Bên bờ hạnh phúc

Ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đang đến gần. Sự lựa chọn của nhân dân là yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả bầu cử. Kết quả bầu cử, tỷ lệ người dân tham gia bầu cử sẽ phản ánh rõ ràng nhất ý thức, thái độ của người dân về chính quyền và hệ thống chính trị. Do đó cần tăng cường tuyên truyền để người dân tích cực đi bầu và hiểu về các ứng cử viên để có lựa chọn đúng đắn.

Tình trạng bầu cử hộ, bầu cử thay diễn ra ở nhiều nơi là hạn chế lớn được nhận định trong các báo cáo tổng kết các cuộc bầu cử gần đây như trong Báo cáo số 168/BC-MTTW-BTT ngày 01/7/2011 của Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam về  Tổng kết công tác Mặt trận tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; Báo cáo số 2451/BC-BNV ngày 11/7/2011 của Bộ Nội vụ về Tổng kết thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; Báo cáo số 453/BC-HĐBC ngày 18/7/2011 của Hội đồng bầu cử về Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; Báo cáo số 695/BC-HĐBCQG ngày 19/7/2016 của Hội đồng bầu cử Quốc gia về Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Mặt khác, theo kết quả điều tra xã hội học được chỉ ra trong Báo cáo kết quả điều tra xã hội học về hoạt động tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII do Văn phòng Quốc hội, Viện xã hội học và Chương tình phát triển Liên hợp quốc thực hiện năm 2011 về bầu cử năm 2011 thì có tới 58.5% người được hỏi cho biết đã từng nhờ người khác đi bỏ phiếu thay, 44.1% cho biết ở nơi họ đang sinh sống có hiện tượng một người bỏ phiếu cho nhiều người.

Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam PAPI 2016 do  Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) thực hiện năm 2017 cho thấy, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2016 cũng cho thấy tỷ lệ đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII năm 2011 chỉ là 67% và khóa XIV năm 2016 là 69%, thấp hơn nhiều so với thông tin chính thức được công bố. Tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhưng sẽ không thực chất nếu kết quả bầu cử không phản ánh đúng ý chí và thái độ của người dân, làm ảnh hưởng đến tính chân thực của bầu cử.

Thực tế này đặt ra yêu cầu làm sao khắc phục được tình trạng bầu cử hộ, bầu cử; làm sao để mỗi lá phiếu thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của mỗi người dân.

Bầu cử là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, thông qua cơ chế dân chủ trực tiếp, người dân ủy thác một phần quyền lực cho cơ quan nhà nước. Bầu cử là hình thức thực hành dân chủ trực tiếp quan trọng nhất. Nhân dân trao quyền, ủy quyền thì có quyền kiểm soát quyền lực bằng kiểm tra, giám sát, thay đổi những người cầm quyền thông qua bầu cử và bãi nhiệm đại biểu. Hiến pháp 2013 đã thể chế hóa sâu sắc tư tưởng chủ quyền nhân dân trên cơ sở kế thừa nội dung các bản Hiến pháp trước đây, tiếp thu những giá trị dân chủ của thời đại, thể hiện nhất quán và xuyên suốt nguyên tắc chủ quyền nhân dân. Lời nói đầu của Hiến pháp nêu rõ: “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này”. Hiến pháp khẳng định Nhà nước do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp.

Bầu cử được xem là nội dung chủ yếu nhất của dân chủ và phương thức cơ bản nhất để người dân thực hiện quyền lực của mình. Lý luận và thực tiễn thực hành bầu cử trong các nền dân chủ đã đúc kết những tiêu chí đặc trưng, phổ biến và khẳng định vai trò, chức năng của chế độ bầu cử tự do và công bằng.

Trải qua 35 năm đổi mới, nhận thức lý luận về dân chủ và nhà nước pháp quyền có bước phát triển, nhiều giá trị phổ quát được tiếp cận nghiên cứu và tiếp thu để vận dụng phù hợp với điều kiện đất nước. Cùng với đó, quan niệm, nhận thức về vai trò, chức năng của bầu cử trong nhân dân ngày càng được nâng cao. Người dân ngày càng ý thức về vai trò của cá nhân của mình, nhận thức đầy đủ hơn  về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội. Từ tâm lý thụ động, trông chờ, đến nay người dân đã dần chủ động trực tiếp thực hành dân chủ, tích cực tham gia vào các quá trình chính trị, quản lý nhà nước.

Nhân dân là chủ thể đóng vai trò trung tâm, có điều kiện tham gia và có khả năng giám sát các bước trong quy trình bầu cử. Do vậy, nhân dân phải được trang bị kiến thức cần thiết để nâng cao năng lực làm chủ, thực hành dân chủ. Trong bầu cử, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội chỉ giữ vai trò lãnh đạo, tổ chức triển khai bầu cử chứ không thay thế vai trò của nhân dân thực hiện các quyền bầu cử, bỏ phiếu bầu đại biểu đại diện cho mình.

Ngày bầu cử đang đến gần, sự lựa chọn của nhân dân là yếu tố duy nhất quyết định kết quả bầu cử. Không có bất kỳ một tổ chức nào có thể thay mặt nhân dân thực hiện quyền lựa chọn đó, bởi quyền bầu cử của công dân là quyền bầu cử trực tiếp. Bầu cử là công cụ của nhân dân để trao quyền, ủy quyền, thành lập nên bộ máy nhà nước, xác lập tính hợp pháp của quyền lực nhà nước, tạo tính chính đáng cho quyền lực chính trị của đảng cầm quyền theo ý chí của nhân dân. Nhà nước từ vị trí, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành bầu cử chuyển sang vai trò tổ chức và bảo đảm các điều kiện để nhân dân trực tiếp thực hiện các quyền bầu cử. Người dân cần hiểu trách nhiệm bầu cử của mình – một trách nhiệm chính trị quan trọng. Kết quả bầu cử, tỷ lệ người dân tham gia bầu cử sẽ phản ánh rõ ràng nhất ý thức, thái độ của người dân về chính quyền và hệ thống chính trị.

Để bầu cử thực chất và thành công góp phần mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm chủ quyền nhân dân, đáp ứng nhu cầu dân chủ của các tầng lớp nhân dân trong bầu cử và ứng cử cần chú trọng một số nội dung:

Một là, nâng cao nhận thức của người dân về bầu cử để người dân có cơ hội và có khả năng tham gia bầu cử một cách thực chất. Trình độ nhận thức và ý thức trách nhiệm chính trị của người dân là điều kiện để tổ chức bầu cử dân chủ. Điều này đặt ra đòi hỏi phải xây dựng chương trình quốc gia để phổ biến kiến thức về bầu cử. Bên cạnh vai trò chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia thì cần việc tham gia thông tin tuyên truyền của các Bộ ngành, tổ chức, đoàn thể trong giai đoạn cao điểm bầu cử mà trong cả thời gian dài để phổ biến kiến thức thông qua các hình thức thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với chương trình giáo dục công dân ở cấp Trung học phổ thông.

Hai là, thu hút sự tham gia của các tổ chức xã hội vào công tác bầu cử. Với tính chất rộng lớn của mình, các tổ chức xã hội có khả năng phổ biến, tuyên truyền về kiến thức, thông tin và kỹ năng thực hành bầu cử trong công chúng. Đồng thời, có cơ chế để khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia tự nguyện vào công tác quản lý bầu cử bằng cách cử các thành viên, hội viên vào các tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là ở các tổ bầu cử. Đây là hình thức phù hợp để công tác tổ chức, quản lý bầu cử không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức đoàn thể mà là công việc chung của toàn xã hội.

Ba là, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bầu cử, kết nối hạ tầng thông tin giữa các cơ quan có thẩm quyền tổ chức bầu cử ở trung ương với các địa phương. Xây dựng cơ sở dữ liệu về bầu cử như dữ liệu về người ứng cử, các hoạt động tranh cử, chương trình hành động… Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tạo lập và quản lý danh sách cử tri, thực hiện việc đăng ký đi bỏ phiếu nơi khác. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, càng cho thấy việc nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bầu cử càng có ý nghĩa quan trọng.

Bốn là, cần khắc phục tình trạng bệnh thành tích trong bầu cử để tránh trường hợp các tổ chức phụ trách bầu cử chạy đua theo thành tích, thúc ép về thời gian bỏ phiếu, tạo áp lực cho cử tri. Đồng thời, đây cũng là biện pháp để khắc phục tình trạng các cán bộ, nhân viên phụ trách bầu cử thờ ơ trước thực trạng bỏ phiếu hộ, bỏ phiếu thay trong bầu cử hiện nay.

Năm là, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương tạo điều kiện cho cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình tiếp xúc với người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, làm cơ sở cho cử tri thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của mình, xem xét, cân nhắc, lựa chọn những người thật sự xứng đáng vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Điều quan trọng là thu hút người dân quan tâm một cách thực sự đến hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân các cấp, đến việc lựa chọn người đại diện cho mình, cân nhắc kỹ lưỡng các ứng cử viên.

Thực tế quy mô cuộc bầu cử và khối lượng công việc chuẩn bị bầu cử quá lớn, quy trình, thủ tục trải qua nhiều bước nên các cơ quan, tổ chức gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng công tác chuẩn bị bầu cử. Số lượng ứng cử viên nhiều, thông tin về ứng cử viên không đầy đủ, nên cử tri rất khó khăn trong việc lựa chọn. Những vấn đề này đòi hỏi tăng thời gian chuẩn bị bầu cử; tăng cường công tác thông tin – tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cử tri, đổi mới vận động bầu cử…

Bên cạnh đó, cử tri cần cố gắng khắc phục khó khăn, sắp xếp hợp lý công việc của cơ quan, gia đình, tự mình đi bầu cử, tự viết phiếu bầu và bỏ phiếu, không được nhờ người khác bầu thay khi mình có đủ điều kiện đi bầu cử. Trường hợp cần thiết viết hộ người khác phải tuyệt đối giữ bí mật phiếu bầu của cử tri. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì được nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Tuân thủ theo nội quy phòng bỏ phiếu, ghi nhớ hướng dẫn của Tổ bầu cử, tránh sai sót khi bầu. Khắc phục các hiện tượng qua loa, đại khái, bầu cho qua chuyện, không xem xét kỹ lưỡng trước khi bầu.

Đồng thời, cử tri cần hết sức tỉnh táo, chủ động nhận diện và đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử./.

Theo hoidongbaucu.quochoi.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *