“Ba cô” ngay góc Nhà văn hoá Thiếu nhi, chợt ngờ ngợ. Mình có đi lộn chỗ không kìa? Đâu có, mấy cô gái quen thuộc đây mà. Buột miệng hỏi. Bộ mấy em mới đổi xe bánh mì hả? Chà, sang nghe. Thay đổi mẫu mã cho mới mẻ phải không? Cô chị lớn đang liền tay bỏ thịt vào từng ổ bánh mì, môi trề ra cả tấc. Xe bị lấy rồi! Sao vậy?
Thì xe tự chế nên bị tịch thu chứ sao. Không chỉ có tôi, mà mấy người khách đang đứng đợi cũng ngạc nhiên, xì xào. Trời, cái xe nhỏ híu vậy mà cũng giống xe ba gác, xe lôi à? Nhưng nghĩ kỹ lại, đúng là xe tự chế thật. Mà hình như cả thành phố này chỉ có một xe bánh mì giống vậy thôi thì phải. Lâu năm, lâu ngày quá rồi, mọi người đều nhìn quen nên không ai để ý nữa.
Tôi nhìn cái xe mới của ba chị em, một cái xe đẩy có tủ kính giống như xe bán bánh ngọt nhan nhản trong thành phố mà nhớ chiếc xe cũ, chiếc xe “tự chế” theo cách nói bây giờ. Một thùng kính vuông nằm trên hai bánh xe phía trước, để nào thịt nguội, pa-tê, jampon bên trên, bánh mì trong thùng phía dưới, kế mẻ than vụn để ủ nóng, giữ dòn. Phía sau là yên xe đạp lênh khênh trên một bánh lớn để người bán ngồi lên đạp đi. Chiếc xe bánh mì như một xe đạp ba bánh quả là một sự sáng tạo rất tiện lợi cho người bán rong qua chỗ này, chỗ kia khắp thành phố. Nhưng không chỉ có vậy, với tôi, với những cư dân nơi này thì chiếc xe bánh mì đó còn gắn với hai anh em “Ông mập, ông ốm” ngót sáu chục năm nay có lẻ. Xe ông mập buổi sáng đậu trước cửa trường nữ tiểu học tỉnh lỵ, buổi tối ở cuối dãy phố tôi ở. Còn người anh là ông ốm sáng bán ở một trường khác, tối về đậu trước cửa rạp hát lớn. Bánh mì thịt nguội, pa-tê gan hay jampon của hai anh em giống hệt nhau, ngon cực kỳ. Đặc biệt, bí quyết của họ là không làm pa-tê thịt, mà chỉ hấp thịt tươi trong nước dừa rồi xắt thành sợi nhỏ, ngọt mềm, thơm phức, không ai bắt chước được nên mãi cho đến nay, xe bánh mì của nhà này luôn luôn đông nghẹt khách.
Riêng tôi, làm sao tôi quên được những ổ bánh mì nóng dòn, thơm phức, béo ngậy với vị cay xé lưỡi của tương ớt trong những năm còn học tiểu học. Rồi những đêm học thi, ổ bánh mì ông mập trên bàn mỗi tối tiếp sức cho tôi giải những bài tập, ôn lại từng kiến thức cho mùa thi. Nhớ nhất là những buổi sáng, khi gió bấc về lành lạnh, khi những ngày Tết đến gần, ổ bánh mì nóng hổi trong tay mới ấm lòng làm sao! Không lạ là cái xe bánh mì với dáng ngồi lêu nghêu của ông mập, ông ốm đã đi vào trí nhớ của người dân thành phố này đến thế.
Sau ngày giải phóng, có dịp lên Sài Gòn, gặp lại đám bạn cũ cùng quê, chúng cứ hỏi : Bánh mì ông mập còn không? Sao tao thèm ăn một ổ bánh mì dưới mình quá! Trên này ăn bao nhiêu loại bánh mì vẫn không tìm được vị ngon ấy. Có lẽ vì vậy mà khi ông ốm mất rồi, ông mập bị tai biến, để lại xe bánh mì cho mấy đứa con gái, tôi đã viết về chút “vị xưa” ấy trong một bài báo, với sự thay đổi từ bánh mì “Ông mập” thành bánh mì “Ba cô” như cách gọi của người dân xứ này. Phải, không biết bên ông ốm thì sao chứ ba cô gái này đã kế nghiệp từ chiếc xe bánh mì cũ của cha, tiếp tục làm rạng danh cho bánh mì xưa. Khách đến vẫn đông nghẹt mỗi sáng, pa-tê gan, thịt nguội vẫn béo ngậy, thơm lừng hương vị đặc biệt không dễ gì bắt chước được ấy. Vẫn cái xe tự chế cũ kỹ, quen thuộc với mọi người, chỉ khác là các cô chủ chỉ đẩy đi đẩy về chứ không ngồi nghễu nghện trên xe, đạp từng vòng bánh xe như ba các cô lúc trước. Dọc đường từ nhà ra, cứ thấy dáng xe từ xa là đã biết nên không ít lần, các cô gái phải ngừng xe bán bánh cho khách mua chờ sẵn bên đường.
Vậy mà chiếc xe bán bánh mì ấy đã bị lấy đi rồi, chiếc xe tự chế đã đi qua từ đời cha đến đời con ấy. Tôi nhìn chiếc xe mới, mẫu mã giống hệt hàng loạt những xe bán bánh khác trong thành phố, thấy lòng ngẩn ngơ. Vẫn biết chuyện cấm xe ba gác, xe lôi, hay xe tự chế gì đó, đã là luật ban hành từ lâu và đã áp dụng hơn tháng nay, rằng những chiếc xe ấy có thể làm cản trở giao thông và gây tai nạn(?!)… Nhưng chiếc xe bánh mì nhỏ nhoi gắn bó với một thời tuổi nhỏ của tôi, chiếc xe bánh mì trở thành một hình ảnh thân quen của người dân đất này, chiếc xe lọc cọc lăn bánh trên những nẻo đường từ người bán bánh mì già đến mấy cô con gái cần cù kia có kềnh càng, lớn lao gì cho cam!
Tôi nhìn lần nữa chiếc xe bốn bánh lùn tịt, mới chong của “Bánh mì Ba cô”, trong đầu vẫn đầy ắp hình ảnh xưa : Ông mập, ông ốm, những vòng bánh xe lăn tròn, lăn tròn chậm rãi như nhịp sống xưa chốn quê nhà, dáng người bán bánh lêu nghêu trên xe, hơi nóng toả ra từ lò than nhỏ, vị ngon của từng ổ bánh mì dòn rụm trên đầu lưỡi… Không hiểu sao, miếng bánh trong miệng tôi sáng nay dường như mất mùi thơm phức, mất vị ngọt bùi, chỉ còn vị cay xé của tương ớt làm chảy nước mắt.
NGUYỄN NGỌC TUYẾT – SCL