Bên bờ hạnh phúc

Quyền bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định tại Hiến pháp 2013. Theo đó, Điều 27, Hiến pháp 2013 nêu rõ, công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử và Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

 Công dân nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND Tp. Hà Nội

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 đã quy định cụ thể về việc thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của công dân. Đặc biệt pháp luật quy định cụ thể về quyền tự ứng cử của công dân làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền chính trị của mình, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Theo ông Đặng Đình Luyến, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, quyền tự ứng cử của công dân ở mỗi thời kỳ lại có những quy định khác nhau. Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/10/1945 quy định “Người ứng cử được tự do ứng cử nơi mình chọn lấy…”; tiếp theo đó tại Điều 24 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1959 quy định “Ở mỗi đơn vị bầu cử, các chính đảng, các đoàn thể nhân dân có thể riêng biệt hoặc liên hiệp với nhau mà giới thiệu người ra ứng cử. Cá nhân có quyền tự ra ứng cử”. Điều 25 của Pháp lệnh Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 1961 quy định: “Mỗi khi có cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, các chính đảng, các đoàn thể nhân dân có thể riêng biệt hoặc liên hiệp giới thiệu người ra ứng cử. Cá nhân có quyền tự ra ứng cử…”.

Từ năm 1992 đến nay, các Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã tiếp tục quy định rõ quyền tự ứng cử của công dân làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Cụ thể, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: Công dân tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử (Khoản 1, Điều 35). Ngoài ra, Điều 36 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 cũng đã quy định cụ thể về việc người tự ứng cử nộp hồ sơ ứng cử; Điều 37 quy định những trường hợp không được tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 còn quy định về quy trình hiệp thương giới thiệu những người tự ứng cử, việc vận động bầu cử, việc tiến hành bầu cử và kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử những người tự ứng cử cùng với những người được giới thiệu ứng cử làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Ông Đặng Đình Luyến nhấn mạnh, Hiến pháp và pháp luật hiện hành đã quy định khá cụ thể quyền ứng cử của công dân làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nói chung và quyền tự ứng cử của công dân làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nói riêng; đồng thời quy định rõ trình tự, thủ tục hiệp thương giới thiệu những người ứng cử, tổ chức việc bầu cử nhằm tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự ứng cử của mình.

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp và pháp luật, trong những năm qua công dân đã thực hiện quyền tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; trong quá trình thực hiện đã được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và nhân dân tạo điều kiện thuận lợi, không hạn chế đối với bất kỳ một công dân nào, không có sự phân biệt đối xử về giới tính, trình độ, tài sản, tôn giáo, dân tộc,…

Là một trong những đại biểu đã tham gia tự ứng cử và có quá trình hoạt động đại biểu với nhiều dấu ấn tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ: cá nhân tôi thấy quá trình tham gia tự ứng cử hết sức thuận lợi. Về quá trình làm hồ sơ, thủ tục đều được bộ phận có trách nhiệm hướng dẫn và làm rất chu đáo, đầy đủ. Quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, xử lý theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân tự ứng cử. Về quá trình hiệp thương thì điều tôi nhận thấy rõ nét nhất là hoàn toàn không có sự khác biệt gì từ công việc tiếp xúc cử tri nơi ứng cử,… Tôi cảm thấy mọi quy trình đều vô cùng thuận lợi.

Ngay từ khi Nhà nước ta mới giành được độc lập, chế định tự ứng cử vào Quốc hội khóa I đã được thực hiện trên thực tế. Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa I đã có nhiều công dân làm hồ sơ đăng ký tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đã có người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Trong các năm tiếp sau đó, khi Nhà nước tổ chức các cuộc bầu cử thì đều có hàng chục hồ sơ đăng ký tự ứng cử đại biểu Quốc hội và hàng trăm hồ sơ đăng ký tự ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân. Trong số những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân tthì đã có những người trúng cử đại biểu.

Để tiếp tục hoàn thiện chế định tự ứng cử, ông Đặng Đình Luyến kiến nghị, cần nghiên cứu bổ sung để quy định cụ thể hơn về chế định tự ứng cử, như quyền tự ứng cử, trình tự, thủ tục tự ứng cử; việc hiệp thương giới thiệu người ứng cử, vận động bầu cử nhằm bảo đảm dân chủ, bình đẳng giữa các ứng cử viên; đồng thời quy định cụ thể hơn về các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và các vấn đề khác có liên quan. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần có chính sách động viên, khuyến khích và phát huy dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi để công dân tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Cho rằng bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân phải hết sức dân chủ và trên thực tế chúng ta đã tổ chức rất thành công các cuộc bầu cử, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần tiếp tục phát huy tinh thần dân chủ để có thể lựa chọn ra những đại biểu ưu tú, có trách nhiệm và trước hết là người có nguyện vọng tha thiết muốn trở thành đại biểu Quốc hội. Đại biểu mong rằng, các chính sách về bầu cử phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tự ứng cử và đây là kênh rất hay để có thể lựa chọn ra những đại biểu Quốc hội xứng đáng.

Theo quy định của pháp luật, với mỗi kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, ngoài đại biểu được cơ quan, đoàn thể giới thiệu ứng cử thì công dân có quyền tự ứng cử nếu đáp ứng đủ điều kiện. Có thể nói, đây là chế định hết sức tiến bộ, góp phần thể chế hóa hiệu quả quyền ứng cử của công dân đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền chính trị của mình, tham gia quản lý nhà nước./.

Theo hoidongbaucu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *