Bên bờ hạnh phúc

Năm 2022, tình hình tiêu thụ trái cây của Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu rau quả phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại.
Một số loại trái cây đặc sản như: sầu riêng, bưởi, nhãn, chuối, chanh leo được chính thức nhập khẩu vào các thị trường thông qua các nghị định thư được ký kết sẽ là tiền đề để trái cây Việt có thể mở rộng thị trường, gia tăng sản lượng và nâng giá trị sản phẩm trong thời gian tới.
TRÁI CÂY VIỆT CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG

Những giỏ quà trái cây này của công ty Vina T&T phục vụ thị trường tết nguyên đán 2023. Đây là những loại nông sản chủ lực được trồng trong nước từ những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản…


Ngoài việc duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu, năm 2022, doanh nghiệp này ra mắt chuỗi cửa hàng trái cây bán lẻ ở các trung tâm thương mại, khu dân cư cao cấp của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm cung cấp nguồn trái cây chất lượng cho người tiêu dùng trong nước. Thực tế cho thấy, thị trường nội địa có nhu cầu lớn đối với trái cây trong nước, nhất là các loại đặc sản ở các địa phương luôn có sức thu hút đối với người tiêu dùng Việt.Rau quả là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu trái cây Việt lớn nhất với hơn 43% thị phần. Nữa đầu năm 2022, do ảnh hưởng chính sách zero covid nên tình hình xuất khẩu rau quả sang thị trường này giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, hàng rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng mạnh trở lại. Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2022 đạt hơn 3,3 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, nhiều thị trường có sự tăng trưởng tốt như: Hoa Kỳ đạt gần 250 triệu đô la Mỹ, tăng 11.15%, Hàn Quốc đạt hơn 180 triệu đô la Mỹ, tăng 14.83%, Nhật Bản đạt hơn 165 triệu đô la Mỹ, tăng 7.74% …so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, thời điểm cuối năm, nhiều loại trái cây bước vào vụ thu hoạch như: thanh long, xoài, chuối, mít, dứa, sầu riêng. Chỉ riêng ĐBSCL, tháng 12, tổng sản lượng trái cây thu hoạch lên tới hơn 360 nghìn tấn. Quý I/2023, sản lượng trái cây của vùng ước khoảng 1,08 triệu tấn. Với việc nhiều thị trường được mở cửa, xuất khẩu trái cây tươi năm mới được dự đoán sẽ có nhiều khởi sắc.

Điểm nổi bật về tình hình xuất khẩu trái cây Việt trong năm qua là việc mở cửa thị trường. Nhiều nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa được ký kết đối với các loại trái cây như: chuối, sầu riêng, chanh leo khi nhập khẩu vào thị trường nước này. Theo Cục Bảo vệ thực vật, nước ta hiện có 11 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ngoài 4 loại trái cây đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật, thì 7 loại trái cây còn lại gồm xoài, vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, mít và chôm chôm đang được đàm phán, đẩy nhanh tiến trình ký kết. Các nghị định thư được ký kết đảm bảo cho việc xuất khẩu nông sản được ổn định, bền vững hơn về đầu ra và giá cả.
Như đối với sầu riêng, sau khi nghị định thư được ký kết vào tháng 7 năm 2022 vừa qua đã giúp giá trị xuất khẩu của loại trái cây này tăng mạnh. Chỉ trong tháng 10 năm 2022, xuất khẩu sầu riêng thu về gần 79 triệu đô la Mỹ, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2022 ước đạt trên 300 triệu đô la Mỹ, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, sau hơn 6 năm đàm phán trái nhãn Việt Nam cũng được chấp nhận xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Hơn 10 tấn nhãn tươi đầu tiên này được xuất khẩu sang Nhật tạo tiền đề cho trái nhãn Việt chinh phục các thị trường khó tính.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng vừa cho phép trái bưởi tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường nước này, trước đó đã có xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Hiện tại, cả nước có hơn 105 ngàn ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn/năm. Riêng vùng ĐBSCL có khoảng 32.000 ha với sản lượng khoảng 369.000 tấn/năm. Lô bưởi da xanh đầu tiên của Bến Tre xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ sẽ giúp mở ra cơ hội mới, thúc đẩy phát triển thị trường cho trái bưởi Việt.Hoa Kỳ là thị trường có nhu cầu về nhập khẩu các loại trái cây tươi rất lớn. Mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ trái cây tại nước này lên tới 12 triệu tấn nhưng sản xuất nội địa chỉ đáp ứng được 70%, 30% còn lại phải nhập khẩu, tương đương khoảng 3,6 triệu tấn.
Lô bưởi da xanh đầu tiên hơn 100 tấn được đóng trong 6 container. Trong đó, 4 container được vận chuyển đường hàng không, 2 container chuyển bằng đường biển. Tại Hoa Kỳ ghi nhận được những kết quả tích cực, được người tiêu dùng đánh giá cao và tiêu thụ nhanh chóng.Yêu cầu bắt buộc là vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động thực vật của Hoa Kỳ. Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước đã có hơn 5.300 mã số vùng trồng được công nhận, với tổng diện tích hơn 300 ngàn ha các loại nông sản, trong đó, chủ yếu là trái cây.
Ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép. Thị trường này còn đòi hỏi trái bưởi không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà họ quan tâm, được xử lý chiếu xạ và được Cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. Theo đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại bao gồm các loại ruồi đục quả, sâu đục quả và các loại nấm. Do đó, để trái bưởi đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường khó tính này đòi hỏi sự nỗ lực của cả doanh nghiệp và bà con nông dân trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật cải thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.Để chủ động sản lượng trái cây phục vụ xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp tập trung xây dựng và phát triển mô hình liên kết với các hợp tác xã và bà con nông dân ở các địa phương. Theo đó, bà con nông dân canh tác theo quy trình tiêu chuẩn chất lượng của doanh nghiệp và được thu mua với giá ổn định, đảm bảo thu nhập. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, nhất là giả cả nông sản thường không ổn định, việc sản xuất theo mô hình liên kết không những giúp đảm bảo đầu ra, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá” cho bà con nông dân, mà cũng góp phần giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng đảm bảo cung ứng và phát triển thị trường.
Trái cây Việt có nhiều lợi thế cạnh tranh thị trường, ngoài được trồng theo mùa, bà con nông dân hiện nay có nhiều kinh nghiệm, cho trái rải vụ để nâng giá trị sản phẩm. Điều này giúp cung cấp đều đặn sản lượng ra thị trường. Tuy nhiên, trong những năm qua, tình hình sản xuất nông sản nói chung và cây ăn trái nói riêng cũng gặp không ít khó khăn. Vào những thời điểm thu hoạch rộ, cung vượt cầu, nhiều diện tích canh tác không theo mô hình liên kết với doanh nghiệp thường có giá sụt giảm sâu.


Việc ký kết các nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nông sản sẽ tạo động lực để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, tổ chức chuyên nghiệp, bài bản. Những quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng, quy cách đóng gói, điều kiện sản xuất, kinh doanh sẽ là yêu cầu tiên quyết trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới nhằm đảm bảo lợi ích nông dân, các tổ chức kinh tế tập thể, doanh nghiệp, thúc đẩy hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản.Thực tế cho thấy, thị trường xuất khẩu trái cây trên thế giới ngày càng đặt ra các quy định kỹ thuật khắc khe, đòi hỏi người sản xuất cần nghiêm túc chấp hành, tuân thủ yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, chuẩn hóa quy trình sản xuất.
Do đó, thời gian tới, rất cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp, bà con nông dân trong việc thúc đẩy hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng mối liên kết bền chặt, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận an toàn, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông sản, đặc biệt nâng giá trị trái cây Việt

 

.Anh Khoa – Khánh Duy

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *