Bên bờ hạnh phúc

Được kích thích từ một sự dấn thân thực thụ về đạo đức, ông hiến toàn bộ đời mình để tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn của Đời, và chắc chắn khát vọng đó của ông phù hợp với mục đích lý tưởng mà Giải Nobel này có là vì nó.

Albert Camus – Giải Nobel Văn học 1957

* Nhà văn Pháp

* Nơi sinh : Mondovi – Algeria

* Nơi mất : Villeblevine, Ionna – Pháp

 

Albert Camus là nhà văn Pháp có ảnh hưởng rộng rãi và sâu sắc đến đời sống trí tuệ châu Âu giai đoạn sau Thế chiến II, được trao Giải Nobel vì những đóng góp to lớn trong văn học, góp phần soi rọi giá trị của lương tâm con người. Đề tài trong sáng tác của ông là sự tha hóa và tồn tại phi lí của đời người, kêu gọi con người tìm lối thoát trong tinh thần và hành động tranh đấu chống bất công. Ông cũng là đại diện tiêu biểu của kịch phi lí.

Bố là công nhân nông nghiệp, mất khi Camus chưa đầy một tuổi; mẹ là người gốc Tây Ban Nha, bị á khẩu sau khi chồng mất. Để nuôi con, bà phải đi làm đầy tớ ở vùng Mondovi (Algeria). Camus tốt nghiệp trung học là nhờ được cấp một khoản học bổng.

Trong thời gian học triết ở Đại học Alger, nhà văn tương lai phải làm nhiều nghề để kiếm tiền học phí, nhưng do bị bệnh lao, ông phải bỏ dở việc làm luận văn tiến sĩ. Rời trường, ông đi châu Âu du lịch chữa bệnh. Những ấn tượng thu nhận được qua các nước Ý, Tây Ban Nha, Tiệp Khắc, Pháp… đã tạo nên cuốn sách đầu tiên được in của ông là Lá mặt lá trái (1937).

Thời kì 1934 – 1935, ông là đảng viên Đảng Cộng sản; bắt đầu viết cho tờ báo Cộng hòa của Algérie, vốn là diễn đàn chống chính sách thuộc địa của Pháp, kết hợp với các hoạt động sân khấu (làm diễn viên, đạo diễn, viết kịch bản). Năm 1938, Camus chuyển hẳn đến sinh sống ở Paris. Trong thời gian nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, Camus tham gia nhóm kháng chiến Combat (Chiến đấu) và ra tờ báo cùng tên; sau đó ông làm biên tập ở Nhà xuất bản Gallimard.

Năm 1942, Camus xuất bản tiểu thuyết Người xa lạ gây chấn động đời sống văn học Pháp. Với ngôn ngữ trong sáng, biểu cảm, tác phẩm thể hiện cảm xúc của cả một thế hệ trước câu hỏi về hệ thống giá trị của cuộc sống và lòng khát khao tìm kiếm ý nghĩa cũng như mục đích của đời sống. Trong tiểu luận triết học Huyền thoại Sisyphe (1942), Camus so sánh sự phi lí của tồn tại đời người với hành động của Sisyphe trong thần thoại : hễ lăn hòn đá lên đến gần đỉnh núi thì hòn đá lại rơi xuống, và đã phát triển thuyết đạo đức mới dưới hình thức lí giải luận điểm cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh về sự phi lí của tồn tại.

Sau chiến tranh, chủ nghĩa hiện sinh chi phối đời sống trí tuệ Paris. Camus lúc này đã trở thành một trong những nhà văn hàng đầu nước Pháp; ông xuất bản cuốn Dịch hạch, hình ảnh tượng trưng cho cái chết và tội ác, sau đó là vở kịch Caligula, tiếp tục phát triển trào lưu văn học phi lí và chủ nghĩa hiện sinh. Cũng trong thời gian này, ông kết bạn với J. P. Sartre, nhưng về sau lại cắt đứt quan hệ vì bất đồng quan điểm. Trong những năm 50, Camus tiếp tục viết kịch, truyện và tiểu luận.

Trong Người nổi loạn (1951), Camus tuyên chiến với tất cả các hệ tư tưởng ngăn cản tự do của con người. Năm 1956, ông viết cuốn Sa đọa, khai thác đề tài tội lỗi và ăn năn. Năm 1957, Camus được trao Giải Nobel Văn chương ở tuổi 44, bởi "đóng góp to lớn vào văn học, góp phần soi rọi giá trị của lương tâm con người". Ba năm sau, vở kịch cuối cùng Những người quỷ ám của ông, chuyển thể từ tiểu thuyết Lũ người quỷ ám của F. Dostoevski, được công diễn.

Năm 1960, giữa thời kì sung sức với nhiều dự định sáng tạo, Camus mất trong một tai nạn xe hơi ở miền Nam nước Pháp.

Sau khi Camus qua đời, sáng tác của ông tiếp tục gây ra những cuộc tranh cãi sôi nổi, nhưng ông vẫn được coi là một trong những nhân vật sáng giá của thời đại. Camus thất vọng trước sự tha hóa của con người, nhưng vẫn kiên trì tìm lối thoát ra khỏi sự phi lí của kiếp nhân sinh. Người ta gọi ông là "nhà đạo đức học đã nâng những vấn đề luân lí lên thành vấn đề triết học".

Tác phẩm của Camus được dịch khá nhiều sang tiếng Việt, trong đó cuốn L’étranger có đến 6 bản dịch khác nhau.

Tác phẩm

– Cái chết hạnh phúc (La mort heureuse, viết 1936, in 1971), tiểu thuyết.

– Bề trái và bề mặt (L’ envers et l’ endroit, 1937), tiểu luận triết học.

– Đám cưới (Noces, 1938).

– Người xa lạ (L’ étranger, 1942), tiểu thuyết.

– Hyền thoại Sisyphe (Le mythe de Sisyphe, 1942), tiểu luận triết học.

– Caligula (1945), kịch.

– Dịch hạch (La peste, 1947), tiểu thuyết.

– Tình trạng giới nghiêm (L’ état de siège, 1948).

– Những kẻ chính trực (Les justes, 1949).

– Sa đọa (La chute, 1956), truyện vừa.

– Nơi lưu đầy và vương quốc (L’exil et le royaume, 1957), tập truyện ngắn.

– Người nổi loạn (L’homme révolté, 1951), tiểu luận.

– Những người quỷ ám (Les possédés, 1959), kịch, chuyển thể từ Lũ người quỷ ám của F. Dostoevski.

Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt

– Người đàn bà ngoại tình (truyện ngắn), Nguyễn Văn Trung dịch, đăng trên tuần báo Sáng Tạo, số tháng 12/1960.

– Sứ mệnh văn nghệ hiện đại, Trần Phong Giao dịch, NXB Giao Điểm, 1963.

– Những người trung thực (Les justes – kịch), Trần Phong Giao dịch, Tập san Văn, 1965.

– Lưu đày và quê nhà (tập truyện), Trần Phong Giao – Vũ Đình Lưu dịch, NXB Giao Điểm, 1965.

– Bề trái và bề mặt (tiểu luận), Trần Thiện Đạo dịch, NXB Giao Điểm, 1967.

– Người xa lạ (tiểu thuyết), Võ Lang dịch, NXB Thời Mới, 1965.

– Kẻ xa lạ (L’étranger – tiểu thuyết), Dương Kiền – Bùi Ngọc Dung dịch, NXB Đời Nay, 1965.

– Người xa lạ (tiểu thuyết), Tuấn Minh dịch, NXB Sống Mới, 1970.

– Kẻ xa lạ (L’étranger – tiểu thuyết), Lê Thanh Hoàng Dân – Mai Vi Phúc dịch và giới thiệu, NXB Trẻ, 1973.

– Người dưng (L’étranger – tiểu thuyết), Dương Tường dịch, NXB Văn Học, 1995.

– Kẻ xa lạ (L’étranger – tiểu thuyết), Lê Hoàng Dân dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2001.

– Kẻ xa lạ (L’étranger – tiểu thuyết), Nguyễn Văn Dân dịch, in trong tập Văn học phi lí, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây – NXB Văn hóa – Thông tin, 2002.

– Dịch hạch (tiểu thuyết), Hoàng Văn Đức dịch, NXB Thời Mới, 1966.

– Dịch hạch, Võ Văn Dung dịch, NXB Dịch Giả, 1971.

– Dịch hạch, Nguyễn Trọng Định dịch và giới thiệu, NXB Văn Học, 1989; 2002.

– Ngộ nhận (Le malentendu – kịch), trích "Sổ ghi – Carnets" của Camus, Bùi Giáng dịch, NXB An Tiêm, 1972.

– Sứ mệnh văn nghệ hiện đại (bài diễn thuyết), Trần Phong Giao dịch, NXB An Tiêm, 1974.

– Sa đọa (truyện vừa), Trần Thiện Đạo dịch, NXB Giao Điểm, 1972; NXB Hội Nhà Văn, 1995.

– Gió về (Djémila), Trần Thiện Đạo dịch.

– Một lập luận phi lí và Huyền thoại Sisyphe (tiểu luận về triết học phi lí), Nguyễn Văn Dân dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 2 năm 2002.

– Nơi lưu đày và vương quốc (tập truyện ngắn), Vũ Đình Phòng dịch, NXB Hội Nhà Văn, 1992.

– Tiểu luận, gồm 2 tiểu luận Bề trái và bề mặt (L’envers et L’endroit) Giao cảm (Noces), Trần Thiện Đạo dịch, NXB Văn hóa – Thông tin, 2004.

– Bạo chúa Caligula (Caligula – kịch), Bùi Giáng dịch, NXB Võ Tánh.

– Mùa hè, Con người phản kháng (tiểu luận, tùy bút), Bùi Giáng dịch, in trong Sương tỳ hải, NXB Phú Vang, 1966; NXB An Tiêm, 1972.

– Người đàn bà ngoại tình, Vũ Đình Phòng dịch, in trong Tập truyện ngắn nước ngoài chọn lọc, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1998.

– Kẻ phản bội, Những người câm, Vũ Đình Phòng dịch; Chủ và khách, Phạm Hổ dịch, in trong Truyện ngắn chọn lọc – tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.

– Người đàn bà ngoại tình, Jonas hay công nghiệp người nghệ sĩ, Đá mọc, Dương Linh dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây

Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển

– Anders Österling, Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển –

Nền văn học Pháp chẳng còn gắn với các đường biên thùy mang tính địa lý giữa Pháp với châu Âu nữa. Về nhiều phương diện, nền văn học đó làm ta nghĩ đến một cây thân thảo trồng trong vườn, cao quý và chẳng gì thay thế nổi, mà khi đem trồng ra ngoài miếng đất ấy thì nó vẫn cứ giữ nguyên mọi đặc điểm, bất chấp những ảnh hưởng luân phiên của truyền thống và sự biến thiên.

Là người đ
ược nhận Giải Nobel Văn chương năm nay, Albert Camus là một ví dụ tiêu biểu cho sự tiến hóa đó. Sinh ra tại một thành phố nhỏ ở miền đông Algeria, ông đã quay trở lại môi trường Bắc Phi đó để tìm lại cái suối nguồn của mọi ảnh hưởng có tính quyết định đã ghi dấu ấn lên thời thơ ấu và tuổi thiếu niên của ông. Thậm chí hôm nay đây, Camus, con người biết rõ cái lãnh thổ Pháp quốc hải ngoại to lớn này và nhà văn trong con người ông, vẫn thường thú vị nhắc lại sự kiện ấy.

Xuất thân từ tầng lớp gần như vô sản, Camus thấy cần phải tự mình xốc tới trong cuộc đời; từ khi còn là một sinh viên nghèo, ông đã làm thứ công việc để đủ sống. Đó là một trường học khắc nghiệt, nhưng là một trường học mà với sự đa dạng trong các môn dạy của nó dứt khoát là không vô ích đối với nhà văn hiện thực mà ông sẽ trở thành về sau. Trong những năm học tại trường Đại học Algiers, ông tham gia một nhóm trí thức mà sau này sẽ có vai trò quan trọng trong cuộc Kháng chiến Bắc Phi. Những cuốn sách đầu tiên ông viết ra được xuất bản tại Algiers, nhưng đến năm 25 tuổi, ông sang Pháp với tư cách nhà báo và nhanh chóng nổi tiếng tại châu Âu với tư cách nhà văn hàng đầu, sớm được tôi luyện bởi không khí khắc nghiệt, sôi sục của những năm chiến tranh.

Ngay trong những tác phẩm đầu tiên, Camus biểu lộ một thái độ tinh thần nảy sinh từ những mâu thuẫn mạnh mẽ trong lòng ông, mâu thuẫn giữa sự hiểu biết rõ ràng cuộc sống trần tục và nhận thức đầy hấp dẫn về thực tại của cái chết. Ấy là một cái gì đó còn hơn cả chủ nghĩa định mệnh tiêu biểu cho vùng Địa Trung Hải mà gốc gác là niềm tin rằng ánh mặt trời huy hoàng của thế gian chẳng qua chỉ là thời khắc thoáng qua để rồi sẽ bị bóng râm che phủ. Camus cũng là đại diện của tư trào triết học có tên là Chủ nghĩa Hiện sinh (Existentialism), một triết thuyết xác định vị trí con người trong vũ trụ bằng cách khước từ mọi giá trị cá nhân, và thấy trong cái cá nhân đó chỉ có sự vô lý.

Thuật ngữ “vô lý” thường xuất hiện trong trước tác của Camus, đến độ ta có thể coi “vô lý” là chủ đề xuyên suốt mọi tác phẩm của ông, phát triển trong toàn bộ các hệ quả lô-gích và đạo đức trên các cấp bậc tự do, trách nhiệm và mọi điều thống khổ sinh ra từ đó. Cái huyền thoại Sisyphus, kẻ vĩnh viễn lăn tảng đá lên đỉnh núi để rồi từ đó lại lăn xuống, ở một trong các tiểu luận của Camus, trở thành biểu trưng ngắn gọn của đời người. Nhưng theo cách diễn giải của Camus, tận đáy lòng, Sisyphus lại thấy thoả mãn sung sướng vì thử thách đó. Với Camus, điều quan trọng chẳng còn là chuyện biết đời đáng sống hay không đáng sống, mà là cách con người phải sống cuộc đời đó, với toàn bộ những thống khổ gây ra từ nó.

Bài giới thiệu ngắn này không cho phép tôi nói dài hơn về sự phát triển của Camus về mặt trí tuệ, điều luôn luôn hấp dẫn chúng ta. Sẽ bõ công hơn nhiều nếu ta đi vào những sáng tác mà trong đó, bằng cách sử dụng một nghệ thuật có văn phong trong sáng đến mức hoàn toàn kinh điển và sự tập trung cao độ, ông thể hiện những vấn đề đó khéo đến mức các nhân vật và hành động làm cho tư tưởng ông sống động trước mắt chúng ta mà không cần đến một lời bình của tác giả. Đó chính là điều khiến cho tác phẩm Người dưng (L’Étranger – 1942) nổi tiếng.

Nhân vật chính, một viên chức nhà nước, giết một người Arập sau một chuỗi những sự kiện vô lý; thế rồi, dửng dưng trước số mệnh mình, anh ta lắng nghe lời kêu án tử hình chính mình. Song đến phút chót, anh vượt lên chính mình và thoát ra khỏi tình trạng thụ động đến mức uể oải. Trong Dịch hạch (La Peste – 1947), một cuốn tiểu thuyết tượng trưng có quy mô lớn hơn, các nhân vật chính là bác sĩ Rieux và người trợ lý của ông đã chiến đấu hào hùng chống lại nạn dịch hạch lan đến một thành phố Bắc Phi. Trong vẻ khách quan bình tĩnh và chính xác, câu chuyện được kể một cách thực đến độ thuyết phục, phản ánh cuộc sống trong thời kỳ Kháng chiến, và Camus ca ngợi cuộc nổi dậy mà cái ác thắng thế khơi dậy trong tim con người đã hoàn toàn đầu hàng vì đã hết ảo tưởng.

Rất gần đây, Camus cho chúng ta đọc thiên truyện độc thoại vô cùng hay Rơi ngã (La Chute – 1956), một tác phẩm cho thấy vẫn một tài nghệ kể chuyện bậc thầy của Camus. Một luật gia người Pháp ngồi tự phán xử lương tâm mình tại một quán bar cho thuỷ thủ ở Amsterdam, anh ta tự phác họa chân dung mình, một tấm gương qua đó những người đương thời với anh cũng có thể nhận ra chính họ. Trong những trang sách này, ta có thể nhận thấy (ông đạo đức giả) Tartuffe bắt tay (kẻ chán đời) Misanthrope nhân danh cái khoa học nghiê
n cứu trái tim con người, lĩnh vực mà các nhà cổ điển Pháp là bậc thầy.

Sự giễu cợt chua chát, được sử dụng bởi một nhà văn hiếu chiến lúc nào cũng ám ảnh chuyện đi tìm chân lý, trở thành một vũ khí chống lại tính đạo đức giả đang lan tràn. Dĩ nhiên ta có thể tự hỏi rằng, khi Camus thường xuyên nhấn mạnh cảm thức tội lỗi theo quan điểm Kierkegaard, tội lỗi như một vực sâu không đáy hiện diện khắp nơi, quan điểm đó dẫn ông tới đâu, vì ta luôn luôn có cảm giác rằng trên hướng đi này, nhà văn đã đạt tới điểm ngoặt trong sự phát triển tư tưởng của mình.

Cá nhân Camus đã vượt xa chủ nghĩa hư vô. Những suy tư nghiêm túc và khắc nghiệt của ông về sứ mệnh phục hồi không ngưng nghỉ mọi thứ gì đã bị huỷ hoại, và sứ mệnh đem lại công bằng trong một thế giới bất công khiến ông trở thành nhà nhân văn, song vẫn không quên tôn thờ sự cân đối và cái đẹp kiểu Hy Lạp như ông từng được chiêm ngưỡng trong ánh sáng ngày hè nhạt nhòa dần bên bờ biển Địa Trung Hải tại Tipasa.

Tích cực và vô cùng sáng tạo, Camus nằm ở tâm điểm chú ý của giới văn chương ngay cả bên ngoài nước Pháp. Được kích thích từ một sự dấn thân thực thụ về đạo đức, ông hiến toàn bộ đời mình để tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn của Đời, và chắc chắn khát vọng đó của ông phù hợp với mục đích lý tưởng mà Giải Nobel này có là vì nó. Phía sau lời khẳng định không ngừng của ông về tính vô lý của thân phận con người hoàn toàn không phải là sự phủ định sạch trơn không xây dựng. Cách nhìn sự vật này được bổ sung trong ông bằng một sức thúc đẩy mạnh mẽ vô cùng, một lời kêu gọi không bao giờ dứt hướng tới ý nguyện kích thích con người nổi loạn chống lại sự vô lý, và vì lẽ đó mà tạo ra được giá trị.

Phạm Toàn dịch 

Đáp từ

– Albert Camus –

Thưa quý vị Hoàng gia, thưa quý Ông, quý Bà,

Khi nhận giải thưởng cao quý được quý Viện Hàn lâm tự do trao cho, tôi càng biết ơn sâu sắc khi nhận thức rõ rằng, giải thưởng đó là quá tầm tôi. Ai ai cũng vậy, nhất là các nghệ sĩ, đều mong muốn được công nhận. Tôi cũng thế. Nhưng khi được tin về quyết định của quý Viện, tôi đã không có điều kiện để so sánh tiếng dội của nó tới giá trị thực của tôi.

Làm sao một người còn tương đối trẻ, trong tay chỉ có những nỗi hoài nghi và một sự nghiệp còn chưa hoàn thiện, người chỉ quen sống trong đơn độc công việc hay trong ẩn náu bạn bè, làm sao anh ta không khỏi bàng hoàng khi nhận được một quyết định tức khắc đưa anh ta, từ chỗ là một kẻ sống đơn độc, sống thu mình, ra trước công chúng giữa ánh sáng chói lòa. Thử hỏi anh ta có lòng nào đón nhận vinh quang ấy trong khi ở Châu Âu có các nhà văn khác – và là những nhà văn lớn – vẫn đang bị bóp miệng ngay trong lúc quê hương họ đang gặp bất hạnh triền miên?

Tôi đã từng biết đến cú sốc và trạng thái rối bời trong lòng như thế. Để lấy lại yên tĩnh trong lòng, tôi buộc phải thích ứng với một số phận quá ưu đãi đến vậy. Và biết rằng thành tựu cá nhân mình không thể xứng với phần thưởng đó, tôi đã không còn cách nào khác ngoài việc viện dẫn những gì đã nâng đỡ tôi trong suốt cuộc đời và trong những hoàn cảnh trái ngược nhất, đó là : tư tưởng về nghệ thuật của mình và về vai trò của nhà văn. Với lòng tri ân và trong sự thân tình, tôi xin phép trình bày quan điểm đó một cách giản dị nhất.

Cá nhân tôi không thể sống thiếu nghệ thuật mình làm ra. Nhưng tôi chưa bao giờ đặt nó lên trên hết thảy. Trái lại, sở dĩ nó cần thiết cho tôi là bởi nghệ thuật đó không tách rời khỏi bất kì ai, và nó giúp tôi sống tự nhiên thế này, ngang bằng với tất cả mọi người. Tôi không thấy việc sáng tạo nghệ thuật như là một thú vui trong cô đơn. Nó là một phương tiện làm mủi lòng đại đa số con người bằng cách trao cho họ một hình ảnh thiên vị nói lên những niềm vui và những nỗi đau người.

Vì thế mà nghệ thuật không cho phép người nghệ sĩ tự tách mình ra; nghệ thuật đặt anh ta vào khuôn phép của cái chân lí khiêm nhường nhất và phổ quát nhất. Và thường khi nếu ai đó chọn con đường nghệ thuật vì thấy mình khác người, anh ta sẽ sớm hiểu rằng, anh ta chỉ nuôi dưỡng được nghệ thuật và cái riêng của mình một khi thú nhận rằng, anh ta giống mọi người. Người nghệ sĩ phải tự rèn luyện mình trong sự giao lưu không ngừng với mọi kẻ khác, cái vị trí luôn luôn ở giữa một bên là cái đẹp anh ta không thể thiếu và bên kia là cái cộng đồng anh ta không thể dứt bỏ.

Vì thế người nghệ sĩ chân chính không khinh thường cái gì hết; họ buộc mình phải hiểu thay vì phán xét. Và nếu trong cuộc thế này, họ phải chọn một lập trường, thì đó chỉ thể là lập trường của một xã hội, nói lối đại ngôn theo Nietzsche, nơi sẽ ngự trị không phải là một vị quan tòa, mà là một nhà sáng tạo bằng chân tay hoặc bằng trí óc.

Đồng thời, vai trò của nhà văn cũng không được tách khỏi những nhiệm vụ khó khăn. Phải định nghĩa về vai trò nhà văn, ngày nay, anh ta không thể là kẻ phục vụ những con người làm nên lịch sử, mà anh ta phải phục vụ những con người tuân thủ lịch sử. Nếu không, anh ta sẽ bị cô độc và bị tước mất nghệ thuật. Toàn bộ các đạo quân triệu triệu người của nền chuyên chế cũng không dứt nổi anh ta ra khỏi nỗi cô đơn, thậm chí ngay cả khi nhà văn thuận tình nhập vào theo bước chân những đạo quân ấy.

Trong khi đó, sự lặng câm của một tù nhân vô danh, bị bỏ rơi trong nhục mạ ở tít chân trời, lại đủ để kéo nhà văn ra khỏi chốn lưu đầy, mỗi khi đang sống giữa những đặc quyền tự do, nhưng nếu như ít ra anh ta đủ sức không quên đi sự lặng câm kia và, bằng phương tiện nghệ thuật, nhà văn tiếp sức cho kẻ tù nhân nọ để cái lặng câm của anh ta thành ra tiếng vang xa.

Không cá nhân nào trong chúng ta đủ lớn để thực hiện sứ mệnh đó. Nhưng trong mọi hoàn cảnh đời mình, dù chưa có tiếng tăm hay tạm thời nổi tiếng, dù bị vứt trong gông xiềng chuyên chế hay đã có chút tự do thể hiện, nhà văn có thể bắt gặp lại tình cảm của cái cộng đồng sống sẽ biện minh cho anh ta, với điều kiện duy nhất là nhà văn cố hết sức chấp nhận thực hiện hai gánh nặng làm nên sự cao quý của nghề văn là : phụng sự chân lí phụng sự tự do.

Do chỗ cái nghiệp nhà văn là tập hợp sao cho được nhiều con người nhất, cái nghiệp ấy cũng không cho nhà văn thích nghi với dối trá và nô dịch, những thứ ngự trị ở đâu thì lại làm đẻ ra những nỗi cô đơn. Cho dù cá nhân chúng ta có què quặt tới mức nào, thì sự cao quý của nghiệp văn vẫn luôn luôn đ&acir
c;m rễ vào hai cam kết khó giữ là : khước từ nói dối những gì ta biết, và cưỡng lại sự áp bức.

Hơn hai mươi năm sống trong một lịch sử điên loạn, chết không được cứu vớt, sống như tất cả mọi người cùng tuổi với tôi trong những cơn co quắp của thời đại, tôi đã được nâng đỡ bằng cái tình cảm kín đáo rằng, viết văn là một vinh dự, bởi vì hành động này ràng buộc tôi và bó buộc tôi không chỉ vào một việc viết. Hành động này đặc biệt bó buộc bản thân tôi cùng với mọi con người đã trải qua cùng một thời lịch sử ấy phải chia sẻ với nhau một nỗi đau hi vọng. Những con người sinh ra khi bắt đầu Thế chiến I này, những kẻ bước vào tuổi 20 khi Hitler lên cầm quyền và khi diễn ra những vụ án cách mạng đầu tiên, những con người sau đó còn phải hoàn thiện nền giáo dục của mình bằng cách đương đầu với chiến tranh Tây Ban Nha, với Thế chiến II, với hệ thống những trại tập trung, với cái Châu Âu của nhục hình và giam cầm, những con người ấy giờ đây đang phải nuôi con cái họ và nuôi dưỡng các tác phẩm của họ trong một thế giới bị nạn hủy diệt hạt nhân đe dọa.

Tôi thiết nghĩ, không ai có thể đòi hỏi họ lạc quan cho được. Và tôi cũng đồng ý trong khi vẫn không ngừng đấu tranh chống lại sự nhầm lẫn những người vì quá thất vọng đã đòi quyền được ô nhục và đổ xô đi vào những con đường hư vô thời mới. Nhưng vẫn còn phần lớn những con người trong chúng ta, ở nước tôi và ở Châu Âu, đã từ chối cái tư tưởng hư vô ấy và bắt đầu cuộc kiếm tìm cái gì là giá trị chính đáng. Họ đã phải tự rèn luyện một nghệ thuật sống trong thời thảm họa, để được sinh ra một lần nữa và sau đó đối mặt chống lại cái bản năng hủy diệt đang hoành hành trong lịch sử của chúng ta.

Dĩ nhiên là mỗi thế hệ đều tưởng mình có nghĩa vụ xây dựng lại thế giới. Có điều là thế hệ của tôi lại biết rằng nó sẽ không xây dựng lại được thế giới ấy. Nhưng nhiệm vụ thế hệ tôi lại to tát hơn, đó là ngăn chặn một thế giới đang bị tàn phá. Thừa hưởng một lịch sử đồi bại, thời kì pha trộn những cuộc cách mạng thất bại, những kĩ thuật đang trở thành điên rồ, những thần linh đã chết và những hệ tư tưởng kiệt sức, thời kì của những quyền lực tầm thường đủ sức hủy diệt nhưng không có sức thuyết phục ai, thời kì trí tuệ tự hạ mình đến mức chỉ để phục vụ cho thù hận và áp bức, cái thế hệ này của tôi, từ những phủ định của chính mình, đã phải dựng xây lại ngay trong bản thân mình và xung quanh mình một chút giá trị gì còn lại đủ để tạo thành niềm kiêu hãnh sống và niềm kiêu hãnh chết.

Đứng trước một thế giới bị đe dọa tan rã, nơi có nguy cơ các tòa án dị giáo lớn định thiết lập vĩnh viễn những vương quốc diệt vong, thế hệ của tôi hiểu rằng, trong cuộc chạy đua hết sức với thời gian nó sẽ phải nhanh chóng lập lại nền hòa bình giữa các quốc gia, sao cho đó không phải là một nền hòa bình của sự phục tùng, thế hệ tôi sẽ phải một lần nữa hòa giải được lao động chân tay và lao động trí óc, nó sẽ phải cùng mọi người xây dựng lại cây cầu liên kết con người. Không chắc gì họ có thể hoàn thành được nhiệm vụ mênh mông to tát đó, nhưng chắc chắn là, khắp nơi trên thế giới, thế hệ này đã chấp nhận hai lần thách thức chân lí và tự do, và nếu có phải chết, nó cũng biết chết mà không hề oán hận cuộc thách đố ấy.

Chính thế hệ này đáng được chào đón và khích lệ ở khắp nơi nó đang hiện diện, và nhất là ở nơi nào nó đang hi sinh. Bất kể thế nào, tôi tin rằng quý vị cũng hết sức đồng tình với tôi rằng, tôi muốn tặng lại họ niềm vinh dự quý vị đã trao cho tôi.

Đồng thời, sau khi đã nói tới sự cao quý của nghề viết văn, tôi muốn đặt nhà văn vào đúng chỗ của họ, chẳng có danh hiệu nào khác hơn là những danh hiệu họ từng chia sẻ với các bạn chiến đấu của mình, dễ tổn thương nhưng cứng đầu cứng cổ, bất công nhưng say mê công lí, xây dựng sự nghiệp trước mắt mọi người mà không hổ thẹn, không kiêu ngạo với ai, không ngừng giằng xé giữa nỗi đau và cái đẹp, để cuối cùng lao vào cuộc thể hiện một nghĩa vụ kép, ấy là cố công bướng bỉnh sáng tạo dựng xây ngay trong cái guồng quay hủy diệt của lịch sử.

Sau tất cả những điều đó, nào ai là người còn định đòi hỏi ở họ những giải pháp có sẵn và những luân lí sáo rỗng? Chân lí là cái bí hiểm, khó nắm bắt, luôn luôn đòi hỏi ta phải chinh phục lấy. Tự do là cái nguy hiểm, khó sống tuy là đầy hứng khởi. Chúng ta phải hướng theo hai mục đích này, vất vả nhưng quả quyết, mặc dù biết trước những sự nản lòng trên con đường dài đến thế. Vì vậy, có nhà văn nào, với đầy đủ ý thức, dám rao giảng đạo đức suông? Về phần mình, tôi phải nói lại một lần nữa, tôi chẳng là gì cả trong toàn bộ những chuyện như thế.

Tôi chưa bao giờ khước từ ánh sáng, niềm vui sống, và cuộc đời tôi trưởng thành t
rong tự do. Song, dù cho nỗi nhớ tiếc đó đủ sức lí giải những sự nhầm lẫn và sai lầm của tôi, nó vẫn giúp tôi hiểu rõ hơn nghề của mình, nó đang giúp tôi dù mù quáng nhưng đứng vững được bên cạnh những con người lặng câm kia, những con người trong đời này chỉ chịu trụ đỡ cho cái cuộc sống có được nhờ hồi tưởng hoặc nhớ những cuộc trở về ngắn ngủi hạnh phúc tự do.

Trở lại như thế với con người thực của tôi, với những giới hạn, với những món nợ, với niềm tin khó khăn của mình, tôi thấy mình mạnh mồm hơn để cuối cùng được bày tỏ với quý vị về tầm vóc và sự độ lượng cùng niềm vinh dự quý vị đã dành cho tôi, càng mạnh mồm hơn để thưa với quý vị rằng, tôi xin nhận vinh dự đó như một sự vinh danh tới tất cả những ai đã trải qua cùng một cuộc chiến đấu ấy mà không nhận được một sự ưu ái nào, trái lại chỉ nhận lấy những bất hạnh và tai ương. Cuối cùng, từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi xin cám ơn quý vị và xin hứa công khai bày tỏ lòng biết ơn, trước sau vẫn là một lời hứa thủy chung xưa cũ, mà người nghệ sĩ chân chính hàng ngày trong im lặng vẫn tự hứa với lòng mình.

Đông Tây dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, Phạm Toàn hiệu đính
(Nguồn : http://nobelprize.org)

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây

 

Theo Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *