Nội dung của những bản tin về người đi lạc được phát trên loa xóm ở quê thường vỏn vẹn theo một sườn nội dung thế này: “Ông/bà A có đặc điểm nhận dạng… tình trạng (tâm thần, lẫn trí, bực bội bỏ nhà đi…) đi lạc vào ngày… tháng… năm…”.

Những bản tin thường phát vào buổi sáng sớm, lúc mọi người chuẩn bị một ngày làm việc mới. Những bản tin thông báo gọn gàng cô đọng vào giờ giấc ấy như kêu gọi một sự lưu tâm đặc biệt.

Thường thì với người già, người lẫn hay tâm thần đi lạc, bản tin hay kèm theo cái kết: “Ai biết ông (bà, cô) ở đâu xin vui lòng liên hệ gia đình theo địa chỉ… Chúng tôi xin cám ơn và hậu tạ”. Còn tin trẻ con, vị thành niên bỏ nhà đi (không vì lý do tâm thần) thì thường kết thúc bằng câu: “Con đang ở đâu, xin về nhà gấp. Ba (mẹ, ông, bà) đang bệnh nặng và cần sự có mặt của con!”.

Có khi để thể hiện chút tình cảm bao dung trắc ẩn nào đó: “Con ở đâu xin liên hệ về nhà gấp, cha mẹ sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện”; cũng có lúc người ta nghe được tiếng rơi của giọt nước mắt ân hận: “Con ở đâu, xin về nhà gấp, hãy tha thứ cho cha mẹ”. Vậy nên cái nội dung sau cùng của tin tức là phần biểu cảm nhất, giúp người ta nhận ra bối cảnh phía sau câu chuyện để cảm thông, chia sẻ và đi đến hành động giúp đỡ.

Chẳng biết tự bao giờ, anh có thói quen ngồi phân tích những thông tin tìm người lạc trên loa. Thời niên thiếu, mỗi buổi sáng anh thường ngồi dỏng tai nghe loa xóm loan tin và cố gắng tưởng tượng ra những tình huống ly kỳ (thường kèm theo dự đoán bi đát) phía sau những chi tiết. Anh tập đặt mình vào vị trí của người loan tin, có người thân đi lạc hay bỏ nhà đi. Anh cảm nhận sự nóng ruột của những thân nhân sau các bản tin có cái kết nhắn gửi đầy cảm động mặc dù có khi nó được các “phát thanh viên” đọc với một tâm trạng trung tính, chẳng mảy may truyền cảm.

Rõ ràng, nếu chưa trải qua, thật khó để hiểu được nỗi lo của một gia đình bỗng nhiên có người thân yêu biến mất không một lời nhắn gửi lại. Điều gì sẽ đón chờ những người đi lạc khi tinh thần họ hoàn toàn không tỉnh táo, điều gì sẽ đón chờ những người trẻ bỏ nhà ra đi vì bức xúc chuyện đời, điều gì sẽ đón chờ những người chọn cách biến mất vì không muốn trở thành gánh nặng cho con cái…?

Thời ấu thơ, nhiều hôm anh thấy cha mình ghi mấy dòng địa chỉ nhà nắn nót lên một tấm giấy nhỏ rồi đặt vào túi áo ông nội. Nhưng cứ vài hôm sau lại phải thay đổi mảnh giấy một lần, vì đôi khi lang thang trong khu vườn nhà, ông nội thường xé mảnh giấy ấy ra để… vấn thuốc hút. Cái việc kêu lũ cháu canh chừng ông nội bị lẫn phải đi đôi với việc ghi địa chỉ phòng hờ. Vì dù kỹ tính đến mấy thì người già lẫn trí đi lạc là chuyện rất có thể xảy đến.

Mãi sau này anh mới biết được, người già lẫn trí thường sống với một miền thời gian ngược. Họ không sống hướng đến tương lai mà đi ngược về quá khứ. Họ thường lần tìm về quê nhà, những hình ảnh vùng đất quá khứ đã chìm trong vô thức. Ông nội anh cũng thế. Suốt ngày ông cắm cúi dọn dẹp đồ đạc, buộc vào hai đầu đòn gánh và một mình tìm đường về quê. Không ở quê nhà nên nhớ quê thì đã đành. Có người sống trên đất hương hỏa, khi lẫn, vẫn khăn áo đòi về thăm lại nhà xưa. Quê nhà không hiện hữu là khung cảnh mang tính địa lý nữa mà nằm ở một miền thời gian đã chìm sâu trong tâm tưởng.

Thế rồi một hôm mọi thứ trở nên choáng váng với anh: sau một buổi đãng trí, ham chơi đá dế với lũ bạn trong xóm, ngoảnh lại, ông nội đã biến mất. Họ hàng trong nhà hốt hoảng tỏa ra đi tìm. Một ngày. Hai ngày. Ông nội vẫn bặt vô âm tín. Vậy là bản tin được gửi đến chiếc loa xóm, loan tin: “Vào ngày X, ông Nguyễn Văn Y bị lẫn trí, có những đặc điểm sau: tóc bạc, mắt hơi nheo, có nốt ruồi dưới hàm phải, lưng hơi còng, miệng hay lẩm nhẩm tên quê nhà… Khi đi mặc bộ pijama xanh nhạt sọc trắng, trong túi áo bên phải có tờ giấy ghi địa chỉ nhà, vai vác đòn gánh có hai túi áo quần buộc túm… Ai biết ở đâu…”.

Và lần đó, ông của anh được người ta đưa về. Ông đã một mình trở về vùng quê khá xa xôi trong tâm tưởng, nhưng về địa lý, thì ông chỉ đi được vài trăm mét thì mỏi chân, gác đòn gánh, nằm ngủ dưới lùm tre xanh mát. Có thể trong giấc mơ ấy, ông đã gặp quê nhà. Anh vẫn nhớ như in cảm giác nghẹn ngào và hoảng sợ khi nghe bản tin phát đi trên loa xóm.

Và cho đến bây giờ, mỗi dịp trở về quê, mỗi sáng còn nằm vùi mình trong lớp chăn lạnh, anh chăm chú lắng nghe những tin tức phát đi. Càng ngày, dường như càng nhiều người
đi lạc: vợ chồng bỏ nhà đi, con giận cha mẹ đi bụi, người tâm thần đi lạc, trâu bò bỏ đàn, nhờ loan tin…

Lâu lắm không nghe thấy tin tức nào về người già bị lẫn đi lạc. Nhưng mỗi buổi sáng tinh sương, tiếng loa phát thanh lại cất lên thứ nhạc hiệu đồng quê và những bản tin nhờ loan, anh lại dỏng tai lắng nghe. Có biết bao giả thiết hàm chứa bí mật cuộc đời được đặt ra sau những bản tin nhỏ.

Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên – Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *