Bên bờ hạnh phúc

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước, là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Chính vì thế, bên cạnh những quyền lợi, các đại biểu Quốc hội mang trên mình nghĩa vụ và trách nhiệm không hề nhỏ.

Trong lời kêu gọi toàn dân tham gia bầu cử của Bác đăng trên báo Cứu quốc số 134 ra ngày 5/1/1946 đã nhấn mạnh: “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn luôn ghi nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng…” Thực tế đã chứng minh, đại biểu Quốc hội không chỉ đơn giản là một chức danh, mà đó là một trọng trách hết sức thiêng liêng do nhân dân giao phó. Khi tiếng nói người đại biểu cất lên trên hội trường Quốc hội, đó không phải là tiếng nói cá nhân mà là tiếng nói cho sự đại diện của hàng trăm, hàng nghìn người, thậm chí của hàng triệu người.

Một trong những tiêu chuẩn quan trọng của một đại biểu Quốc hội đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội là phải có phẩm chất đạo đức tốt, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội phải là người có kinh nghiệm trong công tác, và có uy tín trong quần chúng, có mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân; nhận được sự tín nhiệm  và tin tưởng của đông đảo quần chúng ở cả địa phương cư trú và đơn vị công tác.

Phiên họp toàn thể hội trường tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội Khóa XIV

Với tư cách là một bộ phận cấu thành nên cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại biểu Quốc hội chính là cầu nối, kết chặt mối quan hệ giữa chính quyền nhà nước với nhân dân. Do đó, đại biểu Quốc hội phải đủ khả năng tham gia xây dựng luật pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và có mối quan hệ mật thiết với cử tri để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Bên cạnh những quyền lợi của mình, các đại biểu Quốc hội có trách nhiệm giữ mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân địa phương và nhân dân cả nước, chịu trách nhiệm trước nhân dân và có thể bị cử tri bãi miễn nếu không hoàn thành nhiệm vụ đại biểu. Trước những trách nhiệm rất to lớn này, các đại biểu luôn phải thể hiện hết mình để không phụ sự kỳ vọng và tín nhiệm của người dân.

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc –  Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, trong các nhiệm kì Quốc hội gần đây, Quốc hội có sự đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động, Đại biểu Quốc hội cũng thể hiện ngày càng tốt hơn, đúng đắn hơn chức năng nhiệm vụ của mình. Điều này được thể hiện thông qua nhiều tiêu chí, thứ nhất là: trước mỗi kì họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đều lắng nghe ý kiến của nhân dân góp ý vào các dự án luật, và trên cơ sở những ý kiến đó trong các kì họp, đại biểu Quốc hội phản ánh, đem ý kiến của nhân dân vào việc góp ý xây dựng dự án luật. Thứ 2, sau khi Quốc hội đã thông qua dự án luật thì các đại biểu Quốc hội lại tuyên truyền phổ biến pháp luật tới các tầng lớp nhân dân, để các tầng lớp nhân dân nắm chắc pháp luật Quốc hội vừa thông qua, qua đó thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật của nhà nước. Trong quá trình ấy, đại biểu Quốc hội cũng lắng nghe ý kiến của nhân dân để xem luật có phù hợp với thực tiễn xây dựng đất nước hay không, có phù hợp với sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam hay không, có đi vào cuộc sống, có được cuộc sống chấp nhận không. Trên cơ sở đó, tại kì họp sau, các đại biểu sẽ mang tiếng nói từ cuộc sống để phản ánh tới Quốc hội, xem xét luật đã phù hợp hay chưa, nếu cần chỉnh sửa thì sẽ chỉnh sửa thế nào.

Một trong những hoạt động tiêu biểu nhất, được cử tri mong chờ nhất của các đại biểu Quốc hội tại mỗi kỳ họp là các phiên chất vấn. Trải qua 75 năm phát triển, hoạt động chất vấn của Quốc hội cũng có nhiều thay đổi theo hướng ngày càng tích cực. Nói thẳng, nói thật và không ngại va chạm những vấn đề nóng, vấn đề nhạy cảm –  là điều mà cử tri cả nước dễ dàng theo dõi trong rất nhiều phiên chất vấn thời gian gần đây. Nhiều đại biểu Quốc hội đã để lại dấu ấn ở những phát ngôn ấn tượng, chất lượng trên hội trường Quốc hội, đáp ứng được kì vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Đơn cử như những phát ngôn về tình hình bão lũ, thiên tai, về bộ sách giáo khoa mới cho các em học sinh, về các dự án công trình tiêu tốn hàng tỉ đồng ngân sách nhưng mãi vẫn không được hoàn thiện,… Những ý kiến chất vấn của cử tri từ khắp nơi trên cả nước đã được các đại biểu Quốc hội tổng hợp và đặt ra trực tiếp với các lãnh đạo ngành và chính người dân có thể theo dõi trực tiếp các phiên chất vấn đó trên sóng truyền hình. Thông qua các phiên chất vấn, người dân có thể phần nào nắm được hoạt động của các đại biểu Quốc hội, qua đó giám sát chất lượng hoạt động của đại biểu do chính mình bầu ra.

ĐBQH Phạm Minh Hiền (Phú Yên) phát biểu tại phiên thảo luận hội trường kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV

Tại kì họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, rất nhiều đại biểu đã phản bác gay gắt việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì. Ngay từ khi có thông tin việc tách 2 dự án luật này, rất nhiều cử tri đã bày tỏ ý kiến về sự bất hợp lý trong việc tách 1 thành 2 này. Và thực tế, trong các phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường Quốc hội, đa số các ý kiến của đại biểu đều phản đối việc tách luật, khiến dự án tách luật này phải tạm dừng để xem xét lại và điều chỉnh. Hay tại kì họp thứ 9 – Quốc hội khóa XIV, những màn thuyết trình, đối đáp gay gắt về tác hại thủy điện nhỏ và vừa, về tình trạng đổi đất rừng làm dự án tràn lan…. đã buộc Chính phủ phải có những phương án điều chỉnh ngay sau đó, hạn chế gây thiệt hại cũng như bức xúc cho nhân dân. Còn rất nhiều những vấn đề nóng mà cử tri quan tâm, cử tri thắc mắc cũng được các đại biểu Quốc hội đặt vấn đề trên hội trường, buộc các cơ quan hữu quan phải quan tâm, giải quyết. Có thể nói, thông qua hoạt động của đại biểu Quốc hội, quyền lực của cử tri đã được thực hiện, tiếng nói của cử tri đã được quan tâm và mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu Quốc hội là một quan hệ gắn kết, không thể tách rời.

Khi đại biểu Quốc hội thực hiện tốt vai trò, hoàn thành nhiệm vụ của một người đại biểu dân cử, thể hiện được hiệu quả hoạt động công tác của bản thân thì lại càng nhận được sự tín nhiệm, ủng hộ của cử tri. Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng đã nhận định, sự ủng hộ, quan tâm của đông đảo cử tri không chỉ cung cấp thêm thông tin, ý kiến, quan điểm, nhận định để đại biểu có thể đại diện nói lên tiếng nói của cử tri, mà đồng thời cũng là nguồn động lực vô cùng to lớn cho đại biểu Quốc hội trong quá trình hoạt động.

 ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận hội trường kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV

Chất vấn và trả lời chất vấn chỉ là một trong nhiều hoạt động của các đại biểu Quốc hội. Theo Hiến pháp qui định, Quốc hội thực hiện 3 chức năng quan trọng là: Thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Điều này đồng nghĩa, các đại biểu Quốc hội cũng có quyền và trách nhiệm thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng trên. Ba nhiệm vụ này đều có mối tương quan, gắn kết chặt chẽ với nhau. Thông qua việc thực hiện 3 nhiệm vụ, các đại biểu Quốc hội đã thay mặt nhân dân thực hiện quyền làm chủ đất nước của mình

Có thể thấy, dù đất nước và thời cuộc đã có nhiều thay đổi nhưng đại diện và nói lên tiếng nói của nhân dân vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các đại biểu Quốc hội./.

Theo hoidongbaucu.quochoi.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *