo xong, ổn t
hỏa mười mấy cuộc đời.
Tôi hỏi ông, sống cả đời trong "ngã ba cô đơn" này, sao tuổi già ông không đón vợ ra ở cùng? Lê Bầu cười, bà vợ ông giờ không ai đón được rời quê lấy một ngày. Người phụ nữ ấy có lẽ đã hy sinh cho ông rất nhiều. Họ ghép lại với nhau bằng một cuộc hôn nhân định trước.
Nói thẳng ra là một cuộc tảo hôn, khi ông mới học lớp 8 và vợ ông hơn chồng hai tuổi. Rồi ông đi học, đi làm, bao nhiêu năm, dường như ít khi ông ở cùng nhà với vợ. Cuộc sống tách rời nhau nhưng luôn trách nhiệm với nhau trong mọi sự kiện của gia đình khiến họ cảm thấy yên ổn. Chiến tranh, bấn loạn, cả những nhọc nhằn mưu sinh trong suốt chiều dài một kiếp người đằng đẵng, khiến nghĩ suy về hạnh phúc cũng giản đơn, như chiếc giường nhỏ được ghép lại từ những mảnh vụn gỗ cũ tùng tiệm lâu ngày gom góp lại.
Lê Bầu cười, tóc xoắn lên thành những vòng tròn kỳ lạ, bảo với tôi, sống một mình tự do thích lắm, sống lâu cô đơn nó giống bạn mình hơn. Không buồn đâu. Mình tự do đọc và viết, không vướng bận gì. Tôi không nghĩ ông nói dối điều này. Bất cứ người sáng tạo nào cũng đều khao khát cho mình một không gian tự do tuyệt đối. Với Lê Bầu, từ khốn khó mà ông buộc phải sống một mình. Nỗi cô đơn giờ đây với ông như thể một tập tính. Hơn ai hết, ông là người nhìn rõ vẻ đẹp rực rỡ của nỗi cô đơn…
Toàn Nguyễn – Theo CAND